VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

2007: Ngân sách cho GD&ĐT tăng 21,1% (05/01)

06/08/2010 - 232 Lượt xem

Tại Hội nghị kế hoạch và ngân sách năm 2007, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết tổng dự toán chi ngân sách nhà nước dành cho GD&ĐT năm 2007 là 66. 770 tỷ đồng, tăng 21,1%.

Tại Hội nghị, tổ chức ngày 4/1/2007 tại Hà Nội, một thông tin quan trọng đã được phát ra từ báo cáo do ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) đọc là: một số trường đại học (ĐH) do làm thủ tục chậm đã không giải ngân được kế hoạch vốn năm 2006 và phải có văn bản xin trả lại ngân sách nhà nước; có dự án được đầu tư bằng nguồn vay ODA cũng không giải ngân được.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2006, nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA tỷ lệ giải ngân rất thấp, có dự án hầu như không giải ngân được như: Dự án Phát triển giáo dục THCS II với vốn vay ADB gần 53 tỷ đồng; Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mới giải ngân được khoảng 63,7%; Dự án đào tạo giáo viên THCS giải ngân được khoảng 67%; dự án Phát triển THPT giải ngân được khoảng 78%...

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vấn đề quản lý tài chính của các trường ĐH ngày càng trở nên cấp bách, vì quy mô đào tạo ngày càng tăng (bình quân mỗi trường khoảng 30-40 tỷ đồng/năm trở lên).

Ông ví dụ, có 5 trường thu học phí 200 tỷ đồng/ năm trở lên thì không thể quản lý bằng kinh nghiệm được; vì vậy năm 2007, ngành GD&ĐT sẽ khởi động xây dựng cơ chế tài chính mới. Câu hỏi được đặt ra là, Bộ GD&ĐT sẽ đầu tư cho ai và đầu tư đến đâu là vừa?

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, phải có tiêu chí đầu tư và hiệu quả rõ ràng: Đầu tư cho các ĐH trọng điểm thì 5 năm sau các trường đó phải tăng được giá trị dịch vụ KHCN cao hơn so với trước khi đầu tư như thế nào.

Bộ GD&ĐT sẽ bàn lại với Bộ Tài chính về việc phân cấp cho các trường kèm theo các điều kiện sau: tăng năng lực quản lý tại chỗ; phân cấp trên cơ sở triển khai các tiêu chí; tăng cường kiểm tra và khuyến khích hiệu quả sử dụng...

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, trong tháng 1/2007 sẽ lấy ý kiến về khung học phí mới để sớm trình Chính phủ. Tuy nhiên, ông cho biết, sẽ có quỹ tín dụng sinh viên và ước tính khoảng 20% sinh viên tham gia sử dụng quỹ, nhằm tạo cơ sở đồng bộ cho việc tăng học phí.

Bộ cũng sẽ điều chỉnh việc giao chỉ tiêu cho các trường ĐH, CĐ theo tinh thần: Chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ giáo viên/đầu sinh viên; chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ (ThS), tiến sỹ (TS) cũng sẽ được quy đổi ra các tiêu chí.

Chương trình đào tạo 20.000 TS , theo ông Nguyễn Thiện Nhân, là có cơ sở để thực hiện được. Một trong những đổi mới là nghiên cứu sinh (NCS) sẽ được cấp kinh phí (không làm chay như hiện nay) và NCS cũng không bị quản lý chặt về thời gian mà phải đảm bảo chất lượng để đến năm 2010, nếu một trường ĐH không có 20% giáo viên là TS thì trường ĐH đó sẽ không thể tiếp tục hoạt động.

Bộ GD-ĐT sẽ công bố chỉ tiêu này vào nửa đầu năm 2007. Tiêu chí này cũng sẽ được đặt ra với các trường ĐH mới thành lập –nếu không đủ tỷ lệ này ĐH mới sẽ không được mở. Bộ trưởng khẳng định tại hội nghị rằng, 4 năm nữa mối quan hệ giữa kinh phí và chất lượng sẽ đi liền với nhau. Theo đó, các trường ĐH không kiểm định sẽ không được cấp ngân sách.

Đến năm 2010, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm định và xếp hạng các trường theo nhóm 25%. Ông dự báo, các trường thuộc 25% sau chót sẽ khó tuyển sinh vì người học cần trường đào tạo có chất lượng, có danh tiếng để dễ xin việc và làm việc. Các trường ĐH cũng sẽ tự in và cấp bằng để trường có thương hiệu riêng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

Về chương trình khung (CTK), yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới đào tạo, hiện mới hoàn thành được khoảng 2/3 (204/377 CTK của các trường) . Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu làm hết 173 CTK còn lại thì phải mất 5 năm nữa (!?) nên sắp tới ngành GD-ĐT cũng sẽ bàn bạc và đầu tư để công việc chạy nhanh hơn.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đến 2008 vấn đề tài chính của Bộ GD&ĐT sẽ đi vào nề nếp để đến năm 2010 tất cả các ĐH tự chủ sẽ phải được kiểm toán. Ông cho biết thêm, công tác sinh viên đánh giá giáo viên cũng sẽ được sơ kết để có thể triển khai đại trà trong thời gian tới.

Được biết vốn đầu tư xây dựng tập trung năm 2006 của các đơn vị và dự án trực thuộc Bộ được giao trên 895 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước gần 451 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới cho các dự án đầu tư giáo dục là 444,6 tỷ đồng. Tổng dự toán chi ngân sách nhà nước dành cho GD&ĐT năm 2007 là 66. 770 tỷ đồng, tăng 21,1%.

Nguồn: Tiền phong