VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về triển vọng thu hút đầu tư

06/08/2010 - 350 Lượt xem

Tuy nhiên, báo cáo thường niên tiếp tục cho thấy Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều về khả năng thực hiện trên thực tế nguồn vốn FDI đang đổ vào ngày càng lớn.

Để thực hiện phần “Triển vọng đầu tư” trong bản báo cáo WIR năm 2007, UNCTAD đã tiến hành khảo sát ý kiến của hàng loạt tập đoàn xuyên quốc gia trên khắp thế giới. Kết quả không gây nhiều ngạc nhiên khi Việt Nam lọt vào Top – 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất về đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia trong giai đoạn 2007 – 2009.

Có 11% tập đoàn xuyên quốc gia được khảo sát đã khẳng định Việt Nam sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn nhất của họ trong những năm tới. Việt Nam đứng sau Trung Quốc (52%), Ấn Độ (41%), Mỹ (36%), Nga (22%) và Brazil (12%).

Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu về hấp dẫn đầu tư chủ yếu nhờ vào quy mô của nền kinh tế và thị trường nội địa rộng lớn.

Theo báo cáo khác được công bố gần đây của một hãng tư vấn kinh doanh toàn cầu, Việt Nam chiếm vị trí số 1 thế giới về hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất.

Báo cáo của UNCTAD cũng cho biết Việt Nam đang trở thành một điểm đầu tư quan trọng trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo WIR không chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất mà còn khảo sát các tập đoàn kinh doanh trong ngành dịch vụ, ngân hàng và tài chính.

Vị trí thứ 6 vì thế phản ánh một cách chân thực hơn, toàn diện hơn triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là trên những lĩnh vực dịch vụ, tài chính và chứng tỏ sự chuyển mình mạnh mẽ của một nền kinh tế ngày càng đa dạng. Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ đang đối mặt với một số điều kiện bất lợi nảy sinh như chi phí lao động tăng, Việt Nam lại có nhiều lợi thế.

Theo báo cáo WIR, việc Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ giúp cho khu vực châu Á thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI trong những năm tới. Khảo sát cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam nằm trong Top – 5 điểm đầu tư hấp dẫn nhất của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản năm 2007.

Cùng với những thách thức chung mà các nền kinh tế khác phải đối mặt, báo cáo WIR cho thấy mặc dù tổng nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam rất lớn, nhưng số vốn thực hiện trên thực tế vẫn còn thấp. Theo báo cáo, số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2005 chỉ 2,02 tỷ USD và tăng lên 2,31 tỷ USD năm 2006.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2006, Việt Nam thu hút số vốn FDI kỷ lục với 10,2 tỷ USD và mức vốn đưa vào thực hiện đạt 4,1 tỷ USD.

Vì khả năng thực hiện FDI thấp, nên Việt Nam tiếp tục chưa có tên trong danh sách 10 nền kinh tế châu Á thu hút nhiều nhất FDI trong năm 2005 và 2006. Đứng ngay trên Việt Nam là Pakistan với số vốn FDI thực hiện năm 2006 đạt 4,3 tỷ USD, Hàn Quốc - 5 tỷ, Indonesia - 5,6 tỷ, Malaysia - 6,1 tỷ…

Cũng theo báo cáo, chỉ số thực hiện vốn FDI của Việt Nam năm 2006 đã tụt xuống thứ 78 trên tổng số 141 nền kinh tế được xếp hạng và đứng sau Singapore (thứ 5), Thái Lan (thứ 52), Trung Quốc (thứ 69), Malaysia (thứ 71)…; đứng trên Indonesia (thứ 95), Ấn Độ (thứ 113). Năm 2005, chỉ số thực hiện vốn FDI của Việt Nam là 58 và xếp trên Trung Quốc (thứ 62). 

Theo báo cáo, FDI đổ vào Đông, Nam và Đông Nam Á năm 2006 tăng 19%, đạt mức kỷ lục mới với 200 tỷ USD. Trung Quốc đại lục tiếp tục đứng đầu khu vực về FDI dù đã giảm 4%, xuống còn 69 tỷ USD. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với 43 tỷ USD, tiếp đến là Singapore – 24 tỷ USD, Ấn Độ 17 tỷ USD…

Dồn dập dự báo lạc quan về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam

Theo khảo sát của Hội đồng Kinh doanh châu Á, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về hấp dẫn đầu tư đối với các tập đoàn châu Á trong giai đoạn 2007 – 2009. Có 85% ông chủ các tập đoàn châu Á được hỏi cho biết đã lên kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc, 51% với Ấn Độ và 38% dành cho Việt Nam.

Báo cáo của tập đoàn tư vấn kinh doanh lớn nhất thế giới Pricewaterhouse Coopers công bố tháng 7/2007 xếp Việt Nam ở vị trí số 1 trong số 20 nền kinh tế mới nổi về hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố cuối tháng 9/2007, Việt Nam xếp hạng 91 về mức độ thuận lợi kinh doanh, tăng 13 bậc so với năm trước.

Nguồn: Tiền Phong