VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Bức tranh toàn cảnh về thị trường chứng khoán không chính thức

06/08/2010 - 461 Lượt xem

Trong báo cáo về thực hiện các chuẩn mực và quy tắc quản trị công ty ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố trên website hôm 21/12/2006 vừa qua, có một nội dung hết sức quan trọng và khá hấp dẫn được đề cập đến, đó là thị trường chứng khoán không chính thức tại Việt Nam.

Với việc phân tích và nhận định về thị trường này, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đã phác họa ra một bức tranh khá đầy đủ về một thị trường chứng khoán không chính thức, hiện nằm ngoài sự kiểm sóat của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chứng khoán không chính thức bắt đầu hình thành tự phát không có sự quản lý một vài năm trước khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đi vào hoạt động năm 2000.

Không chính thức lớn gấp nhiều lần chính thức

Nguồn cổ phiếu chính được giao dịch trên thị trường không có sự quản lý của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, là các doanh nghiệp nhà nước trước đây đã được cổ phần hóa và các công ty cổ phần do các tổ chức kinh doanh và đầu tư tư nhân thành lập.

Trong gần 6.700 công ty cổ phần, thì đến nay đã có 131 công ty đã được niêm yết và đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội tính đến ngày 22/12/2006. Số còn lại chưa niêm yết và vẫn đang được giao dịch trên thị trường không chính thức.

Theo ước tính, khối lượng giao dịch cổ phiếu của thị trường không chính thức lớn gấp khoảng 3 đến 6 lần so với lượng giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán, và giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân mỗi ngày cũng lớn hơn 3 lần.

Môi giới không có giấy phép

Thị trường chứng khoán không chính thức là một mạng lưới không chính thức các nhà môi giới có và không có giấy phép hoạt động, những người này làm trung gian cho các giao dịch chứng khoán của Việt Nam không được niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.

Theo các chuyên gia, có hai loại nhà môi giới chứng khoán đang hoạt động trên thị trường không chính thức.

Thứ nhất là các nhà môi giới độc lập không có giấy phép hoạt động, tổng cộng khoảng 60-68 nhà môi giới tại Tp.Hồ Chí Minh, chủ yếu giao dịch chứng khoán như một nghề phụ. Phần đông trong số này là các tổ chức tài chính, trong đó có cả các công ty chứng khoán có giấy phép hoạt động.

Thứ hai là các công ty chứng khoán có giấy phép tham gia môi giới và giao dịch các chứng khoán không niêm yết một cách bất hợp pháp – họ chỉ được cấp phép để kinh doanh các loại chứng khoán được niêm yết trên thị trường chính thức.

Một giao dịch thường diễn ra bằng việc trao tay các chứng chỉ vật chất và thanh toán bằng tiền mặt trong vòng một vài ngày kể từ ngày giao dịch, và một người đưa tin trung gian hay nhà môi giới không có giấy phép sẽ chuyển chứng chỉ chứng khoán hay tiền mặt giữa nhà đầu tư và nhà môi giới.

Mức độ rủi ro trong thanh toán cao

Việc thanh toán các giao dịch không chính thức không được bảo vệ bởi luật pháp hay tổ chức nào, và hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín cá nhân của nhà môi giới chứng khoán không có giấy phép.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán không chính thức cũng không bảo vệ cho nhà đầu tư, không có cơ chế thị trường hiệu quả, công bằng và trật tự, cũng không có được sự minh bạch như ở các trung tâm giao dịch chứng khoán.

Các quy định của thị trường chứng khoán không được áp dụng bên ngoài các trung tâm giao dịch chứng khoán có tổ chức, và do vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có khả năng quản lý thị trường chứng khoán không chính thức.

Thiếu một hệ thống báo cáo và công bố thông tin giao dịch minh bạch, vấn đề giá cả trở nên không rõ ràng. Năng lực tài chính, chuyên môn và năng lực hoạt động của các nhà môi giới không được kiểm chứng cũng không được giám sát, và thông tin về tổ chức phát hành không được xác minh.

Do vậy, các giao dịch tương đối kém hiệu quả và quy mô nhỏ. Tuy nhiên, chúng vẫn chiếm đa số trong các giao dịch diễn ra trong cả nước.

Báo cáo cũng cho rằng các yêu cầu công bố thông tin để niêm yết trên các trung tâm giao dịch chứng khoán là một yếu tố làm nản lòng nhiều công ty vẫn muốn duy trì các khoản tài chính không rõ ràng, chủ yếu vì lý do đóng thuế. Sẽ không có động cơ khuyến khích mạnh mẽ cho các công ty tham gia vào thị trường chứng khoán chính thức nếu như các tiêu chuẩn về minh bạch đối với doanh nghiệp vẫn còn yếu kém.

Thậm chí, cần có các tiêu chuẩn niêm yết cao hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán chính thức, mặc dù các nhà môi giới không có giấy phép hoạt động trên thị trường chứng khoán không chính thức cho rằng việc thiếu tiêu chuẩn về công khai thông tin cũng không làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư.

Quản lý bằng cách nào?

Giải pháp đang được dự tính hiện nay là nâng cao tiêu chuẩn minh bạch doanh nghiệp đối với tất cả các công ty đại chúng (thay vì chỉ dành cho các công ty niêm yết), tạo sân chơi bình đẳng cho cả công ty niêm yết và không niêm yết.

Điều này sẽ cải thiện mức độ hấp dẫn của việc niêm yết trên các trung tâm giao dịch chứng khoán, vì niêm yết sẽ không phải là gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, Luật Chứng khoán mới 2006 đưa ra các quy định của SSC đối với tất cả các công ty đại chúng.

Cuối cùng, việc đưa ra một hệ thống đăng ký tập trung, một hệ thống lưu ký chứng khoán tổng hợp và một hệ thống đăng ký môi giới/mua bán chứng khoán cá nhân sẽ là một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý giao dịch chứng khoán bên ngoài các trung tâm giao dịch chứng khoán.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam