VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Vì sao sửa đổi chính sách tín dụng đầu tư và xuất khẩu? (27/12)

06/08/2010 - 219 Lượt xem

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, xin ông cho biết tại sao chúng ta phải thay đổi cùng lúc hai chính sách lớn này?

Tháng 1/2007, Việt Nam sẽ là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bắt đầu phải thực hiện các cam kết. Yêu cầu hội nhập kinh tế đòi hỏi chúng ta phải tính tới hình thức và mức độ hỗ trợ phù hợp với những quy định của WTO và thông lệ thương mại quốc tế, nên việc Chính phủ sửa đổi chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu là tất yếu khách quan, phù hợp với quy định của WTO.

Các hình thức tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu sẽ được thực hiện trên các phương diện: hỗ trợ sản xuất trong nước (như tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu...) kết hợp với hỗ trợ cho các nhà nhập khẩu nước ngoài mua hàng hoá của Việt Nam, các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài.

Việc xây dựng các chính sách này không tạo ra một kênh bao cấp mới từ Nhà nước cho doanh nghiệp; không ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng thương mại thông thường mà còn tác động tích cực, thúc đẩy tín dụng thương mại phát triển và đây cũng là thông lệ quốc tế mà các nước trên thế giới đã và đang áp dụng.

Đối tượng cũng như các hình thức vay vốn tín dụng xuất khẩu sẽ được quy định ra sao, thưa ông?

Có hai loại đối tượng có thể được vay vốn tín dụng xuất khẩu. Trước hết, là các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục ưu tiên khuyến khích xuất khẩu, phát huy lợi thế của Việt Nam.

Với đối tượng này, lãi suất cho vay áp dụng cho từng loại kỳ hạn vay và mức độ rủi ro (hay độ tín nhiệm của người đi vay). Lãi suất vay được quy định theo nguyên tắc thị trường và Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, lãi suất cho vay này có thể được tính bằng lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn và một tỷ lệ phí bù đắp cho chi phí hoạt động của tổ chức cho vay.

Để giảm thiểu rủi ro cho tổ chức cho vay, mức vốn cho vay tối đa không vượt quá 85% giá trị của hợp đồng xuất khẩu. Đây cũng là lãi suất và mức vay mà Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) khuyến nghị. Thời hạn cho vay sẽ phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng xuất khẩu, nhưng không quá 12 tháng.

Đối tượng thứ hai là các khách hàng nước ngoài cũng có thể được vay vốn để mua hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam, nhưng để vay được vốn họ phải có sự bảo lãnh từ Chính phủ hoặc ngân hàng trung ương của bên mua.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng được cung cấp dịch vụ bảo lãnh để có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại phục vụ cho việc mua hoặc sản xuất các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thực hiện hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. Mức bảo lãnh tín dụng tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu với mức phí bảo lãnh là 1%/năm tính trên số dư bảo lãnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu.

Tại sao trong chính sách tín dụng đầu tư chúng ta lại bỏ hình thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và ngoài ra, chính sách về tín dụng đầu tư còn những thay đổi gì so với các quy định hiện nay?

Chính sách mới có bổ sung một số nội dung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội như: chỉ cho vay hoặc bảo lãnh tín dụng những dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc một số lĩnh vực quan trọng, chương trình kinh tế lớn của Chính phủ trong từng thời kỳ, không trái với các quy định của WTO; một dự án đầu tư chỉ được tham dự một hình thức tín dụng đầu tư của Nhà nước và mức vay không quá 70% tổng mức đầu tư tài sản cố định của dự án.

Vấn đề lãi suất cũng được sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ: trước đây lãi suất cho vay vốn tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định 106/2004/NĐ-CP thống nhất chung một mức tương đương 70% lãi suất cho vay thương mại cho mọi đối tượng và không tính đến thời hạn vay vốn khác nhau giữa các dự án. Cách xác định lãi suất này còn mang tính bao cấp từ Nhà nước, hạn chế tính chủ động và tự chịu trách nhiệm từ chủ dự án.

Vì vậy, trong Nghị định này lãi suất cho vay đầu tư bằng đồng Việt Nam được Chính phủ quy định theo hướng tiếp cận với thị trường. Đây cũng là lãi suất cho vay mà OECD khuyến nghị.

Vấn đề bảo đảm tiền vay cũng được sửa đổi theo hướng: các chủ đầu tư, khi vay vốn hoặc được bảo lãnh được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay và bảo lãnh. Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay không đủ điều kiện bảo đảm tiền vay và bảo lãnh, chủ đầu tư phải sử dụng tài sản hợp pháp khác để bảo đảm tiền vay và bảo lãnh với giá trị tối thiểu bằng 15% tổng mức vay vốn và bảo lãnh.

Cụ thể, mức lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư phát triển sẽ được quy định ra sao và những đối tượng nào được vay, thưa ông?

Chính phủ đã quy định mức lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư đối với:

- Các dự án thuộc ngành công nghiệp (7 nhóm) bằng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm + 0,5%/năm;

- Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (7 nhóm); dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn (3 nhóm) và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc chương trình 135 và các xã biên giới thuộc chương trình 120, các xã vùng bãi ngang thì lãi suất cho vay bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.

- Trường hợp vay bằng ngoại tệ, áp dụng lãi suất tương đương với lãi suất Sibor 6 tháng cộng thêm tỷ lệ % nhất định.

Nguồn: Tiền phong