VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

2006: Phát hiện sai phạm kinh tế hơn 6.382 tỉ đồng

06/08/2010 - 476 Lượt xem

Tin từ Thanh tra Chính phủ: năm 2006, 12.636 cuộc thanh, kiểm tra kết thúc đã phát hiện sai phạm quản lý chi tiêu, tài chính, thất thoát, lãng phí... tổng giá trị là 6.382 tỉ 763 triệu đồng.

Thông tin này vừa được đưa ra trong Hội nghị tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2006 và triển khai nhiệm vụ năm 2007 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (29/1/2007).

Theo đó, qua 12.636 cuộc thanh, kiểm tra đã kết thúc (trong tổng số 14.067 cuộc được triển khai trong năm), các tổ chức thanh tra đã phát hiện sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính, lãng phí, thất thoát... tổng giá trị 6.382 tỉ 763 triệu đồng, 5.478.583 USD và hơn 11.346ha đất.

Gần 3.000 trường hợp trong số đó đã bị kiến nghị xử lý hành chính; 95 vụ (với 201 cá nhân) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý; 3.550 tỉ 446 triệu đồng và 207.923USD được kiến nghị thu hồi.

Riêng Thanh tra Chính phủ trong năm 2006 đã tiến hành 33 cuộc thanh tra lớn theo chương trình kế hoạch và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có nhiều cuộc thanh tra để làm rõ nội dung tố cáo hành vi tiêu cực do báo chí và nhân dân cung cấp), phát hiện các sai phạm trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung tính ra tiền là hơn 1.560 tỉ đồng và 5,4 triệu USD.

Ngoài việc kiến nghị giảm trừ quyết toán các khoản chi không hợp lý, yêu cầu khắc phục, sửa chữa, bổ sung theo đúng các thiết kế, dự toán... các đoàn thanh tra đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách 164 tỉ đồng và gần 208 nghìn USD. Ba vụ việc đã bị Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, sai phạm tại lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn đầu tư với nhiều cấp độ. Đáng chú ý là: công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư (khảo sát, thiết kế, lập dự án còn sơ sài, dự toán quá cao - dẫn đến phải điều chỉnh sau này, kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí, tốn kém); công tác đấu thầu (sai nghiêm trọng trong xét thầu, áp dụng kết quả đấu thầu - nảy sinh thông thầu, bán thầu...).

Cụ thể như, tại một số doanh nghiệp lớn: Tổng Công ty Than Việt Nam (nay đã thành Tập đoàn), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - việc chỉ định thầu chủ yếu cho các đơn vị trong ngành, hoặc thành lập một công ty chuyên thực hiện một số dự án xây dựng của ngành, trong khi công ty này hoàn toàn thiếu khả năng thực hiện dự án. Các động thái này đã làm giảm tính cạnh tranh, gây thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Qua thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ngừng việc cho phép Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ định thầu cho Công ty Xây dựng ngân hàng được thi công các công trình ''nhà làm việc kiêm kho'' theo Công văn 114/CP ngày 19/2/2001 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - việc cho thuê tài chính nổi lên vấn đề đáng lưu ý là nợ quá hạn, nợ xấu có xu hướng ngày càng tăng. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị và Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế về cho thuê tài chính

Nguồn: VietnamNet