VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Họp Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư - Góp ý cho dự thảo "Báo cáo sơ kết 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư"

06/08/2010 - 251 Lượt xem

Chiều ngày 26/01/2007, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã nhóm họp phiên thường kỳ. Cuộc họp nhằm góp ý cho dự thảo "Báo cáo sơ kết 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư".

Để chuẩn bị cho báo cáo, ngày 28/11/2006, Tổ công tác đã gửi công văn 8850/QLKT-TCT đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hơn 60 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị báo cáo về tình hình triển khai thi hành hai luật đồng thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị giải pháp. Đến ngày 20/01/2007, Tổ công tác đã nhận được ý kiến phản hồi bằng văn bản của 30 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2 hiệp hội doanh nghiệp. "Báo cáo sơ kết 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư" được xây dựng trên cơ sở các phản hồi nói trên từ địa phương và những phát hiện trong quá trình giám sát thực thi hai luật trong 6 tháng vừa qua của Tổ công tác. Báo cáo gồm ba nội dung chính: Một là điểm lại các hoạt động và một số kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng thi hành 2 luật; Hai là liệt kê những khó khăn, vướng mắc và vấn đề nổi lên trong 6 tháng thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành; Ba là kiến nghị các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện 2 luật.

Cuộc họp tập trung thảo luận chủ yếu nội dung thứ hai và thứ ba của báo cáo. Trong đó, các khó khăn, vướng mắc trong báo cáo được chia ra làm 3 nhóm: (1) Những vấn đề vướng mắc trong thi hành Luật Doanh nghiệp; (2) Những vấn đề vướng mắc trong thi hành Luật Đầu tư; (3) Các vấn đề không tương thích giữa Luật Đầu tư với các luật có liên quan.

Thứ nhất, liên quan đến Luật Doanh nghiệp có 19 điểm vướng mắc. Trước hết là các vướng mắc xoay quanh các vấn đề về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề khi đăng ký kinh doanh, quy định liên quan đến giám đốc, thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch HĐTV, HĐQT. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, hiện nay chưa có hướng dẫn về "các vấn đề đặc thù" được quy định ở các luật khác có liên quan đến việc thành lập tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung trong các cam kết quốc tế mà khác so với các quy định của Luật Doanh nghiệp, nhất là các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, một thành viên Tổ công tác cũng cho biết, vấn đề này đã được Nghị quyết 7 của Quốc hội lý giải phần nào. Tổ công tác cũng thảo luận và đi đến nhất trí, hiện nay còn thiếu các hướng dẫn hoặc nếu có hướng dẫn thì chưa cụ thể về các vấn đề liên quan đến vốn pháp định, việc doanh nghiệp được quyền có hai con dấu, về người đại diện theo pháp luật và việc triệu tập họp đại hội đồng cổ động. Các quy định về ngành nghề đăng ký kinh doanh như danh mục ngành nghề, mã số ngành nghề đều đã rất lạc hậu, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chậm trễ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa được thiết lập thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương, năng lực hạn chế. Tiếp đó là các vướng mắc về tên gọi của doanh nghiệp, theo đó có sự không tương thích thậm chí mâu thuẫn giữa Luật Danh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh trong các quy định về đặt tên. Bên cạnh đó, là hàng loạt các thắc mắc về chuyển nhượng cổ phần cổ đông sáng lập, việc "không thay đổi" số cổ đông sáng lập, cách thức "giảm" vốn điều lệ của công ty cổ phần, trình tự và thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp, hồ sơ giải thể doanh nghiệp, mở chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Ngoài ra, đối với hiện tượng bầu "dồn phiếu" tại Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Tổ công tác cũng cho rằng đây là một vấn đề mới và cần hướng dẫn bổ sung cụ thể hơn. Cuối cùng là vướng mắc trong việc thống nhất đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư gây khó khăn cho nhà đầu tư muốn mua cổ phần hoặc góp vốn.

Tiếp đó, Tổ công tác đã thảo luận về các vướng mắc trong thi hành Luật Đầu tư, bao gồm 11 điểm chính. Trong đó, nổi bật nhất là sự không rõ ràng về phạm vi điều chỉnh của Luật, vì vậy, cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều lúng túng trong việc lựa chọn áp dụng Luật Đầu tư hay Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai, môi trường… Bên cạnh đó, một số khái niệm trong luật còn chưa được làm rõ hoặc được xác định nhưng không tương thích với nội dung có liên quan, thiếu thống nhất dẫn đến nhận thức và thực thi đều khác nhau, thậm chí phải chờ hướng dẫn. Một số giấy tờ quan trọng như “báo cáo năng lực tài chính”, “báo cáo giải trình các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng”, bản chất, ý nghĩa của các loại giấy chứng nhận đầu tư thiếu hướng dẫn thống nhất về cả hình thức và nội dung. Song song với nó, các quy định về hạn chế, khác biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài chưa có hướng dẫn cụ thể. Nội dung quy định về lĩnh vực đầu tư có điều kiện và diều kiện đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực này còn quá chung nên rất khó, thậm chí không thể xác định để áp dụng. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo, trùng lắp giữa ngành nghề kinh doanh có điều kiện với các quy định trên. Tổ công tác nhất trí việc hướng dẫn chi tiết, rõ ràng hơn các vấn đề trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện là hết sức cần thiết. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các dự án đầu tư không xây dựng công trình. Ngoài ra là các vấn đề về có liên quan đến khu công nghiệp, ưu đãi đầu tư, chuyển nhượng vốn, dự án, đầu tư ra nước ngoài.

Phần tiếp theo, Tổ công tác thảo luận về các điểm không tương thích giữa Luật Đầu tư và các luật khác gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện, thậm chí các cơ quan quản lý cũng lúng túng. Chẳng hạn như liên quan đến thủ tục đầu tư là các quy định mâu thuẫn giữa luật đầu tư với các luật đầu tư xây dựng công trình, đất đai, môi trường, bất động sản... Có trường hợp nhiều địa phương đã tập hợp các luật và văn bản hướng dẫn để đưa ra một “quy chế riêng” cho địa phương mình.

Mặc dù, có ý kiến cho rằng cần phải tập hợp nhiều hơn nữa các phản hồi của địa phương, tuy nhiên Tổ công tác cũng nhất trí rằng, báo cáo đã nêu ra những bất cập tương đối đầy đủ và nổi cộm trong quá trình thi hành 2 luật. Những vướng mắc không chỉ nằm trong khâu thực thi, tức là trong nhận thức và thực hiện luật của doanh nghiệp và các cơ quan cấp quản lý, mà cả trong các quy định pháp lý. Vấn đề cần bàn đến ở đây là việc thiếu các hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa cụ thể, còn chung chung, cách diễn đạt trong văn bản pháp luật còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm, sự chồng chéo và không tương thích giữa 2 luật và các luật khác. Để giải quyết các vướng mắc này, tăng cường hiệu lực thực thi 2 luật, Tổ công tác đã thảo luận và đưa ra các kiến nghị sau.

Thứ nhất, liên quan đến các vấn đề không tương thích giữa 2 luật và các luật liên quan, Tổ công tác sẽ kiến nghị Thủ tướng đưa vào nội dung điều chỉnh các luật cho phù hợp cam kết gia nhập WTO của Quốc hội tới đây. Thứ hai, liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Tổ công tác nhất trí kiến nghị ban hành mới 02 nghị định: (1) nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp và (2) nghị định quy định về thủ tục ban hành và bãi bỏ giấy phép kinh doanh. Thứ ba, liên quan đến Luật đầu tư, Tổ công tác cho rằng nên ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, yêu cầu địa phương thực hiện đúng quy định, tránh trường hợp của TP Hồ Chí Minh vừa qua. Ngoài ra, Tổ công tác sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc đào tạo, tập huấn về 2 luật và các quy định hướng dẫn thi hành; nâng cao năng lực thực hiện luật ở các cấp chính quyền địa phương, hướng dẫn thành lập phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện và phòng tài chính - kế hoạch thực hiện chức năng đăng ký kinh doanh. Đồng thời Tổ công tác cũng kiến nghị tiếp tục rà soát hệ thống giấy phép kinh doanh, nghiên cứu hoàn thiện, chuẩn hóa nội dung và hình thức của các biểu mẫu trong hồ sơ đăng ký kinh doanh và đầu tư.

Cuộc họp kết thúc bằng việc đưa ra kế hoạch hoạt động trong tuần tiếp theo của Tổ công tác.

Nguồn: VNEP, tháng 01/2007