VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

TPHCM sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng GDP trên 12,5% (22/02)

06/08/2010 - 245 Lượt xem

  • Tăng trưởng nhờ dịch vụ và thương mại
Là một trong những cơ quan tham gia xây dựng kế hoạch phát triển TP, Viện Kinh tế cũng được giao nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để triển khai các chương trình-công trình đòn bẩy của TP.

Theo ông Trần Du Lịch, năm 2007 sẽ là một năm phát triển đột biến trong ngành dịch vụ thương mại, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp như vốn, bảo hiểm, cảng, vận chuyển hàng hóa, thị trường chứng khoán…

Đặc biệt du lịch đang thu hút du khách quốc tế, nên sẽ có nhiều ngành kinh tế khác phát triển phục vụ du lịch, không chỉ giải quyết công ăn việc làm mà còn góp phần làm ổn định xã hội. Chính sự phát triển mạnh mẽ này góp phần bù đắp cho mảng công nghiệp và nông nghiệp đang có phần giảm sút và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế chung của TP.

Bên cạnh đó, trong mảng công nghiệp xây dựng, có thể thấy công nghiệp sẽ không tăng trưởng nhiều và đột biến trong năm nay nhưng khu vực xây dựng sẽ phát triển mạnh. Thực chất, một số dự án công trình trong điểm đang được đẩy nhanh tốc độ thực hiện, thị trường địa ốc đang nóng lên, vốn từ thị trường chứng khoán cũng có hướng điều chỉnh sang thị trường địa ốc để bảo đảm sự an toàn. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp ra đời đã giúp tăng số lượng các doanh nghiệp mới thúc đẩy xây dựng tăng cao. Nếu TP có một số điều chỉnh chính sách khác nữa thì khu vực xây dựng sẽ có tốc độ tăng khá cao.

Điều mà nhiều các chuyên gia lo ngại, trong mảng dịch vụ thì lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ không tăng nhiều, do sản phẩm xuất khẩu chưa có gì mới và năng lực sản xuất hàng xuất khẩu cũng đã kịch tường. Rõ ràng là nền kinh tế của chúng ta trong thời gian qua là kinh tế hướng ngoại, sản xuất tập trung chủ yếu cho nhiệm vụ xuất khẩu.

Trong nhiều năm, hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp đầu tư, thiết kế các sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, do vậy năng lực khai thác cũng kịch tường, các dự án đầu tư mới chưa tăng cao vì một số điều chỉnh trong chính sách và thực hiện di dời hàng loạt các cơ sở sản xuất ô nhiễm nhưng chưa hoàn thành. Như vậy, các sản phẩm xuất khẩu truyền thống có thể dự đoán không tăng trưởng nhiều.
  • Thu hút đầu tư-điều chỉnh từ quy hoạch đến ứng dụng CNTT

Chắc chắn để thu hút đầu tư cần tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Do đó, các sở- ban- ngành cần phải đưa các công cụ vào áp dụng trong công tác quản lý, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT). Giám đốc Sở KH-ĐT TP Thái Văn Rê nhận xét, nói cải cách hành chính mà không ứng dụng CNTT, các sở ngành không liên thông với nhau thì cũng sẽ dậm chân tại chỗ như trong mấy năm qua. Khi đó, dù có đưa ra nhiều biện pháp thế nào cũng khó kiểm soát được công việc, vẫn tạo nên các kẽ hở cho quan liêu và tham những hoành hành. Sở KH-ĐT cũng đang trình UBND TP kế hoạch triển khai chương trình ứng dụng CNTT trong quản lý các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng, vấn đề quy hoạch cần phải được tiến hành gấp rút để hỗ trợ kinh tế TP phát triển nhanh.

Trong đó, khu vực trung tâm cũng đang được chạy thử mô hình để hoàn thiện quy hoạch, kể cả khống chế độ cao như thế nào hài hòa cho từng khu vực, tránh những trường hợp đáng tiếc là nhà đầu tư triển khai dự án thì gặp sự phản đối của dư luận.

Theo ông Tín, việc đưa nhanh các dự án công trình trọng điểm thành phố đang triển khai hiện nay như xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm, dự án Đông Tây, Khu công nghệ cao… vào hoạt động là rất cần thiết.

Kế đến, phải hoàn thiện quy hoạch để thúc đẩy xây dựng và thu hút đầu tư. Thực trạng là nhà đầu tư vào cũng không biết chắc khu vực đó quy hoạch tổng thể như thế nào, chiều cao khống chế bao nhiêu, tỷ lệ diện tích được xây dựng…

Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và có tác động sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội TP, kết hợp với thực hiện chỉnh trang đô thị. Ông Trần Du Lịch có đề cập đến một số vấn đề sẽ kiến nghị lãnh đạo TP xem xét và có sự điều chỉnh trong tương lai. Sự điều chỉnh này sẽ tránh việc huy động bộ máy chính quyền làm không công cho lợi ích của một số doanh nghiệp, vừa là lại thiệt hại cho ngân sách, vừa có tội với người dân.

Đó là, hầu hết quỹ đất của TP đều đã giao cho các dự án, nhiều dự án trong mấy năm liền không triển khai được do vướng đền bù giải tỏa. Quy trình hiện nay là giao đất cho dự án, họ thực hiện đền bù giải tỏa khoảng 80% và phần còn lại đề nghị chính quyền cưỡng chế.

Quan điểm của cá nhân ông Lịch là bộ máy chính quyền không làm chuyện này. Chính quyền không thể đưa nhân lực, vật lực, tài lực để cưỡng chế người dân mà cần tuân thủ cơ chế thị trường, chủ dự án phải thương lượng với dân. Còn nếu như thành phố làm việc này thì không giao đất cho chủ đầu tư, mà sau khi thực hiện đền bù giải tỏa sẽ tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và bán đấu giá. Đó là biện pháp đúng đắn nhất, vừa không gây thiệt hại cho ngân sách, khai thác quỹ đất một cách hiệu quả. Thực tế bán đấu giá hiện nay cao hơn nhiều so với giá đền bù, TP có thể điều chỉnh từ nguồn ngân sách thu được này đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng chung để tất cả người dân đều được hưởng.

Nguồn: SGGP