VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thị trường Tết : Giá tăng từng ngày (01/02)

06/08/2010 - 225 Lượt xem

Chị Thủy (ngụ tại Q.8, TP.HCM) đang mua bánh mứt tại chợ Bình Tây lắc đầu than thở sau khi nghe giá một kg mứt khoai sen (ngày 31.1) là 18.000 đồng. Cô bán hàng nói giọng chắc nịch: “Nếu chị mua cách đây 3-4 ngày em chỉ bán với giá 14.000 đồng/kg thôi. Chị phải mua nhanh lên kẻo mai mốt lại giá khác đó”.

Không chỉ có mứt khoai sen, giá nhiều loại mứt khác cũng đang tăng nhanh. Theo ông Huỳnh Quốc Bảo, cán bộ Ban quản lý chợ Bình Tây, từ đầu tháng 1, giá các loại nguyên liệu để làm bánh mứt cho dịp Tết như đậu xanh, đậu phộng... đều đã tăng lên do nhu cầu cao. “Nhìn chung, giá bánh mứt tại chợ tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Giá gạo tăng lên 1.000-1.500 đồng/kg từ 2 tháng trước cũng đang giữ ở mức cao”, ông Huỳnh Quốc Bảo nói. Những thực phẩm thiết yếu như thịt heo cũng đã tăng giá lên từ 2.000-4.000 đồng/kg mặc dù lượng cung mỗi ngày về các chợ vẫn dồi dào.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 143/VPCP-TH chỉ đạo Bộ Thương mại, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, tỷ giá và giữ vững cân đối cho nền kinh tế trong dịp Tết Nguyên đán này. Cụ thể, tổ điều hành thị trường trong nước cần thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá, nhất là ở những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, không để xảy ra đột biến về giá trong tháng giáp Tết và những tháng sau Tết âm lịch, thời điểm có nhiều lễ hội lớn diễn ra trong cả nước.

Loại hàng có nhu cầu rất cao trong dịp Tết là bia, nước ngọt đang bị các đại lý "hét" giá lên từng ngày. Giá bia Heineken ngày 31.1 đã lên 258.000 đồng/thùng, tăng 8.000 đồng/thùng so với một tuần trước; bia 333 lên 168.000 đồng/thùng, tăng 16.000 đồng/thùng... Các tiểu thương giải thích giá tăng là do nhu cầu của người tiêu dùng tăng quá nhanh và chính các công ty, tổng đại lý đã nâng giá lên. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều cho biết không tăng giá hoặc chỉ tăng rất nhẹ và lượng hàng hóa đưa ra thị trường sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Ước tính, giá thực phẩm, thủy hải sản khô tại TP.HCM đã tăng từ 10-15%, rau củ quả tăng 5%... Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng mạnh trong tháng 1.2007 với mức tăng 1,05% so với tháng 12.2006 và tăng đến 6,45% so với cùng kỳ năm 2006. Cả 10 nhóm mặt hàng chính trên thị trường đều có mức tăng từ 0,05-3,08%. Trong đó nhóm hàng đồ uống và thuốc lá chiếm thứ hai trong bảng về mức tăng giá, tới 1,65%. Cùng với xu hướng này, nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép cũng tăng thêm 1,01% so với tháng 12.2006. Ông Huỳnh Quốc Bảo nhận định giá sẽ còn nhích lên ít nhất phải đến 18 - 19 âm lịch. Trên thực tế, sức mua tăng cao nhất là vào thời điểm 10 ngày cuối năm âm lịch, nên khó có chuyện giá hàng hóa đứng lại hoặc giảm so với hiện nay.

Bà Phạm Thị Tuyền - Trưởng phòng quảng cáo và tiếp thị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cho biết Liên hiệp đã đàm phán với nhiều nhà cung cấp để cố gắng giữ giá ổn định trong dịp Tết. Lượng hàng hóa dự trữ cho dịp này của hệ thống Saigon Co.op tăng 40-50% so với Tết năm trước. Thế nhưng, bà Tuyền cũng không chắc chắn tất cả các mặt hàng đều đứng giá mà điều này còn phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng. "Việc đàm phán giữ giá với nhà cung cấp chỉ ở một số lượng nhất định. Nếu như số hàng hóa đó bán hết và chúng tôi phải mua thêm ngoài dự kiến thì phải theo mức giá mới do nhà sản xuất đưa ra", bà Tuyền nói. Tại các siêu thị của hệ thống này, một số mặt hàng đã tăng giá nhẹ từ 5-10%.

Nguồn: Thanh Niên