VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

2007:Kỷ luật tài chính chưa nghiêm, chi hành chính vượt dự toán

06/08/2010 - 373 Lượt xem

2007: Kỷ luật tài chính chưa nghiêm, chậm giải ngân xây dựng cơ bản

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm 2007

Con số trên được thông tin trong phiên họp QH chiều nay (22/10) về thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2007 và dự toán, phân bổ ngân sách năm 2008. Lý do của hiện tượng này, theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là do: "trong điều hành NSNN đã phát sinh một số khoản chi nhưng chưa có nguồn thanh toán".

Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH cũng nhận định, Chính phủ đã kiên quyết trong quản lý NSNN, hạn chế thất thoát lãng phí nhưng việc quản lý chi theo dự toán còn chưa được coi trọng. Đặc biệt, việc triển khai và giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, xử lý nợ xây dựng cơ bản vẫn chậm.

Năm 2007, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã tăng 3,1% so với dự toán. Tuy nhiên, chi phí cho quản lý hành chính ở các địa phương đã tăng 47,8% so với năm 2006, vượt 5,1% so với dự toán. Như vậy, việc bố trí chi ngân sách cho một số khoản chưa thật sự cấp bách cho thấy kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Thậm chí, có tới 1.863,7 tỷ đồng "rót" cho 142 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. 129 dự án quá thời hạn quy định, với tổng số vốn hơn một ngàn tỷ đồng. Nhiều địa phương bố trí vốn cho giáo dục và khoa học - công nghệ thấp hơn dự toán TƯ giao. Có tới 4 tỉnh là Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang không bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực GD - ĐT. Nhiều địa phương cắt giảm gần ba nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển  để bố trí không đúng quy định cho mục tiêu khác. Có địa phương tái diễn tình trạng này suốt  5 năm.

Sau 9 tháng, kết quả giải ngân trong xây dựng cơ bản đạt 65,3% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 18,5% so với dự toán. Chẳng hạn, Bộ GTVT sau 8 tháng, chỉ đạt 17% kế hoạch, gây lãng phí về vốn, thời gian, cơ hội đầu tư và làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo

20007: Doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách thấp

Năm 2007,  Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt 40,6% (kế hoạch 40%), tổng thu ngân sách 287.000 tỷ đồng, tổng chi ngân sách 368.000 tỷ đồng.

Năm 2008, dự toán thu ngân sách 321.400 tỷ đồng, chi ngân sách 397, 380 tỷ đồng..

Trong khi đó, thu NSNN năm 2007 theo tính toán, được coi là năm có tỷ lệ vượt thu đạt thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Sau 9 tháng đạt 72, 4% dự toán, tương đương 204.220 tỷ đồng, ước cả năm đạt 287.900 tỷ đồng, vượt 2,1% (6.000 tỷ đồng) so với dự toán. Xu thế các năm qua đều vượt dự toán ít nhất 8%. Trong đó, ba khoản thu từ dầu thô, từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu phí xăng dầu đều giảm so với kế hoạch.

Theo đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nếu ngành thuế và hải quan xử lý tốt các khoản như cho vay, tạm ứng 460 tỷ đồng, nợ đọng thuế phát hiện tăng thêm 230 tỷ, các khoản thu thêm vào ngân sách 327 tỷ thì kết quả thu ngân sách sẽ cao hơn. Nhưng, theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, việc truy thu nợ đọng, xử lý số tiền tạm thu, tạm giữ chưa kịp thời.

Đặc biệt, gian lận thương mại, làm ăn phi pháp xuất hiện ngày càng tinh vi, gây thất thu thuế, nhưng biện pháp ngăn chặn và xử lý chưa đủ mạnh. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước có mức nộp ngân sách thấp hơn năm 2006, chưa tương xứng với mức đầu tư của nhà nước cho khu vực kinh tế này. Báo cáo Chính phủ cho thấy, chỉ có 10 DN có mức thu nộp ngân sách tăng.

Dự toán 2008: đánh giá lại 11 chương trình mục tiêu QG

Từ bức tranh thu - chi 2007, Ủy ban tài chính - Ngân sách đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại các khoản thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng nội địa, giảm dần các khoản thu bấp bênh phụ thuộc từ xuất nhập khẩu và bán tài nguyên thiên nhiên.

Năm 2008, Bộ Tài chính dự kiến chi cho đầu tư phát triển chỉ bằng 98,7% so với dự kiến 2007 song Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì kiến nghị nên tăng thêm hơn 1 nghìn tỷ và đầu tư có ưu tiên, có trọng điểm.

Thời gian qua, do tốc độ giải ngân trong lĩnh vực khoa học - công nghệ còn chậm, cơ chế quản lý tài chính cho khoa học - công nghệ còn nhiều bất cập nên Ủy ban đã kiến nghị chính phủ đánh giá lại hiệu quả chi và làm rõ cơ chế quản lý chi trong khu vực cần tăng cường sức cạnh tranh này.

Thống nhất với phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2008 của Chính phủ, Ủy ban cũng kiến nghị đánh giá lại 11 chương trình mục tiêu QG hiện nay để xác định chương trình hết thời hạn và chương trình kém hiệu quả. Bởi, theo báo cáo của kiểm toán nhà nước, năm 2007, việc sử dụng kinh phí sai mục đích, sai nội dung vượt thẩm quyền ờ mức độ lớn như chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, chương trình về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, 135 giai đoạn 2...

Đặc biệt, trong việc thực hiện nguyên tắc chung là giảm dần sự bao cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp, Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ giải trình rõ việc hỗ trợ gần 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 12 đơn vị là các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91, các Ngân hàng thương mại nhà nước... Cần rà soát kỹ những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về phân bổ ngân sách cho một số bộ, ngành...

Năm 2008, cần thực hiện tốt Luật quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2008) để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, tích cực truy thu số nợ đọng. Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ có cách thức huy động các nguồn lực thông qua xã hội hóa để giảm gánh nặng NSNN.
Nguồn: Vietnamnet