VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Hôm nay 11-1, Việt Nam chính thức là thành viên đầy đủ của WTO _ Thách thức lớn nhất: Tăng cường nội lực (11/01)

06/08/2010 - 231 Lượt xem

  • Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá: Áp lực rất lớn, nhưng viễn thông Việt Nam đã sẵn sàng

Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao tăng cường được nội lực của mình lên để phát huy ngoại lực đến từ WTO. Bây giờ chúng ta đã có 8 doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng viễn thông và được cấp phép hoạt động. Họ có quyền liên doanh với các công ty nước ngoài. Vậy, cần phải làm sao để những doanh nghiệp này thực sự thu hút được sự chú ý, nguồn vốn đầu tư, cũng như công nghệ mới từ nước ngoài. Muốn như vậy, các doanh nghiệp này phải đủ mạnh về mọi mặt.

  • Thứ trưởng Bộ Thương mại LƯƠNG VĂN TỰ, Trưởng đoàn đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Hoa Kỳ hủy bỏ hạn ngạch dệt may với Việt Nam

Phóng viên TTXVN tại Hoa Kỳ trích dẫn chỉ thị của tân Chủ tịch Ủy ban Thực thi các hiệp định hàng dệt Hoa Kỳ (CITA) Matthew Priest đăng trên công báo ngày 10-1, cho biết hạn ngạch, thị thực và visa điện tử liên quan đến hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ được chính thức bãi bỏ từ ngày 11-1-2007.

Tuy nhiên, hiện chưa có chỉ thị mới từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ liên quan tới Chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.

Nền kinh tế Việt sẽ đứng trước những cơ hội to lớn và những thách thức không nhỏ. Những thách thức có thể nhìn thấy được đó là sức ép cạnh tranh mạnh hơn trên cả 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Bộ Thương mại đã hoàn tất và trình Chính phủ đề án về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam gia nhập WTO, trong đó nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế phù hợp với các nguyên tắc và quy định của WTO.

Đồng thời, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm trong chương trình hành động của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và mọi người dân trong giai đoạn mới. Chúng ta đã trải qua thử thách trong thị trường mậu dịch tự do ASEAN rồi (có mặt hàng thuế chỉ còn 0-5%) nhưng nhìn lại, thị trường bây giờ có tràn ngập hàng hóa của ASEAN đâu…

Gia nhập WTO để phát triển nhưng không có nghĩa bản thân gia nhập WTO là chúng ta giàu có lên hay nghèo đi, mà đó là một cơ hội.

  • Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần: Nông sản chủ lực Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được

Khi chính thức vào WTO, các doanh nghiệp rau quả, mía đường và chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, hàng nông sản sẽ được cạnh tranh lành mạnh hơn. Về cơ bản, nông sản của Việt Nam không bị thua và vẫn có thể cạnh tranh được.

  • Ông VŨ DƯƠNG HIỀN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Hải Phòng (Hapaco):

Hiện nay, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc thực hiện các cam kết về việc gia nhập WTO. Về nhân lực, chúng tôi đã bổ sung các cán bộ hiểu biết về pháp luật để có thể xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc những tranh chấp trong quá trình thực hiện. Về hàng hóa, chúng tôi đã tổ chức liên kết chặt chẽ để có thể đáp ứng những lô hàng có giá trị hàng triệu USD.

  • Ông ĐỖ VĂN TRẮC, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom):

Khi hội nhập thì tính minh bạch, công khai là những yêu cầu đầu tiên, nhất là với những công ty niêm yết thì đó là một tiêu chí phải đáp ứng. Cách đây 10 năm khi cổ phần hóa Sacom, chúng tôi đã đưa ra hướng là được phép khấu hao tài sản doanh nghiệp nhanh và nay đã khấu hao hết. Mục đích là có điều kiện để giảm giá thành khi hội nhập. Chúng tôi cũng đã xây dựng được đội ngũ quản trị tương đối chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế.

Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ bầu chọn
Việt Nam là “Đất nước tiêu biểu của năm 2006”

Theo tin từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, hôm nay, 11-1-2007, nhân ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) Thelma J. Askey sẽ trao giấy chứng nhận “Đất nước tiêu biểu của năm 2006” do cơ quan này bầu chọn cho ông Nguyễn Tâm Chiến, Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ. Buổi lễ tổ chức ở tòa nhà Ronald Reagan & Trung tâm Thương mại Quốc tế.
Việt Nam hy vọng sẽ đạt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài 11 tỷ USD trong năm 2007. Đó là bài viết của tác giả Kay Johnson, đăng trên tờ Monsters & Critics (Hoa Kỳ) ngày 10-1. Nhiều nhà đầu tư cũng đã đồng ý với nhận định của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ khi bình chọn Việt Nam là “Đất nước tiêu biểu của năm 2006”. Hãng tin AP viết từ Hà Nội: Việt Nam đã mở ra một thời kỳ mới về thương mại và đầu tư tại một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất châu Á.

Nguồn: SGGP