VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Kỷ luật tài chính chưa nghiêm (01/11)

06/08/2010 - 99 Lượt xem

Tình trạng chi vượt dự toán diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục; triển khai và giải ngân đầu tư chậm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Điều đó chứng tỏ VN chưa biết cách sử dụng "đồng tiền khôn ngoan".

Chi tiêu pha: Vượt; chi xây dựng: Không đạt

Năm 2007, số tiền chi vượt đã đạt đến con số gần 11.000 tỉ đồng. Thế nhưng, trong khi các cấp, các ngành đều hô hào "cải cách hành chính" thì chi cho quản lý hành chính lại tăng 47,8% và vượt 5,1% so với dự toán.

Theo đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) thì nhìn vào báo cáo kiểm toán 2006 (niên độ NS 2005), số tiền sai phạm NS rất kinh ngạc. Cụ thể, số tiền này lên tới 7.600 tỉ đồng. Đại biểu Minh Phương còn bức xúc hơn khi căn bệnh này dù được chỉ rõ; thế nhưng dường như chẳng có sự sửa chữa. Đại biểu này nói: "Chúng tôi nhận được kết quả kiểm toán niên độ NS năm 2006, các khoản chi sai vẫn là hơn 6.134 tỉ đồng. Những con số trên làm cho cử tri hết sức lo ngại".

Một đại biểu đã nói thẳng: Dường như nhiều nơi người ta vẫn tiêu pha hơn là làm việc. Thật lạ là cũng niên độ NS 2005 được kiểm toán, Phú Thọ tiêu vượt tới 295%, Ninh Bình 256%... không hiểu là công tác dự toán và tiêu pha NS như thế nào nữa.

Việc tiêu pha thì nhanh, nhưng đầu tư cho phát triển thì lại quá chậm. Trong năm 2007 vẫn có tới 279 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và quá hạn, ách tắc gần 3.000 tỉ đồng. Nghịch lý hơn thế khi có những địa phương lại không bố trí hoặc cắt giảm vốn đầu tư phát triển chi cho việc khác.

Một chuyên gia kinh tế phân tích: Nhìn vào con số sẽ thấy "cán cân đầu tư" đang có vấn đề. Cụ thể, trong khi VN cần phát triển hạ tầng thì Bộ Giao thông Vận tải sau 8 tháng thực hiện lại điều chỉnh giảm từ hơn 12.600 tỉ đồng xuống còn hơn 6.200 tỉ đồng - chưa đạt được 50% dự tính. Đáng buồn hơn thế là bộ này chỉ thực hiện được hơn 1.000 tỉ đồng và bằng 17% kế hoạch. Bên cạnh đó có hơn 10 địa phương hoặc đạt dưới 1% kế hoạch, hoặc "án binh bất động".

Không thể "có tiền mà vẫn nghèo"

Nhìn vào thực trạng trên thì thấy: Rõ ràng VN không thiếu tiền cho đầu tư, phát triển. Thế nhưng do có tiền nhưng mà không biết sử dụng; trong số những đồng tiền sử dụng lại ít có "đồng tiền khôn ngoan"; vì thế VN dù có tiền, nhưng vẫn nghèo.

Để chữa bệnh "tiêu nhiều", đại biểu Danh Út (Kiên Giang) kiến nghị: Quốc hội, Chính phủ cần phân bổ sử dụng NS với một quan điểm là không dàn trải. UB TCNS thì đề nghị cần thực hiện nguyên tắc ổn định ngân sách, chỉ tăng khi có nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh. Đặc biệt, cần giảm hội họp không cần thiết.

Năm 2008, VN dự toán thu NS khoảng 321.400 tỉ đồng và chi NS là 397.380 tỉ đồng; trong đó chi cho đầu tư phát triển là hơn 98.000 tỉ, giảm 1.320 tỉ đồng và bằng 98,7% so với 2007. Với dự toán này, nhiều đại biểu cho rằng trong khi VN đang đòi hỏi đầu tư để phát triển thì việc bố trí vốn cho vấn đề này là cần thiết. Đại biểu Minh Phương kiến nghị không nên bớt vốn chi cho đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ đầu tư đúng chỗ, hợp lý thì mới đảm bảo cho sự phát triển.

Một chuyên gia của Bộ Công Thương, khi được hỏi thì ví dụ rất đơn giản: Hàng loạt công trình nếu như đầu tư và thực hiện đúng thời hạn thì đã không phải bội chi vì sắt thép. Rộng hơn thế, nếu như các đại công trình thuỷ điện, lọc dầu, khí - điện - đạm... được thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình thì VN sẽ giảm thiểu rất nhiều chi phí NK năng lượng, phân bón... Mấu chốt chính là ở chỗ "bộ máy chi và tiêu tiền" cho đầu tư có vận hành đúng như thiết kế hay không.

Kiến nghị

Tiết kiệm 10% chi thường xuyên so với 2007: Thực hiện khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính. Rà soát lại định mức chi tiêu, khoán chi các chi tiêu thường xuyên. Giảm dần bao cấp.UB TCNS
Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo khoảng từ 70%:  Hỗ trợ người nghèo đi đôi với xoá đói, giảm nghèo.
(ĐB Danh Út)

Tăng ngân sách cho nông thôn: Dự toán đầu tư XDCB đối với nông - lâm - ngư nghiệp chỉ bằng 20% trong tổng vốn đầu tư phát triển. Cần tăng thêm khoảng 3.000 tỉ đồng nữa, để thúc đẩy phát triển nông thôn. (ĐB Lê Đình Khanh)
Rà soát lại 11 chương trình mục tiêu quốc gia: Không bố trí NS cho chương trình chưa đủ thủ tục, hết thời hạn, kém hoặc chưa đánh giá được hiệu quả, chưa có mục tiêu tiếp theo và chương trình sai phạm.

Nguồn: Lao Động