VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chứng khoán Việt Nam qua cái nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài (29/01)

06/08/2010 - 241 Lượt xem

Mới hôm rồi nhận được email của một người quen, ông Yoshiaki Ueda, giáo sư kinh tế tại một đại học của Nhật, thông báo rằng ông vừa cho đăng một bài báo trên NNA (một tờ báo điện tử chuyên về châu Á của Nhật) về thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày 22-1.

Vào xem mới biết ông cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tư vấn đầu tư của Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Lotus (mà theo ông thì mới được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động tại Việt Nam gần đây).

Vì đây là một bài viết của một nhà đầu tư nước ngoài với những nhận định rất chuyên nghiệp, nhưng cụ thể hơn và chứa những khác biệt so với những gì mà báo chí trong nước hay đăng khi nói về đánh giá của giới đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam (thường chỉ thấy sự lạc quan chung chung về triển vọng) nên tôi mạn phép ông Ueda tóm tắt, lược dịch và giới thiệu với bạn đọc, không ngoài mục đích giúp bạn đọc hiểu đầy đủ hơn về những nhận định đa chiều của giới đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam.

Bài viết của ông có tiêu đề, tạm dịch, là “Cao trào của thị trường chứng khoán Việt Nam: Sốt nhưng có đúng 100% là “không có vấn đề gì”?”. Ông vào đề với việc thuật lại chỉ số VN-Index đã tăng 39,96 điểm vào ngày 19-1 so với hôm trước đó, đạt kỷ lục 1023,05 điểm, và là lần đầu tiên vượt mức 1000. So với phiên đầu năm, mức này đã tăng tới 38%.

Sau đó, ông bình luận ngay rằng 100% là thị trường đang lên cơn sốt, nhiệt độ tăng từng ngày từng giờ; bầu không khí hiện nay giống hệt của Nhật ngay trước thời điểm nước này bước vào thời kỳ tăng trưởng bong bóng trước đây.

Nếu so sánh một cách tương đối với Nhật thời kỳ cho đến cuối năm 1989, thì cần phải nhìn vào động hướng của dân chúng (ý nói những nhà đầu tư “tay mơ”) để xác định thời điểm mà cao trào của thị trường chứng khoán bước vào vùng nguy hiểm.

Ông minh họa rằng trong các đại học ở Hà Nội hay TP.HCM, nào là người ta lập ra các “hội nghiên cứu chứng khoán”, nào là với suy nghĩ cứ đầu tư vào chứng khoán là có lãi nên sinh viên từ các vùng nghèo khó của đất nước bắt đầu góp vốn để đầu tư chứng khoán chung với nhau.

Trong khách sạn ông ở, có một nữ quản lý trung niên với khuôn mặt gợi những nét điển hình của “thần giữ của” nhưng cũng cho biết bắt đầu chơi chứng khoán. Lái xe taxi cũng hả hê tiết lộ “tôi cũng kiếm bộn từ chứng khoán”.

Cứ như vậy, cơn sốt chứng khoán đang dần tiến đến hồi kết. Khi sinh viên, các bà nội trợ, và dân thường lao vào chơi chứng khoán, điều này có nghĩa là cung vốn đổ vào thị trường chứng khoán tiến gần đến giới hạn.

Trong chừng mực vốn tiếp tục được rót vào thị trường thì giá còn tiếp tục tăng. Ở trên giác độ này, để tránh các tổn thất to lớn từ sự sụp đổ của thị trường thì cần phải đặc biệt chú ý đến động hướng của nguồn vốn rót vào thị trường.

Các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam thông qua mua bán thực tế hàng ngày có thể cảm nhận được chiều hướng xoay chuyển của đường cung này. Ngoài ra, họ cũng để mắt chăm chú vào động hướng đầu tư của dân chúng như nói ở trên để phán định tình hình. (Như vậy có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân chắc sẽ là nạn nhân đầu tiên và nặng nề nhất?)

Vấn đề đáng lo ngại nhất trong việc đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thời gian tới là liệu việc chuyển nhượng chứng khoán đang sở hữu với khối lượng lớn giữa các quỹ đầu tư quy mô lớn có diễn ra suôn sẻ hay không. Các quỹ đầu tư nước ngoài với tiềm lực vốn cực lớn vẫn phải bán chứng khoán đang sở hữu để thu hồi vốn đầu tư.

Vậy vấn đề là ai đủ tiềm lực để mua lượng chứng khoán với khối lượng lớn như thế này (nếu không phải là các quỹ đầu tư nước ngoài khác)? Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh thì cục diện này là điểm trọng yếu.

Theo ông, từ nay cho đến lúc thị trường thoái trào (có lẽ ý nói là để kéo dài thời kỳ phát triển sôi động của thị trường chứng khoán) thì điều lý tưởng là phải tăng được mức thu nhập của dân chúng và doanh nghiệp (chắc ý nói là để “làm giàu” nguồn vốn đổ vào thị trường), và dịch chuyển sở hữu các chứng chỉ quỹ đầu tư nước ngoài vào tay các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước (chắc ý nói nhằm tránh một sự xáo động mạnh khi các quỹ tiến hành hiện thực hóa lợi nhuận). Tất nhiên, theo ông, sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài mới cũng là điều có ích.

Ông Ueda thêm rằng chắc chắn trong thời gian tới, các cơ quan hữu trách của chính phủ sẽ có thể liên tục đưa ra những cảnh báo về bong bóng chứng khoán. Tỷ suất thu lợi từ chứng khoán cũng có thể sẽ tăng cao hơn nữa. Nhưng chừng nào vốn còn tiếp tục đổ dồn vào thị trường chứng khoán thì chừng đó giá chứng khoán Việt Nam còn tiếp tục thăng hoa, và sẽ không có vấn đề gì.

Với ý nghĩa này, đối với nhà đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, hiện tại đang là thời kỳ hạnh phúc nhất. Nhưng tiếp theo lộ trình thăng hoa sẽ chỉ là lộ trình suy thoái/tháo chạy (chứ không có giai đoạn chuyển tiếp/điều chỉnh dần dần). Vấn đề là kịch bản suy thoái/tháo chạy sẽ là kịch bản nào mà thôi.

TS. Phan Minh Ngọc

Nguồn: TB KTVN