VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Để cạnh tranh bình đẳng (26/01)

06/08/2010 - 271 Lượt xem

* TS NGUYỄN SĨ DŨNG:

Không thể cạnh tranh bình đẳng, nếu...

Nhiều quyết sách được Hội nghị trung ương 4 thông qua đã phản ánh sâu sắc tinh thần hội nhập, trong đó có chủ trương chuyển các doanh nghiệp (DN) làm kinh tế thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý.

Quyết sách này sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn vì tất cả các DN đều sẽ được quản lý như nhau và phải tuân thủ qui định pháp luật như nhau. Có như vậy thì cơ chế thị trường mới phát huy tác dụng và mới có cạnh tranh lành mạnh. Người ta không thể cạnh tranh bình đẳng và trung thực nếu như mỗi người ở một vị thế rất khác nhau.

Quyết sách này cũng tạo điều kiện cho việc vận hành chế độ trách nhiệm vì thực tế việc kiểm tra, kiểm soát các DN có vị thế đặc biệt là điều không dễ. Đồng thời tạo điều kiện cho việc minh định chức năng của các thiết chế xã hội. Ví dụ, quân đội được sinh ra để bảo vệ Tổ quốc, công an để bảo đảm an ninh và trật tự... Nếu bắt các cơ quan này cũng phải quản lý về kinh tế thì sẽ có sự lẫn lộn về chức năng. Điều này chứa đựng rủi ro làm ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng vô cùng quan trọng của các thiết chế trên.

* TS LÊ ĐĂNG DOANH:

Không chuyển sẽ dễ… thua

Chuyển các DN này về cho Nhà nước quản lý, như vậy các DN sẽ có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau, không còn chuyện phân biệt nào cả.

Điều này rất quan trọng bởi khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã cam kết sẽ thực hiện qui chế đối xử quốc gia, bình đẳng, không phân biệt đối với mọi DN. Như vậy, nếu vẫn còn chuyện tách bạch giữa các DN thuộc Đảng, đoàn thể, DN quốc phòng với các DN khác do Nhà nước quản lý thì khi làm ăn với DN các quốc gia khác sẽ dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp về việc đối xử không bình đẳng giữa các DN trong chuyện cấp đất, cấp vốn... Đây là việc rất dễ xảy ra một khi các DN nước ngoài không cạnh tranh được với các DN VN, bất kể là chuyện ưu đãi hơn có thật hay không. Và về mặt pháp lý, nếu vẫn có chuyện phân biệt giữa các DN thuộc Đảng, đoàn thể... với các DN khác thì mình “thua” là đương nhiên.

Trung Quốc: quân đội không làm kinh tế

Từ năm 1998, Trung ương Đảng Trung Quốc và Quân ủy Trung Quốc đã qui định quân đội và lực lượng cảnh sát chỉ được nhận lương của nhà nước, chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh để xây dựng tác phong Đảng liêm chính trong quân đội.

Hoạt động kinh doanh của quân đội Trung Quốc vào thập niên 1980 ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo, quốc phòng của quân đội, tranh giành quyền lợi kinh tế với dân chúng, ảnh hưởng quan hệ quân dân, tạo cơ hội cho chủ nghĩa hưởng thụ, tư tưởng hủ bại phát triển. Quân đội kinh doanh không chỉ ảnh hưởng đến hình tượng của quân đội mà còn làm giảm sức chiến đấu của quân đội.

Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nhấn mạnh: quân đội làm kinh tế không chỉ ảnh hưởng trật tự kinh tế, mà còn phát sinh hiện tượng tham ô thoái hóa, hủy hoại bản thân. Việc chấm dứt quân đội làm kinh tế là phương pháp phòng ngừa tham nhũng từ gốc, có lợi cho việc nâng cao ý thức của quân đội.

C.CHÁNH (THX)

* Ông TRẦN XUÂN GIÁ - nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng:

Dứt khoát bỏ cơ chế chủ quản

Về lâu dài, nếu chúng ta thực hiện nhất quán việc xóa bỏ cơ chế chủ quản thì theo tôi nghĩ, chuyện DN nằm ở đâu, thuộc ai không còn quan trọng nữa. Quan trọng là phương thức kinh doanh như thế nào thôi. Anh kinh doanh tốt, các yếu tố đầu vào, đầu ra minh bạch, rõ ràng, không có chuyện dựa dẫm vào Nhà nước hoặc Nhà nước dành ưu đãi cho các DN này thì dù anh ở đâu cũng được chấp nhận.

Tất nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc chuyển giao các DN thuộc Đảng, đoàn thể và DN quốc phòng cho Nhà nước quản lý là bước đệm trong quá trình sắp xếp lại các DN nhà nước. Việc chuyển các DN thuộc nhóm này cho Nhà nước quản lý cũng là để thuận lợi và dễ dàng hơn cho quá trình sắp xếp DN bởi tự mình sắp xếp thì rất khó.

* Ông NGUYỄN VĂN QUANG - viện phó Viện Kinh tế TP.HCM:

Góp phần làm minh bạch hóa nền kinh tế

Tại các nội dung mà VN cam kết vào WTO có thể nhận thấy không đề cập đến việc phân biệt các loại hình DN, đơn vị quản lý trực thuộc... mà chỉ qui định rất rõ ràng là mọi DN phải hoạt động theo nền kinh tế thị trường. Vì vậy, sự chuyển đổi sẽ góp phần làm nền kinh tế của nước ta trở nên minh bạch hơn, mọi thành phần DN đều hoạt động dưới một sân chơi bình đẳng.

Với các DN được chuyển về cho Nhà nước, tôi cho rằng thời gian đầu có thể có sự va vấp đôi chút, song đây chính là cơ hội để các DN này nâng cao hơn nữa tính chủ động, khả năng cạnh tranh trên thương trường đang ngày càng khốc liệt. Trước đây, nhiều người cũng cho rằng những DN này hoạt động có sự “dựa dẫm” do trực thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang..., nhưng giờ đây sự chuyển đổi về cho cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ buộc các DN này phải hoạt động có tính độc lập cao hơn nữa, sẵn sàng đương đầu với cơ chế cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

* Ông NGUYỄN TẤN BỀN - bí thư Quận ủy Tân Phú, nguyên trưởng Ban tài chính quản trị Thành ủy TP.HCM:

Đâu nhất thiết Đảng phải tham gia làm kinh tế

Chủ trương giao các DN thuộc khối các cơ quan Đảng sang các cơ quan nhà nước quản lý đã được TP.HCM triển khai từ khá sớm. Vào những năm 1992-1995, khối kinh tế Đảng trên địa bàn TP.HCM được giao đến 47 DN, chưa kể các tài sản khá lớn khác.

Từ năm 1995, một số DN thuộc khối các cơ quan Đảng trên địa bàn làm ăn thua lỗ, mà điển hình là Công ty Tamexco. Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo thu hẹp kinh tế Đảng và chuyển hơn 30 DN trở lại cho Nhà nước quản lý, một số khác cho cổ phần hóa.

Đến nay chỉ còn giữ lại ba DN và một nhà khách, do vậy nếu chuyển giao cho Nhà nước quản lý cũng chẳng có vấn đề gì. Theo quan điểm cá nhân tôi, Đảng lãnh đạo toàn diện, đâu nhất thiết phải tham gia làm kinh tế.

Người dân đồng tình

* Việc chuyển qua cho Nhà nước quản lý cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức kinh tế này bình đẳng như bất kỳ tổ chức nào khác. Có như vậy mới không có vùng cấm, mới tạo cơ hội cho các tổ chức và DN khác hoạt động hiệu quả hơn.

TRẦN QUANG

* Tôi rất đồng tình chuyển các DN làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang các cơ quan nhà nước quản lý từ năm 2007. Từ quyết định này của Đảng và Nhà nước, tôi hi vọng đất nước sẽ có bước chuyển mới trong tiến trình hội nhập WTO.

HOÀNG THỊ HỒNG

* Tôi rất vui khi Ban chấp hành trung ương quyết định thu gọn bộ máy Đảng để hoạt động có hiệu quả. Đây chỉ là bước đầu, hi vọng sẽ có những bước sáp nhập, thu gọn mạnh mẽ hơn nữa...

vanphu_100@...


Nguồn: Tuổi trẻ