VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thị trường chứng khoán tăng nóng : Mừng hay lo? (17/01)

06/08/2010 - 270 Lượt xem

Chỉ số VNIndex đã tăng 10 phiên liên tục kể từ ngày 3-1-2007, đến phiên giao dịch ngày 16-1, chỉ số này đã đạt 983.60 điểm. Đây có thể xem là giai đoạn sôi động nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) từ trước đến nay. Chỉ số VNIndex vươn lên tầm cao mới qua mỗi phiên giao dịch là điều có bình thường?

  • VNIndex sắp vượt ngưỡng 1.000 điểm?

Hiện tại chỉ cần thêm 16.4 điểm nữa là VNIndex đạt ngưỡng 1.000 điểm, một mục tiêu không khó theo diễn biến thị trường trong hai tuần vừa qua nhưng đây là một ngưỡng không ai dám dự đoán cách đây 3 tháng.

Tác nhân chính giúp chỉ số VNIndex tăng lên chính là mức tăng thị giá của chứng khoán. Nhìn lại số lượng cổ phiếu tăng giá trong những phiên giao dịch vừa qua, tỷ lệ này thường dao động từ 40% đến 50% tổng lượng cổ phiếu niêm yết.

Tuy nhiên, chỉ cần thiếu VNM, REE, GMD, SAM, STB, FPT, ITA, PVD trong nhóm cổ phiếu tăng giá, thì VNIndex khó lòng vươn lên được. Do đây là những cổ phiếu có thị giá và lượng niêm yết chi phối thị trường nên mức tăng giảm về thị giá của những cổ phiếu này sẽ tác động rất mạnh lên mức tăng giảm của VNIndex.

Hiện tại, những cổ phiếu then chốt này, ít nhiều đang có trong tay cái thị trường thường gọi là “thông tin tốt lành” vì đang là mùa chia cổ tức trên cơ sở lợi nhuận đạt được năm 2006. Theo đó SAM có lợi nhuận trước thuế lên đến 195 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2005. Đồng thời SAM tiến hành thông báo cổ đông (bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản) về phương án phát hành cổ phiếu phổ thông nhằm tăng vốn điều lệ.

Ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 16-1 và ngày đăng ký cuối cùng 18-1. Còn STB lãi trước thuế đạt mức 520 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ và dự kiến phân phối cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10 được 1. Riêng cổ phiếu REE được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép phát hành thêm 4.450.590 cổ phiếu trong vòng 90 ngày kể từ 11-1-2007. Cùng thời điểm trên, ITA cũng được phép phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu.

Thông tin cổ phiếu VNM và FPT đang có kế hoạch niêm yết ở thị trường nước ngoài, đã thật sự gây chú ý cho giới đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mua vào đối với FPT cao hơn VNM vì tỷ lệ sở hữu của họ hiện nay chỉ chiếm hơn 14% trong khi VNM đã lên tới 40.38% (tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đang được ấn định ở mức 49%).

Song trong thực tế, VNM đang là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhiều nhất (1.888.980 cổ phiếu trong phiên ở tuần vừa qua) và đang có chuỗi tăng kịch trần dài nhất, đồng thời chào bán thường xuyên khớp hết sau mỗi phiên giao dịch. Là một trong 7 cổ phiếu có thị giá nằm ở mức từ 200.000 đồng/cổ phiếu trở lên, trong suốt tuần qua PVD luôn rơi vào tình trạng khát cổ phiếu khi cung chỉ đáp ứng một phần của cầu. Lượng đăng ký bán ra PVD trên thị trường chưa bằng lượng dư mua của cổ phiếu này tại giá đóng cửa trong một phiên giao dịch. Cơ hội cho VNIndex đạt ngưỡng 1.000 điểm đang gần hơn bao giờ hết.

  • Thị trường không êm ả!

Tuy nhiên thị trường không chỉ diễn ra một chiều, vẫn còn khoảng 15%-20% cổ phiếu rớt giá. Nhà đầu tư lỗ nặng thường xuyên nằm ở nhóm này, gồm có: DHG, SDN, VID, LBM, VPK, MPC, LGC… Người đầu tư cổ phiếu TDH và HBC trong thời gian qua có thể nói ăn, ngồi không yên. Sau khi chào sàn, cổ phiếu THD đã giảm từ 300.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 188.000 đồng/cổ phiếu, còn HBC từ 103.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 85.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu TAC cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự hiện nay có chiều hướng giảm. Riêng 30 cổ phiếu rớt giá ở phiên giao dịch ngày 16-1, có đến 7 cổ phiếu chạm sàn. Chính hào quang của sự tăng trưởng vượt bậc VNIndex đã ít nhiều che đi khoảng khuất tối này - nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng trong thời gian qua. Những cổ phiếu đang tăng nóng trên thị trường như SJS, SND, NAV, SSC, FMC … hiện đã hoặc sắp đến hạng chót giao dịch không hưởng cổ tức hay tách thưởng cổ phiếu.

Do vậy, ở những cổ phiếu trên sẽ có sự điều chỉnh về thị giá, nghĩa là sẽ “rẻ” hơn hiện nay và có thể ngang bằng với thị giá những cổ phiếu nằm ở tốp dưới. Đang có áp lực “điều chỉnh giá” trên thị trường. Điều này dễ gây tâm lý phân vân cho những nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong việc chọn loại cổ phiếu để đầu tư. Bên cạnh đó, thị giá nhiều cổ phiếu đang tăng ngoài sức tưởng tượng.

Bạn nghĩ sao khi thị giá hiện nay của FPT đạt đến 578.000 đồng/cổ phiếu (khoảng 36 USD), trong khi thị giá cổ phiếu của Công ty General Motor (Hoa Kỳ) đang ở mức 30.24 USD và Microsoft Corp đang ở mức 31.21 USD. Dẫu rằng so sánh như thế hơi khập khiễng nhưng sẽ ra sao nếu một ngày FPT không còn “Mobil phone” (9 tháng đầu năm 2006 doanh thu phân phối điện thoại di động đạt 4.936,235 tỷ đồng trong tổng doanh thu 7.725,447 tỷ đồng)?

Vẫn còn nhiều mảng đậm nhạt trên TTCK nước ta nên sự điều chỉnh của thị trường là điều không tránh khỏi. TTCK phát triển nóng vừa qua đã làm nhiều người giàu lên nhanh chóng nhưng cũng làm không ít người trong cuộc chứng kiến tài sản của mình cứ “bốc khói” ra đi khi đầu tư vào các loại cổ phiếu ở tốp rớt giá mà không bán ra được! Đòi hỏi lớn nhất hiện nay đối với giới đầu tư là việc chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới như thế nào trong sự vận hành của quy luật kinh tế thị trường hiện nay. 


Nguồn: SGGP