VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Thị trường Tết đã khởi động (19/01)

06/08/2010 - 216 Lượt xem

Gần đến tết Đinh Hợi, thị trường Hà Nội đã bước vào dịp sôi động nhất trong năm, giá cả một số các mặt hàng thiết yếu tăng từ 10-20%.

Tại các điểm mua bán, các trung tâm thương mại, siêu thị hàng Tết đã và đang tập kết. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra tăng nhưng không vì thế mà giá bán hạ. Những mặt hàng khô ở chợ Đồng Xuân tăng hơn 30% so với năm trước, một số mặt hàng tăng giá đến 40%.

Những mặt hàng thiết yếu hàng ngày cũng tăng giá. Khảo sát trên thịt trường Hà Nội, giá thị bò thăn ngon đã tăng từ 75.000 đồng lên 80.000-85.000 đồng/kg, thịt bò bắp tăng từ 70.000 đồng lên 75.000-80.000 đồng/kg, thịt lợn loại 1 tăng từ 40.000 lên 45.000 đồng/kg. Giá thịt gà ta tăng từ 42.000 đồng lên 55.000 đồng/kg.

Các loại rau, củ, quả cũng tăng giá từ 500-1000 đồng/kg. Các mặt hàng bột ngọt, thực phẩm đóng hộp tăng giá thêm 10%, hải sản tăng 15%.

Theo ước tính của Sở Nông nghiệp Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ từ 280 - 300 tấn thịt gia súc, gia cầm. Hà Nội chỉ tự cung cấp được 40% nhu cầu về thịt lợn, 48% nhu cầu thịt gà và 8% nhu cầu thịt bò. Còn đều phải phụ thuộc mạnh vào nguồn thực phẩm từ các tỉnh.

Nguyên nhân tăng giá, theo ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, thời điểm chuẩn bị cho Tết cũng là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp thưởng tiền cho công nhân viên chức, tạo ra động lực thúc đẩy sức mua trong xã hội.

Bởi vậy, vào thời điểm đầu xuân, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường rất cao, mức tiêu thụ hàng hoá tăng mạnh nên đương nhiên ảnh hưởng tới giá cả.

Nguyên nhân gián tiếp là do giá điện tăng, giá than tăng. Sở thương mại Hà Nội dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng còn biến động. Tăng giá mạnh nhất là các loại thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản.

Các mặt hàng nông sản cũng tăng giá, gạo nếp, gạo tẻ ngon tăng mạnh. Giá hàng tăng mạnh đang là mối lo ngại lớn với người tiêu dùng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 143 chỉ đạo các bộ ngành phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, tỷ giá và giữ vững cân đối cho nền kinh tế trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, cần thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá, nhất là ở những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, không để xảy ra đột biến về giá trong tháng giáp Tết và những tháng sau Tết âm lịch.

Đồng thời, chuẩn bị đủ lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm, luôn tăng cao hơn so với ngày thường. Không để xảy ra mất cân đối về cung - cầu. Tăng cường biện pháp kiểm soát thị trường để tránh các hiện tượng đầu cơ, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguồn: TB KTVN