VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Vào WTO: DN tránh bị kiện bán phá giá bằng cách nào? (05/01)

06/08/2010 - 236 Lượt xem

Nhưng một trong những cái giá mà VN phải chấp nhận để gia nhập là vẫn nằm trong danh sách tạm gọi là “các nền kinh tế phi thị trường” (NME), cùng với Trung Quốc và một số thành viên khác của WTO, phần lớn là các nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường. Dấu ấn này có một hệ quả thực tế. Nó khiến cho VN khó tự bảo vệ mình trước những cáo buộc phá giá của các nước khác.

NME là gì?

Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định NME căn cứ vào sáu tiêu chí luật định như sau:

- Khả năng chuyển đổi đồng tiền
- Tự do đàm phán tiền lương
- Đầu tư nước ngoài
- Sự sở hữu nhà nước hay sự kiểm soát hoạt động sản xuất của nhà nước
- Sự kiểm soát của nhà nước trong phân bổ nguồn lực kinh tế
- Các yếu tố phù hợp khác

(Nguồn: US-DOC website)

Một nền kinh tế đã bị xem là phi thị trường thì sẽ có nguy cơ đối mặt với vô số những hạn định và tranh chấp từ các nước khác. Mặc dù nguyên tắc của WTO là không phân biệt đối xử giữa các thành viên, nhưng thỏa thuận chống bán phá giá của WTO cho phép các nước thành viên đối xử khác với các nước bị cho là có NME. Do đó quyết định trong các vụ kiện chống bán phá giá không chỉ là tùy tiện mà còn mang tính ngẫu nhiên và khó lường.

Một cách khái quát, phá giá xảy ra khi nhà xuất khẩu bán một sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá bán trong nước, hoặc thấp hơn chi phí làm ra sản phẩm đó. Thay vì đón nhận những món hời này, các nước nhập khẩu lại có khuynh hướng làm to chuyện và dựng lên các mức thuế chống phá giá. Nhưng làm sao họ biết hàng nhập khẩu là quá rẻ? Theo lập luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, giá cả trong một nền kinh tế phi thị trường không được thiết lập bởi cung và cầu, cho nên không đáng tin cậy. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra tính toán riêng của mình về “giá trị thông thường” dựa vào chi phí ở quốc gia “thay thế”.

Sự khác nhau giữa chi phí sản xuất ở nước xuất khẩu với nước thay thế luôn thuận tiện cho việc cáo buộc sản phẩm xuất khẩu được bán dưới giá trị thông thường. Cho nên hàng hóa có xuất xứ từ các nền kinh tế phi thị trường, một khi đã bị kiện bán phá giá thì khả năng bị áp thuế trừng phạt là khó tránh.

Hoa Kỳ hiện nay là thị trường lớn nhất của VN và cũng là một trong những quốc gia sử dụng lắm thuế chống bán phá giá. Nhưng Hoa Kỳ cũng không phải là nơi duy nhất cho rằng các đối tác thương mại của mình có nền kinh tế phi thị trường. Mới tháng mười vừa rồi, Liên minh châu Âu đã khẳng định VN bán phá giá giày da, căn cứ vào chi phí sản xuất giày ở Brazil, nơi được chọn làm quốc gia tính giá thành thay thế. Còn năm ngoái EU đã áp đặt thuế lên xe đạp của VN, sau khi đối chiếu các sản phẩm này với xe đạp làm ra ở San Luis Potosí, Mexico.

Tuy nhiên, vụ việc gây nhiều tranh cãi nhất vẫn là vụ kiện cá da trơn, hay còn gọi là cá ba sa theo cách dán nhãn hiện nay để tránh sự kiện tụng của nông dân nuôi cá miền nam Hoa Kỳ. Nhớ lại vào năm 2003, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh thuế vào loại cá nhập khẩu này với mức thuế từ 37-64%.

Quyết định áp thuế được đưa ra sau khi họ tính toán các sản phẩm phi lê của VN sẽ có giá thành bao nhiêu nếu cá nguyên liệu được nuôi ở một trang trại vùng Kishoregonj của Bangladesh, sử dụng nguồn nước mua ở Ấn Độ, vận chuyển bằng xe tải của Bangladesh, với chi phí lao động mà cơ quan này cho là phổ biến ở VN căn cứ thu nhập bình quân đầu người lúc đó.

EU, Hoa Kỳ và các nước khác đều có những yêu cầu riêng của họ đối với một nền kinh tế phi thị trường. Hoa Kỳ thì muốn bỏ việc định giá và các biện pháp kiểm soát tiền tệ, thậm chí phải có nhiều đầu tư nước ngoài hơn, sự tự do đàm phán tiền lương và hạn chế sở hữu nhà nước.

Hơn nữa Luật điều chỉnh thương mại của Hoa Kỳ có đề ra qui trình để chính phủ của một nền kinh tế phi thị trường, hay nhà xuất khẩu ở nền kinh tế đó với sự hỗ trợ của chính phủ mình có thể yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ thay đổi vị thế này. Gần đây Hoa Kỳ đã thừa nhận nền kinh tế thị trường của Kazakhstan và Nga, và tháng hai vừa rồi là Ukraine.

Nhưng thực chất, theo cách nói của hai nhà kinh tế thuộc Tổ chức kinh tế Mekong tại Hà Nội là Adam McCarty và Carl Kalapesi, “lý luận kinh tế chỉ là vẻ ngoài muôn hình vạn trạng”. Tiêu chí duy nhất thật sự quan trọng là liệu các nhà bán lẻ ở Hoa Kỳ, vốn ưa chuộng hàng hóa giá rẻ của VN, có sẵn sàng vận động hăng hơn những đồng hương sản xuất hàng may mặc và nuôi cá của mình hay không.

Như vậy, ngoài những lợi ích thấy rõ như nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư, tạo động lực để đẩy mạnh công cuộc cải cách và mở cửa nền kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu của VN sẽ không còn đối mặt với vô số rào cản từ các nước thành viên như trước, đặc biệt là được hưởng chế độ không có hạn ngạch đối với hàng dệt may. Một trong những thách thức đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là NME.

Để loại bỏ sự gán ép phi thị trường?

VN chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm (không muộn hơn 31-12-2018). Tuy nhiên, trước thời điểm trên, nếu chứng minh được với đối tác nào đó là kinh tế VN đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, thì đối tác đó sẽ ngừng áp dụng chế độ “phi thị trường”.

Chế độ “phi thị trường” nói trên chỉ có ý nghĩa trong các vụ kiện chống bán phá giá. Các thành viên WTO không có quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc thù (là cơ chế khác với cơ chế chung trong WTO mà một số nước có nền kinh tế phi thị trường khi gia nhập WTO phải chịu) đối với hàng xuất khẩu của VN, kể cả trong thời gian bị coi là nền kinh tế phi thị trường.

(Nguồn: Báo cáo ban công tác WTO)

Theo cam kết gia nhập, một là chúng ta không làm gì cả, mà chờ cho hết 12 năm để mặc nhiên được xem là nền kinh tế thị trường. Trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp VN phải chuẩn bị đối mặt với những vụ kiện tương tự như cá da trơn, giày da, xe đạp... Hai là cố gắng sớm chứng minh nền kinh tế VN hoạt động theo cơ chế thị trường. Để làm được điều này cần phải có những bước đi quyết liệt hơn để loại bỏ các yếu tố phi thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực hay bị các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ và châu Âu săm soi, nhất là khu vực ngân hàng và sự tham gia của nhà nước vào việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Gần đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bác bỏ yêu cầu thừa nhận nền kinh tế thị trường của phía Trung Quốc. Lý lẽ hàng đầu được đưa ra là khu vực ngân hàng của Trung Quốc vẫn do nhà nước chi phối, qua đó làm biến dạng sự phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế và hoạt động đầu tư. Châu Âu đã loại Trung Quốc khỏi danh sách NME của mình năm 1998 nhưng vẫn xem nước này “có nền kinh tế trong giai đoạn chuyển tiếp sang cơ chế thị trường”, nghĩa là hàng xuất khẩu Trung Quốc đã và vẫn là mục tiêu của các biện pháp chống bán phá giá của châu Âu.

Dù muốn hay không, các nhà làm chính sách cần phải nghiên cứu những yêu cầu của các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ và châu Âu, hai thị trường lớn của VN, liên quan đến các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế thị trường, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Mặt khác, nên vận động sự ủng hộ của các tổ chức đa phương như WB, IMF, Ngân hàng Phát triển và tái thiết châu Âu, các đối tác thương mại, nhà đầu tư ủng hộ VN, vì đây là những nguồn thông tin đáng tin cậy để Hoa Kỳ, châu Âu và các nước thành viên WTO tham khảo thông tin về mức độ thị trường hóa của một nền kinh tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng không nên quá lo lắng vì chế độ NME chỉ áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá, các nước thành viên không có quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc thù của riêng họ đối với hàng xuất khẩu của VN.

Điều quan trọng là không nên quá lạc quan để xảy ra tình trạnh hàng xuất khẩu VN ào ạt “đổ bộ” vào thị trường các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ, dễ gây nên phản ứng bất lợi từ các nhà sản xuất tương ứng ở những thị trường này. Cần tìm hiểu về các cam kết gia nhập của Việt Nam, có chiến lược thâm nhập vững chắc, nắm rõ luật chơi và đối thủ cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu, và tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác có khả năng vận động tốt để tránh những vụ kiện phá giá lợi dụng điểm yếu của nền kinh tế VN khi vẫn bị xem là phi thị trường.

Nguồn: The Economist, US ITA-DOC và Trung Hoa Nhật Báo, Tuổi Trẻ