VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Vốn đổ vào thị trường chứng khoán lấy từ đâu? (30/01)

06/08/2010 - 212 Lượt xem

Thị trường chứng khoán đang "phi mã", vượt qua mọi dự đoán từ các chủ thể thị trường như các công ty niêm yết, các nhà đầu tư (kể cả các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư là tổ chức và các nhà đầu tư là cá nhân, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và các nhà đầu tư nhỏ lẻ theo phong trào), các công ty chứng khoán, các nhà quản lý tài chính, ngân hàng, chứng khoán, các chuyên gia, đến các nhà báo và rất nhiều người quan tâm đến thị trường chứng khoán.

 "Phi mã" ở cả hai trung tâm: Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. "Phi mã" cả về chỉ số chứng khoán: tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM VN-Index đã vượt qua mốc 1.000 điểm (tức là giá đã gấp hơn 10 so với mệnh giá, trong đó có 8 mã gấp hơn 20 lần, đặc biệt mã FPT gấp 60 lần); tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, HASTC - Index cũng đã vượt qua mốc 300 điểm (tức là gấp hơn 3 lần mệnh giá, trong đó có 9 mã gấp hơn 11 lần, đặc biệt mã BVS gấp gần 33 lần).

"Phi mã" cả ở hệ số P/E (hệ số giữa trị giá cổ phiếu và mức lợi nhuận thu được - tương ứng với số năm thu hồi được vốn đầu tư) lên đến gần 40 lần, trong đó có mã lên đến trên 300 lần…"Phi mã" cả về số công ty niêm yết - nếu năm 2005 có 41 công ty thì đến hết năm 2006 có 193 công ty - số loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu ngân hàng lên đến gần 400…

"Phi mã" cả về tổng giá trị vốn hóa thị trường: của thị trường cổ phiếu đạt trên 221 nghìn tỉ đồng (tương ứng với 14 tỉ USD), chiếm 22,7% GDP năm 2006 (vượt xa cả mục tiêu đề ra đến năm 2010) và tăng 20 lần so với năm 2005; của thị trường trái phiếu đạt hơn 70 nghìn tỉ đồng, bằng 7,7 % GDP… "Phi mã" ngay cả khi cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… đã đưa ra sự cảnh báo về sự sốt nóng của thị trường và đưa ra những biện pháp để hạn chế sự rủi ro của thị trường.

Sự "phi mã" của thị trường chứng khoán được lý giải do nhiều nguyên nhân, nhưng có một câu hỏi lớn được đặt ra, đó là vốn từ đâu đổ vào thị trường chứng khoán lớn như vậy?

Trước hết, phải kể đến nguồn vốn tích lũy trong dân khá lớn. Ở nông thôn, theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của Tổng cục Thống kê, tích lũy của các hộ ở khu vực này dưới dạng tiền, kim loại quý tại thời điểm tháng 1.7.2006 là trên 81 nghìn tỉ đồng. Ở khu vực thành thị theo ước tính khoảng gần 80 nghìn tỉ đồng, cộng cả nước có khoảng 160 nghìn tỉ đồng. Lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư cũng ở mức khổng lồ: tổng số dư tiền gửi của dân cư đến cuối năm 2006 tại các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 103,5 nghìn tỉ đồng, tại TP.HCM cũng đạt khoảng 110 nghìn tỉ đồng; tiền người dân đầu tư vào các giấy tờ có giá trị do các ngân hàng thương mại phát hành huy động vốn trung, dài hạn đạt trên 19 nghìn tỉ đồng… Điều đáng lưu ý, lượng tiền các loại trên gửi vào các ngân hàng thương mại tăng rất cao, ở hai địa bàn lớn trên đều tăng trên 31% so với cuối năm trước, cao nhất trong nhiều năm qua.

Như vậy, nguồn vốn tích lũy trong dân khá lớn, nếu trước đây thường được đầu tư vào các thị trường khác (bất động sản, mua hàng, ngoại tệ), thì nay đã được đầu tư nhiều hơn vào các ngân hàng thương mại và đặc biệt là thị trường chứng khoán. Gần đây, lợi nhuận thu được trên kênh chứng khoán gấp nhiều lần việc gửi tiết kiệm, nên sẽ có không ít người rút tiền gửi tiết kiệm trong các ngân hàng hoặc không gửi nữa mà chuyển sang đầu tư chứng khoán.

Thứ hai, các nhà đầu tư chứng khoán đã cầm cố chứng khoán, cầm cố cổ phiếu, thế chấp cầm cố các tài sản bảo đảm để vay tiền khác tại các ngân hàng để đầu tư vào cổ phiếu và chứng khoán.

Cả hai lý do trên cho ta liên tưởng đến câu chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" khi thị trường gặp rủi ro như đã "rơi" gần như tự do từ 632 điểm xuống 130 điểm của thị trường chứng khoán sau 6 tháng ra đời.

Thứ ba, các công ty đầu tư chứng khoán trực thuộc các ngân hàng thương mại (công ty mẹ) đầu tư vào thị trường chứng khoán. Như vậy, giữa thị trường chứng khoán (kể cả thị trường chính thức và thị trường phi tập trung) với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại có quan hệ chặt chẽ với nhau về luồng chu chuyển vốn (theo ba lý do trên) tạo thành "hai bình thông nhau" làm xuất hiện các tình hình đáng quan tâm. Nếu thị trường chứng khoán "phi mã" thì sẽ "kéo" luồng tiền của các khu dân cư dự kiến gửi tiết kiệm hoặc đã gửi ở các ngân hàng thương mại sang thị trường chứng khoán; nếu các ngân hàng thắt chặt các khoản cho vay hoặc tăng lãi suất cho vay (lên bằng hoặc cao hơn lợi nhuận nhà đầu tư chứng khoán) thì nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ giảm. Nếu thị trường chứng khoán gặp rủi ro thì cũng sẽ ảnh hưởng đến kênh ngân hàng thương mại.

Thứ tư, thị trường chứng khoán "phi mã" khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có mua mà không có bán thì dễ hiểu, nhưng khi nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang vừa mua vừa bán, đặc biệt gần đây chuyển sang bán nhiều hơn (các nhà đầu tư trong nước vẫn mua hết) thì cần hết sức cẩn trọng. Hiện có khoảng 1.700 nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 25 - 30% lượng cổ phiếu các công ty niêm yết; các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua 23 quỹ đầu tư chứng khoán, vốn đầu tư đạt 2,3 tỉ USD.

Nguồn: Thanh Niên