VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Doanh nghiệp tự định giá xăng dầu, Nhà nước quản lý gián tiếp

06/08/2010 - 243 Lượt xem

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 55/2007/NĐ-CP (ngày 6.4.2007) về kinh doanh xăng dầu để thay thế cho Quyết định 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành năm 2003 về cơ chế kinh doanh xăng, dầu..., với tinh thần cơ bản là đảm bảo chính sách an ninh năng lượng, đảm bảo cho giá xăng dầu sát với mặt bằng giá thế giới...  Tuy nhiên, hiện cũng có những ý kiến lo ngại là có thể xảy ra tình trạng các doanh nghiệp (DN) liên kết, đẩy giá xăng, dầu lên cao khiến người tiêu dùng thiệt hại.

Giá bán lẻ sẽ linh hoạt hơn

Theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP, các DN xăng dầu được tự quyết định giá bán xăng theo cơ chế thị trường, trên cơ sở giá thế giới, thuế nhập khẩu, các chi phí đầu vào... đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư, phát triển sản xuất và các hoạt động kinh doanh của DN. Nhà nước chỉ quản lý gián tiếp bằng các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; điều hòa cung cầu; mua, bán hàng dự trữ quốc gia và thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hay đầu cơ nâng giá.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, giống một số mặt hàng khác, giai đoạn đầu có thể sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên để giá trong nước tiếp cận với thị trường có lên có xuống sẽ sòng phẳng hơn cho DN và cả người tiêu dùng.  Ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại cũng nói rằng, với quy định mới, giá bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh nhanh và linh hoạt hơn theo giá thị trường thế giới chứ không như hiện nay. Các mức giá cũng có thể được áp dụng khác nhau tùy mỗi DN hoặc địa bàn chứ không thống nhất trên toàn quốc.

Theo ông Thỏa, cơ chế điều hành xăng dầu áp dụng trong nhiều năm qua là "bất cập" vì xử lý thường chậm và mang tính tình thế, mang nặng tính chất hành chính trong quy trình định giá, thường "lệch pha" nhiều với biến động của thị trường. Không huy động được nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia vào đầu tư phát triển (bán dầu thô bù cho xăng dầu nhập khẩu), dễ tạo ra sự ỷ lại của doanh nghiệp... và làm "méo mó" hệ thống giá trong nước, do hệ thống giá không tính đúng giá trị hàng hóa, Nhà nước phải chi khoảng 5% tổng chi ngân sách Nhà nước để trợ giá cho người tiêu dùng. Ngoài ra, do bao cấp về giá nên xảy ra nạn buôn lậu làm "chảy máu" xăng dầu sang các nước láng giềng. Ông Thỏa bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi cho rằng việc Nhà nước trao quyền tự định giá cho DN sẽ bảo đảm giá xăng dầu được tính đúng, tính đủ giá vốn nhập khẩu, các loại thuế, phí theo luật định, bảo đảm chi phí kinh doanh và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư phát triển".

Doanh nghiệp có liên kết nâng giá xăng dầu?

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cách thức điều hành mới là DN chủ động tính toán phương án và quy định giá bán theo tín hiệu của thị trường, theo nguyên tắc lấy gần bù xa theo Quy chế tính giá hàng hóa của Chính phủ. Quy chế này không chỉ tạo hành lang pháp lý cho DN có đủ các căn cứ tính giá, phương pháp tính giá, quy định những loại chi phí nào được tính vào giá và loại chi phí nào không được tính vào giá... mà còn là cơ sở để Nhà nước có thể kiểm soát được các yếu tố hình thành giá khi có biến động hoặc khi phát hiện DN tính giá không đúng. Ngoài ra, theo ông Thỏa, cơ chế này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh theo pháp luật, tạo lập tính tự chủ cho DN trong môi trường điều tiết vĩ mô của Nhà nước, tạo điều kiện để DN tự lựa chọn bạn hàng, thị trường, thời điểm nhập khẩu có lợi, tự chủ động sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ dùng các biện pháp điều hành gián tiếp như điều hòa cung cầu, mua vào bán ra hàng dự trữ quốc gia, sử dụng các công cụ tài chính tiền tệ khi cần thiết và thực hiện việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hoặc đầu cơ nâng giá...

Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo thì cho rằng, cơ chế thị trường vận hành theo những quy luật rõ ràng và linh hoạt  do đó, sẽ không thể có xáo trộn lớn trên thị trường xăng dầu khi cơ chế được áp dụng. "Hiện Việt Nam đã có hàng ngàn mặt hàng, nhiều mặt hàng cũng nhạy cảm như gạo, lương thực.. chứ không riêng gì xăng dầu nhưng trên thị trường mấy năm qua, việc vận hành theo nguyên tắc thị trường cùng với việc Nhà nước điều tiết bằng các chế tài đã cho thấy không có gì xáo trộn lớn", ông Bảo nói. Về những ý kiến lo ngại rằng các DN có thể "bắt tay nhau để làm giá",  ông Bảo cho rằng: "Chắc sẽ không có chuyện đó xảy ra". Ông lập luận: "Thị trường xăng dầu trong nước hoàn toàn tuân theo giá thế giới (giá có thể kiểm chứng). Thậm chí ngược lại, do cơ chế thị trường tại Việt Nam còn sơ khai nên nỗi lo chính là các DN có thể cạnh tranh nhau khốc liệt (hiện cả nước có 11 DN đầu mối xăng dầu) dẫn đến việc DN nào cũng hạ giá thành để thu hút khách hàng".

Trưởng ban Hội nhập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành:

"Thị trường xăng dầu chưa đủ điều kiện để thả nổi..."

"Việc thả nổi giá xăng là cách làm đúng để giá bán của Việt Nam dần tiếp cận với thị trường thế giới mà nhiều nước trong khu vực đang làm rất hiệu quả. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận vào thực tế Việt Nam xem đã đủ điều kiện để thực hiện biện pháp thả nổi hay không. Xăng dầu là mặt hàng quan trọng tác động đến nhiều ngành nghề và nền kinh tế nói chung nên việc ổn định vĩ mô rất quan trọng. Tôi muốn đặt câu hỏi là, hệ thống phân phối xăng dầu đã đảm bảo tính thị trường hay chưa mà đã cho phép thả nổi? Nền kinh tế thị trường phải đảm bảo các điều kiện: Thứ nhất đó là tính cạnh tranh. Hiện nay thị phần của các DN vẫn chênh lệch, trong đó Petrolimex vẫn chiếm thị phần khống chế với trên 60% hệ thống đại lý, cửa hàng rộng khắp trên cả nước. 40% còn lại chia đều cho vài chục DN khác. Như vậy thị trường xăng dầu trong nước tuy không độc quyền nhưng cũng chẳng khác nào ngành bưu chính viễn thông của những năm trước khi bị thâu tóm bởi VNPT. Điều kiện thứ hai là cần phải minh bạch thông tin, trong đó DN phải hạch toán rõ chi phí lỗ lãi và phải công bố rõ ràng. Nhưng lâu nay, chúng ta chỉ thấy DN nhập khẩu kêu lỗ rồi Nhà nước rót vốn, trong khi con số thật là bao nhiêu thì không ai rõ khiến chúng ta có cảm giác họ muốn khai bao nhiêu cũng được. Thứ ba, Nhà nước phải xử lý được các loại thuế nhập khẩu và VAT, bên cạnh đó bằng các biện pháp quản lý khác thúc đẩy phát triển thị trường có tính giao dịch ổn định, giao dịch có kỳ hạn qua đó cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động của DN. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào thực tế thị trường xăng dầu VN hiện nay, tôi thấy các yếu tố trên đều có vấn đề và chưa đủ điều kiện để thả nổi".

Nguồn: Thanh Niên