VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12 - Năm 2007, đột phá khâu cải cách hành chính (28/12)

06/08/2010 - 251 Lượt xem

Giấy phép con - giảm 180, tăng 160

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo CCHC năm 2006 là sự sâu sát, quyết liệt của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Điều đó đã khiến công tác CCHC trong năm 2006 tạo được nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, nhiều số liệu đưa ra tại cuộc họp Chính phủ cho thấy CCHC vẫn là một mảng còn nhiều bức xúc.

Tháng 7-2006, Chính phủ còn nợ 135 nghị định, nay còn khoảng 69 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chưa được ban hành.

Tuy nhiên, nếu tính cả số luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua thì còn tới 93 văn bản chưa được ban hành. Đến 20-12, các bộ, ngành đã trình Chính phủ 353 đề án, đạt 74,7% chương trình công tác năm.

Văn phòng Chính phủ cho biết, trong cả năm, Chính phủ đã giảm được 100 cuộc họp so với năm 2005. Song, Chính phủ cho rằng “họp như vậy vẫn còn nhiều”.

Đến cuối tháng 11, cả nước có 67,8% cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã thực hiện tự chủ.

Từ nay đến năm 2010, phải chuyển 150.000 đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Thế nhưng, tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều tối qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc thừa nhận “các cơ quan sự nghiệp vẫn hoạt động như cơ quan hành chính”.

Hiện còn 80 việc đang bị chồng chéo. Theo ông Phúc, thực hiện việc rà soát, loại bỏ giấy phép con, các bộ, ngành, địa phương đã loại bỏ được 180 giấy. Thế nhưng lại xuất hiện thêm 160 giấy! “Đây là cuộc giằng co, nhiều khi vì sự an toàn của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải vì quyền lợi của dân” - ông Thang Văn Phúc nói.

  • Có chế tài thưởng, phạt và phải gần dân hơn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng, trong năm 2007, CCHC cần tập trung vào các vấn đề gốc rễ như vấn đề chồng chéo (ví dụ trong xây dựng luật) chứ không nên chỉ hình thức ở phần ngọn.

Theo đánh giá của nhiều thành viên Chính phủ thì một trong những biện pháp cần phải chấn chỉnh trong CCHC là phải khắc phục cho được tình trạng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và người đứng đầu các bộ, ban, ngành rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt CCHC, thế nhưng ở cơ sở lại chuyển biến chậm. Nhiều cán bộ, công chức ở cơ quan hành chính vẫn… hành dân.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực nêu một vấn đề đang nóng. Các sông, hồ đang cạn kiệt. Đây là vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết, trong đó chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, quan tâm đến dân, gần dân hơn.

Liên quan vấn đề chăm lo cho dân, Bộ trưởng LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hằng đánh giá rằng, trong năm 2006, sự phối hợp, chia sẻ với cộng đồng của Chính phủ đã tốt hơn.

Chính phủ đã giải quyết công việc nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cũng cho rằng, điểm nổi bật là Chính phủ đã dành thời gian cho giải quyết các vấn đề dân sinh nhiều hơn, có tầm chiến lược hơn.

Bằng chứng là trong năm 2006, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có 57 chuyến công tác tới 53 tỉnh, thành phố để đôn đốc, xử lý công việc cụ thể tại địa phương. Thủ tướng đã có bút phê chỉ đạo các bộ, ngành địa phương giải quyết 40 vấn đề bức xúc báo chí nêu….

Sau khi thiên tai, bão lụt đi qua, Chính phủ đã hỗ trợ ngay 664 tỷ đồng và 12.800 tấn gạo cùng nhiều vật tư, hàng hóa khác cho các vùng bị thiên tai.

Tuy nhiên, năm 2007 - năm đầu tiên triển khai các cam kết với WTO, bên cạnh các giải pháp đồng bộ đã đề ra, Thủ tướng lưu ý các thành viên Chính phủ 3 mục tiêu: tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao, liên tục, bền vững, phấn đấu GDP đạt mức tăng 8,5%; thực hiện phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn; phải xem CCHC là khâu đột phá. Theo đó, cần hạn chế hội họp; ban hành quy phạm pháp luật tốt hơn.

Lãnh đạo các bộ, ngành cần phải chỉ đạo sát sao ngay từ khi lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, có kế hoạch triển khai chặt chẽ và có chế tài thưởng, phạt nghiêm minh.

Thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố

Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức chiều tối qua, 27-12, Phó Chủ nhiệm Thường trực VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã quyết định sẽ thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh, TP do Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng bổ nhiệm.

Thủ tướng sẽ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh, TP.

Đây là việc làm cần triển khai sớm để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở nhiều nơi. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 3, khóa X, nhiều bộ, ngành và địa phương đã hoặc đang chuẩn bị thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng.


Nguồn: SGGP