VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Trước làn sóng ồ ạt tăng vốn của NHTMCP: Ngân hàng Nhà nước lại "hãm phanh" (12/02)

06/08/2010 - 239 Lượt xem

Trái ngược với xu hướng điều chỉnh đang diễn ra trên TTCK tập trung, thị trường tự do vẫn rất nóng bởi làn sóng săn lùng CP ngân hàng, nhất là các ngân hàng "hạng ruồi". NH Nhà nước, ngày 8.2 đã đưa ra cảnh báo với NĐT về nguy cơ trắng tay nếu mua phải CP "ảo" của một số NH chưa thành lập, hay trong diện kiểm soát đặc biệt.

Trước làn sóng tăng vốn điều lệ khá nóng của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) gần đây, ngày 8.2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái "hãm phanh" bằng văn bản số 1244 yêu cầu phương án tăng vốn phải được sự đồng ý của NHNN.

Tăng vốn để trục lợi?

Trong làn sóng tăng vốn này, điều đáng nói là ngoài những ngân hàng (NH) có tiềm lực mạnh, uy tín lâu năm, nhiều NH thuộc dạng mới nổi cũng nhấp nhổm tăng vốn với tốc độ chóng mặt.

Đáng chú ý nhất là nhóm NHTMCP nông thôn mới chuyển thành NHTMCP đô thị. Theo nhận định của NHNN, nhiều NHTMCP vẫn chưa có phương án sử dụng vốn hiệu quả, đặc biệt là chưa xem xét kỹ năng lực quản trị tạo nên những rủi ro tiềm tàng.

Ngoài áp lực tăng vốn theo quy định mới về vốn tối thiểu của NHNN và yêu cầu mở rộng quy mô, một trong những động lực thúc đẩy hàng loạt NHTMCP lên kế hoạch tăng vốn là cơn sốt CP ngành NH đã lên mức cao trào.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tăng vốn thông qua phát hành thêm CP vào thời điểm này có tác động tương hỗ: Nhà đầu tư dễ dàng tính được khoản lợi nhuận kếch sù khi được hưởng quyền mua ưu đãi nên càng đổ xô đi săn cổ phiếu của những NH có kế hoạch tăng vốn và giá càng được đẩy lên cao. Với mức giá cao, thặng dư vốn khi NH phát hành thêm CP càng lớn.

Theo một chuyên gia của NHNN, thậm chí có tình trạng tăng vốn để trục lợi khi giá lên và lợi ích lớn nhất thuộc về một nhóm nhỏ cổ đông. Nhóm này có quyền mua lớn đồng thời tiềm lực tài chính mạnh.

Giá CP cao đồng nghĩa với khoản lời chênh lệch khổng lồ bởi người không sử dụng quyền mua được phép bán quyền mua. Đây rõ ràng là hiện tượng trục lợi nhờ phát hành CP. Đối tượng thiệt nhiều nhất là những cổ đông nhỏ chấp nhận mua với giá cao trong khi không đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của NH.

Nhà đầu tư cần thận trọng

Tăng vốn điều lệ nhanh không tương xứng với quy mô và không có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn mới cũng ẩn chứa những rủi ro đối với hoạt động NH cũng như nhà đầu tư.

"Cách đây vài năm có cho tiền các NH cũng không dám tăng vốn ồ ạt như vậy" - một chuyên gia trong lĩnh vực NH, đồng thời là một nhà đầu tư nhận xét.

"Vốn điều lệ thấp thì mức cổ tức phải trả cũng thấp và một vài chi nhánh vẫn gánh được. Những khi vốn tăng 3 - 4 lần mà số chi nhánh vẫn vậy, kinh doanh không phát triển thì không thể tải nổi áp lực cổ tức.

Hiện nhiều NH vẫn xập xí xập ngầu được vì vốn tăng thêm do bán giá CP cao và tiền chênh lệch nhập vào vốn tự có. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh và rủi ro phá sản trong tương lai mới là chuyện lớn".

Theo ông Đỗ Quang Hiển - Phó Chủ tịch HĐQT NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB), "chất lượng" của cổ đông chiến lược trong kế hoạch tăng vốn là yếu tố quan trọng cần xem xét. Chẳng hạn với đối tác chiến lược chỉ là thể nhân hay một vài DN nhỏ nhưng NH vẫn ồ ạt tăng vốn liên tục là không ổn. NHNN cần giám sát chặt chẽ kế hoạch tăng vốn trong những trường hợp này.

"Nhìn chung, việc thắt chặt điều kiện tăng vốn là cần thiết. Tuy nhiên cũng nên tránh sự cào bằng, đánh đồng các NH theo cùng một quy trình qua nhiều cấp xét duyệt có thể làm mất đi cơ hội tăng vốn, cơ hội hợp tác của DN" - ông Hiển cho biết.  

Thay đổi đáng chú ý trong công văn chính thức ngày 8.2 so với dự thảo trước đó là NHNN không áp dụng "cứng" hai tiêu chí hệ số an toàn vốn và tỉ lệ cổ tức tối thiểu đối với các phương án tăng vốn của NHTMCP.

Thay vào đó, NHNN chi nhánh tỉnh, TP phải xin ý kiến của NHNN T.Ư trước khi phê duyệt phương án tăng vốn của các NHTMCP nông thôn mới chuyển đổi khi các NH này tăng vốn vượt 500 tỉ đồng.

Các NHTMCP khác nếu tăng vốn vượt 1.000 tỉ cũng phải xin ý kiến. Ngoài ra, các NHTMCP phải xác định tổng thể nhu cầu tăng vốn trong năm 2007 gắn với kế hoạch kinh doanh cả năm, hạn chế tăng vốn liên tục nhiều lần.
 


Nguồn: Lao Động