VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thị trường tài chính VN phát triển nhanh nhất thế giới

06/08/2010 - 288 Lượt xem

Theo nhận định của giới chuyên môn, thị trường tài chính Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây. Đặc biệt trong năm 2006, thị trường vốn và tài chính Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao vượt bậc và nhanh chóng trở thành “địa điểm” đầu tư hấp dẫn trong con mắt của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh trên, việc tăng cường thu hút nguồn vốn nước ngoài đầy tiềm năng cùng với việc xây dựng và phát triển thị trường vốn an toàn và hiệu quả, từng bước hội nhập với thị trường vốn khu vực và thế giới đang là mục tiêu trọng tâm mà các nhà quản lý trong ngành tài chính hướng tới.

Những dự cảm khả quan

Ông Sammy Ho, Giám đốc Euro Events, đơn vị chuyên tổ chức các hội nghị hỗ trợ phát triển thị trường vốn uy tín trên thế giới, nhận định thị trường tài chính Việt Nam đang có bước chuyển biến mới và đây cũng chính là lý do khiến Euro Events tổ chức một hội nghị về phát triển thị trường vốn và tài chính quy mô lớn tại Việt Nam vào cuối năm qua.

“Việc Chính phủ Việt Nam quyết tâm hoàn thành tiến trình chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tìm được thị trường để đầu tư. Song song đó, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cũng tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam hấp thụ hết nguốn vốn đầu tư gián tiếp và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, thu hút vốn trên thị trường thế giới”, ông Sammy Ho nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hiện tại, tiềm năng tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, bởi xuất phát điểm của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp ở nước ngoài còn thấp. Ông Sammy Ho cho rằng chính điều này đã đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nhiều doanh nghiệp đang niêm yết tại thị trường Việt Nam chuẩn bị niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn một năm qua đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài thêm quan tâm đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường trái phiếu - kênh huy động vốn rất hiệu quả hiện nay - cũng đã phát đi những tín hiệu khả quan ra thị trường thế giới.

Bà Yoko Ogimoto, chuyên gia của Viện Nomura (NRI) Nhật Bản nói: “Chúng tôi dự đoán việc phát hành trái phiếu từ Việt Nam sẽ tăng nhanh trong năm 2007-2008 do các công ty phát hành trái phiếu mới sẽ gia tăng. Giấy chứng nhận sở hữu hiện tại của Việt Nam hoạt động khá tốt trên thị trường thứ cấp (qua đợt phát hành 500 triệu USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế năm 2006) và điều này cho thấy các nhà đầu tư rất muốn được tiếp cận nhiều hơn với Việt Nam đồng thời cũng mở đường cho các công ty Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư toàn cầu”.

Nhiều nhà đầu tư cũng nhận định rằng sự kiện Deutsche Bank - một ngân hàng uy tín của Đức - có một cuộc giao dịch rất thành công với Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó người mua hầu hết là các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra một tiền đề đầy triển vọng cho các công ty Việt Nam vươn ra thị trường vốn nước ngoài. Deutsche Bank cũng dự báo, thị trường trái phiếu ngoài nước sẽ lên tới con số 770 tỷ USD và tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà phát hành Việt Nam hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế cũng như các nguồn huy động vốn vay dài hạn đa dạng, phong phú. Điều này sẽ góp phần làm giảm bớt áp lực phụ thuộc vào các nguồn vốn truyền thống trước đây.

Chính sách

Theo Bộ Tài chính, để đáp ứng được nhu cầu về vốn từ nay đến năm 2010 (khoảng 140 tỷ USD), điều đầu tiên là phải đa dạng hóa các loại trái phiếu Chính phủ làm chuẩn mực cho các công cụ nợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn dưới hình thức phát hành cổ phần, trái phiếu.

Ngoài ra còn cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gắn với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhằm tăng cường khả năng huy động vốn và tạo tiền đề phát triển thị trường chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, quyết tâm phát triển mọi nguồn lực của Chính phủ được thể hiện rất rõ qua việc đa dạng sở hữu, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân và tiến hành cổ phần hóa một cách mạnh mẽ. Ông Hà cho biết trong năm nay Việt Nam sẽ tiếp tục cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước cùng 71 tập đoàn và Tổng công ty lớn. Bên cạnh đó, công tác phân cấp quản lý tài chính cũng sẽ được thực hiện mạnh mẽ và triệt để hơn.

Các cơ quan chức năng cũng sẽ sớm hoàn thiện thể chế hoạt động của thị trường chứng khoán, từng bước mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo cam kết hội nhập, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, trước mắt là các doanh nghiệp lớn, tham gia vào thị trường vốn quốc tế.

“Việc đầu tư theo danh mục thông qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn, đặc biệt sự tham dự của các nhà đầu tư nước ngoài luôn là những xung lực mạnh cho phát triển và tăng trưởng tại các nước đang phát triển. Dưới góc độ cơ quan quản lý thị trường, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục các biện pháp phát triển bền vững thị trường vốn, thị trường chứng khoán để tạo một môi trường an toàn, minh bạch và hiệu quả cho đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư.”, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định.

Một loạt những động thái mới đây của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - đơn vị quản lý phần vốn trong các doanh nghiệp Nhà nước trong nỗ lực nhằm thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh và hiệu quả, cũng được giới chuyên môn đánh giá cao.

Tính đến 1/3/2007, sau 8 tháng đi vào hoạt động, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 420 doanh nghiệp, với tổng giá trị sổ sách phần vốn Nhà nước lên đến 3.400 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã tiếp nhận đạt khoảng 35-40%. Hiện nay, trong tổng số trên 420 doanh nghiệp đã chuyển giao về SCIC, mới có khoảng gần 20 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2007, SCIC sẽ phấn đấu đưa thêm 22 doanh nghiệp lên thị trường chứng khoán và phát hành thêm vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ điều tiết để giảm dần phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, trong đó có việc bán cổ phần thông qua thị trường chứng khoán và mua bán doanh nghiệp. Trên thực tế, vừa qua, chúng tôi đã thực hiện giải pháp này đối với một số doanh nghiệp như Nhựa Tiền phong, Công ty bảo hiểm Bảo Minh-CMG”, Phó Tổng Giám đốc SCIC Lê Song Lai cho biết.

Nhìn xa hơn, SCIC kỳ vọng sẽ trở thành một tập đoàn tài chính chuyên nghiệp của Nhà nước vào năm 2010 với mục tiêu trở thành cổ đông năng động của doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ; tập trung đầu tư và nắm giữ từ 100-150 doanh nghiệp lớn, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Đối với các doanh nghiệp này, SCIC chủ trương đóng vai trò là cổ đông lớn hoặc chi phối, đồng thời phấn đấu đưa ít nhất 80% trong số đó ra niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Lai khẳng định.

Nguồn: TTX VN