VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tăng trưởng kinh tế 9% - mục tiêu khiêm tốn vì sự bền vững

06/08/2010 - 380 Lượt xem

* Phóng viên: Trong bản báo cáo mà Thủ tướng trình bày có đề cập việc nghiên cứu thành lập một cơ quan giám sát giúp Chính phủ trong việc điều hành vĩ mô cũng như các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và các quỹ đầu tư. Xin Phó Thủ tướng có thể nói rõ hơn về mô hình đó?

Công ty Nhật Tân đầu tư dây chuyền thêu hiện đại để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Cái quan trọng, chúng ta phải hình thành một hệ thống chỉ tiêu giám sát độc lập để xem ảnh hưởng giữa các hoạt động tài chính, tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán ảnh hưởng với nhau thế nào, tác động tới giá cả ra làm sao, để từ đó có một đánh giá dự báo, cảnh báo kịp thời và đưa ra được những chính sách quyết liệt. Đồng thời ủy ban này cũng có trách nhiệm liên quan đến việc điều phối chính sách. Kinh tế thị trường có quy luật của nó, phải để cho nó thể hiện; tương tự, thị trường đang phát triển, anh phải để cho nó phát triển. Anh không được đưa ra những chính sách gây sốc thị trường, tạo ra tâm lý không tốt, thậm chí có thể tạo ra biến động. Cho nên chúng ta phải có cơ quan giám sát ấy để điều phối làm sao vừa tăng trưởng vừa ổn định mà không gây ra biến động. Nước ta chưa có cơ quan này, mới có hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thôi. Bây giờ phải có bộ máy chuyên môn hơn để hình thành một cách hệ thống.

* Thời gian gần đây ở một số đô thị lớn như TPHCM có tình trạng đầu cơ đất. Dư luận lo rằng có một cơn sốt đất lần 3. Vậy Chính phủ có biện pháp gì để kiềm chế?

* Tăng trưởng kinh tế thì có nhu cầu dùng đất phát triển. Nhưng mà đất không dùng thì không có giá trị mà lại sử dụng nó như một công cụ đầu cơ thì lại không tốt về mặt vĩ mô. Cho nên cái quan trọng là quy hoạch phát triển về đất đai, quy hoạch phát triển về xây dựng từ cơ sở hạ tầng cho đến các công trình công nghiệp, thương mại phải công khai minh bạch. Tôi nghĩ chúng ta phải sử dụng những biện pháp tài chính quan trọng, trong đó có vấn đề giá đất, làm sao cho công khai, minh bạch để người dân hiểu được giá nào là hợp lý. Chúng ta sẽ phải đánh thuế vào những diện tích đầu cơ hay đánh thuế vào những diện tích không phải là nhu cầu thiết yếu cho đời sống, ví dụ ở hay là nhu cầu cho việc tăng gia sản xuất và phát triển, xây dựng các công trình nhà máy. Anh cứ đầu cơ đi, nhưng nhà nước sẽ có chính sách điều tiết lại. Vì sự điều tiết ấy người ta thấy đầu cơ không có lợi. Một nhà ở thì được. Vài ba nhà ở thì vô lý quá. Hiến pháp cho anh tự do nhà ở chứ đâu cho anh tự do giữ nhiều đất làm nhà ở để bán. Và cũng chẳng làm nhà ở để bán đâu, bán đất luôn.

* Trong báo cáo của Thủ tướng, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển rất cao trong năm sau, từ 8,5% đến 9%. Thưa Phó Thủ tướng, cơ sở nào để đặt ra mục tiêu cao như vậy?


* Tăng trưởng phụ thuộc vào khả năng đầu tư và khả năng phát triển của đất nước. Nhu cầu phát triển của đất nước thì có rồi. Chúng ta cần phát triển công nghiệp hơn, dịch vụ cao cấp hơn, bao gồm cả dịch vụ cao như tài chính, ngân hàng, điện lực, giao thông, viễn thông và cả y tế, giáo dục và đời sống của nhân dân cũng cần tăng lên. Thứ hai, khả năng đầu tư lớn. Nếu chúng ta quy hoạch tốt, hấp thụ vốn tốt thì đầu tư nước ngoài vào sẽ lớn. Khả năng đầu tư của doanh nghiệp trong nước lớn. Các doanh nghiệp đầu tư hiện nay là 250 ngàn rồi, có thể lên đến 300 ngàn, lên 500 ngàn, thậm chí đến 2020 chúng ta có hàng triệu doanh nghiệp. Đó là tiềm năng rất lớn để chúng ta lo về tăng trưởng được. Vốn ngân sách thì chúng ta cũng tăng lên nhưng tỷ trọng càng ngày càng nhỏ lại, đầu tư doanh nghiệp lớn lên... Do đóù khả năng đạt mục tiêu 9% là đặt trong thế khiêm tốn.

* Nếu không “khiêm tốn” như Phó Thủ tướng nói thì mục tiêu tăng trưởng sẽ như thế nào?


* Khiêm tốn là vì sự bền vững. Chúng ta phải dành nguồn lực xóa đói giảm nghèo, giải quyết những việc không ra tăng trưởng, ví dụ đầu tư đường điện vào nông thôn, công trình thủy lợi hay đầu tư giáo dục, y tế, văn hóa thì tăng trưởng lâu dài chứ không phải trước mắt. Nếu chúng ta chỉ một mục tiêu tăng trưởng thì dễ lắm. Cái khó là chúng ta xử lý một cách đồng bộ. Ngoài ra còn yếu tố giá nữa. Nếu đẩy tăng trưởng quá nhanh thì giá lên, nó đảo trở lại. Cho nên 9% là hợp lý với tình hình của chúng ta hiện nay. Khi chúng ta giải quyết tất cả các cân đối vĩ mô tốt, đời sống nhân dân tương đối, cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị tốt rồi thì tăng trưởng cao hơn, thậm chí hai con số.

* Cảm ơn Phó Thủ tướng. 
Nguồn: SGGP