VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Đấu giá cổ phần sẽ thiên về chất lượng (05/01)

06/08/2010 - 246 Lượt xem

“Năm 2007 thị trường chứng khoán sẽ phát triển tốt nhiều hơn là xấu và thiên về chất lượng”- Ông Trần Văn Dũng, GĐ Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK Hà Nội) chia sẻ.

2006 là năm bội thu của thị trường chứng khoán, còn với TTGDCK Hà Nội nói riêng, điều này thể hiện thế nào, thưa ông?

Tại thời điểm 29/12/2006 quy mô sàn Hà Nội đã bằng 7% GDP với 87 doanh nghiệp lên sàn, vốn hóa của toàn thị trường 37.000 tỷ đồng, gấp 37 lần so với thời điểm khai trương đầu năm 2005. Quy mô giao dịch tháng 12/2006 đã lên tới hơn 100 tỷ đồng mỗi ngày với những cái tên rất tốt từ khối ngân hàng, Cty chứng khoán như ACB, SSJ, BVSC và những doanh nghiệp như Savico; nhựa Tiền phong...

Từ tháng 6/2006, Bộ Tài chính đã chuyển đấu thầu trái phiếu Chính phủ ra thị trường Hà Nội, việc đấu thầu ngày một trở nên tốt hơn thể hiện có đông thành viên là các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại, tổ chức nước ngoài tham gia hơn (từ 26 lên 36 thành viên); về lãi suất cũng giảm hơn trong khi lãi suất ngân hàng tăng.

Điều này đã giảm rất nhiều áp lực lãi suất cho Nhà nước. Năm 2005, TTGDCK Hà Nội thu về cho Nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng thì năm 2006 qua đấu giá cổ phần đã thu về khoảng 8.820 tỷ đồng.

Cũng đã có một số doanh nghiệp gửi hồ sơ đến TTGDCK Hà Nội nhưng bị từ chối hoặc có doanh nghiệp đáp ứng được nhưng họ lại bỏ kế hoạch lên sàn. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những trường hợp này?

Điểm nhấn trong suốt năm qua là các doanh nghiệp hầu hết rất hài lòng với cách làm việc của TTGDCK Hà Nội. Riêng với những trường hợp bị từ chối, ví dụ: Cty xây dựng 720 (Cần Thơ) họ có gửi hồ sơ ra một lần, chúng tôi yêu cầu chỉnh sửa nhưng họ không đáp ứng; hay trường hợp như Sông Đà 1.01, Cty may Việt Thái...

Nếu báo cáo tài chính không đầy đủ chúng tôi không dám đưa lên vì điều này sẽ tổn hại đến uy tín nhà đầu tư. Cũng có những DN hoàn thiện hồ sơ không kịp như NHTMCP VIBBank, họ tự nguyện rút lui. Còn về trường hợp Cty CP Mai Linh (con) đã được cấp phép nhưng tự nguyện rút lui, điều này tôi không bình luận vì chắc nó còn phụ thuộc và chịu ảnh hưởng chiến lược của Cty phía trên (Mai Linh mẹ).

Các phiên đấu giá cổ phần gần đây thường quá tải. (Đơn cử như phiên đấu giá Cty CP Bảo hiểm dầu khí - PVI cuối tuần trước có tới 5.000 nhà đầu tư tại Hà Nội xếp hàng chờ đăng ký). Năm 2006 hứa hẹn việc đấu giá cổ phần sẽ rất sôi động khi một số Tổng Cty lớn tiến hành đấu giá cổ phần. Vậy, làm thế nào để có thể giảm tải?

Đấu giá cổ phần hiện quá tải vì ngoài việc phục vụ doanh nghiệp, TTGDCK Hà Nội còn phải phục vụ các nhà đầu tư. Năm 2007 hứa hẹn sẽ là năm sôi động với việc đấu giá cổ phần của các Cty lớn thuộc xăng dầu, bưu điện, hàng không.

Để chất lượng phục vụ ngày một cao hơn, năm 2006, tiến tới xã hội hóa chứng khoán, chúng tôi mong muốn sang năm nay việc phục vụ đấu giá có thể chia làm 2 cấp: trung tâm phục vụ doanh nghiệp; còn các Cty chứng khoán phục vụ nhà đầu tư. Làm như vậy, trung tâm sẽ tập trung vào công việc giám sát hơn; còn các nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân cũng được hưởng lợi từ việc tư vấn dịch vụ tốt của các Cty chứng khoán.

Vậy, ông có nhận định gì về triển vọng của thị trường năm 2007?

Năm 2006, chỉ đặt mục tiêu kỳ vọng cả 2 thị trường đạt 5% GDP; cuối cùng riêng thị trường Hà Nội đã đạt 7% GDP. Hiện tại chúng ta đang đứng trước một số yếu tố chắc chắn có tác động như: Luật chứng khoán có hiệu lực; Việt Nam gia nhập WTO, PNTR được thông qua; Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8,2 %- 8,5%; các tổ chức nước ngoài và các nhà đầu tư lớn, các quỹ đều tăng vốn và đang đổ rất nhiều tiền vào thị trường.

Năm 2007 thị trường chứng khoán sẽ phát triển tốt hơn là xấu và thiên về chất lượng. Còn tốt đến mức độ nào theo tôi cũng rất khó đoán. Đầu năm nay số lượng Cty lên niêm yết sẽ giảm, thị trường sẽ bắt đầu sôi động trở lại vào khoảng quý II/2006 trở đi với việc DN sẽ lên nhiều, nhất là những doanh nghiệp lớn.

Cảm ơn ông!

Làm thế nào để đấu giá thành công và sát giá cổ phần?

TTGDCK Hà Nội khuyên các nhà đầu tư: Tiến hành đấu giá cổ phần đó là “trò chơi” đấu giá đòi hỏi kiến thức và trí tuệ, “người chơi” phải nắm được quy chế và chịu khó đọc kỹ vì nó tuy khô khan nhưng không có điểm nào thừa. Nhà đầu tư nên trả giá bao nhiêu trong một phiên đấu giá? Điều này phụ thuộc vào mấy yếu tố.

Bao giờ Cty có cổ phần đấu giá cũng có một bản công bố thông tin. Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin trên thị trường, bằng nghiệp vụ tài chính cần xem, phân tích xem giá khoảng bao nhiêu thì mua được là vừa. Cùng đó là khả năng tài chính của nhà đầu tư. Nếu bỏ tất cả vào một khoản, sẽ rất khó, cần tự cân đối.

Nhược điểm nhà đầu tư Việt Nam hay mắc phải là tính đa nghi, chờ đến thời điểm cuối cùng mới chốt như hôm đấu giá PVI, gần 5.000 nhà đầu tư bỏ phiếu buổi chiều, dẫn đến việc vội vàng, nhiều người quên không ghi giá, không ghi khối lượng đăng ký, quên chữ ký, dẫn đến mất tiền đặt cọc. Những trường hợp này hầu hết đều là nhà đầu tư cá nhân. Chính vì vậy, điều nên rút kinh nghiệm là không nên chạy theo đám đông, tin đồn mà hãy tin vào khả năng của chính mình.


Nguồn: Tiền phong