VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Vận hành thị trường điện cạnh tranh: Bộc lộ xung đột lợi ích

06/08/2010 - 708 Lượt xem

Từ 1.1.2007, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm giữa các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ chính thức được vận hành. Đây là tiền đề tiến tới hình thành thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2009 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại cuộc họp do Bộ Công nghiệp chủ trì với sự góp mặt của Cục Điều tiết điện lực và lãnh đạo EVN chiều 25.12, những bất cập trong việc thành lập Cty mua bán điện để điều tiết hoạt động của thị trường đã bộc lộ.

Người bán vừa là người mua

Theo thiết kế, cơ sở thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm nội bộ EVN, chỉ có 8 nhà máy điện (do EVN nắm giữ 100% vốn hoặc nắm cổ phần chi phối) sẽ trực tiếp tham gia thị trường gồm: Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thác Bà, Thác Mơ, Bà Rịa, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và Sông Hinh - Vĩnh Sơn.
 
Các nhà máy còn lại không trực tiếp tham gia thị trường gồm nhóm các nhà máy điện (NMĐ) độc lập (IPP), các NMĐ Thủ Đức, Cần Thơ đã có các hợp đồng mua bán điện dài hạn với EVN, cụm các nhà máy điện Phú Mỹ và 3 NM thuỷ điện hạch toán phụ thuộc là Hoà Bình, Trị An, Yaly (là các NM thuỷ điện có vai trò đa mục tiêu).

Theo lộ trình được EVN đưa ra, giai đoạn đầu (dự kiến khoảng 6 tháng), Cty mua bán điện sẽ trực tiếp chào giá thay cho tất cả các nhà máy không trực tiếp tham gia thị trường và trở thành Cty phát điện lớn nhất tham gia thị trường (công ty thứ 9 ngoài 8 Cty kể trên).

Bước 2, khi thị trường điện đã vận hành, EVN chuẩn bị đủ cơ sở và nguồn nhân lực sẽ tách bộ phận chào giá thay cho cụm Phú Mỹ và 3 NM thuỷ điện để tăng tính cạnh tranh và minh bạch của thị trường.

Như vậy, Cty mua bán điện vừa là Cty mua toàn bộ điện năng trên hệ thống, vừa là thành viên trong khâu phát điện tham gia thị trường, nâng tổng số các công ty phát điện tham gia thị trường là 9 thành viên.

Theo thẩm định của Cục Điều tiết điện lực, việc cơ cấu tổ chức như vậy trong thực tế là đã mâu thuẫn về lợi ích, với vai trò là Cty bán điện thì phải tối thiểu hoá chi phí thị trường, nhưng nếu là cơ quan thuộc EVN lại phải tối đa hoá lợi nhuận cho bên mua, vì vậy sẽ tạo ra sự xung đột lợi ích.

.

Với chức năng chào giá thay cho một lượng công suất lớn của các NM gián tiếp tham gia thị trường điện (xấp xỉ 80% công suất đạt của toàn hệ thống), cộng với quyền lập lịch sửa chữa, ký kết hợp đồng mua bán điện có thời hạn (CFD), Cục Điều tiết điện lực cũng lo ngại Cty mua bán điện có khả năng chi phối toàn bộ thị trường điện, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường, từ đó khó đạt mục tiêu thu hút các IPP tham gia thị trường điện khi bước vào vận hành theo đúng nghĩa.

Nguy cơ mất an toàn hệ thống

Tại cuộc họp, EVN công bố kết quả thử nghiệm thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm được áp dụng từ 12 đến 19.12.2006, mặc dù kết quả được Ban Thị trường điện khẳng định là "chưa nói lên điều gì", song có một thực tế là nhiều giờ trong ngày giá thị trường đạt mức giá trần (từ 8-15h/24h trong ngày). Các giờ giá lên trần thị trường tập trung vào các giờ cao điểm từ 8-12h và từ 14-22h hàng ngày.

Trong các giờ cao điểm, giờ bình thường và một số giờ thấp điểm, giá biên hệ thống cao hơn giá trần thị trường và phần lớn các giờ thấp điểm, giá biên hệ thống bằng giá biên thị trường điện.

Các nhà máy chưa có chiến lược chào giá thích hợp dẫn đến vi phạm biểu đồ tích nước. Nguy cơ vi phạm mức nước giới hạn tháng, tuần và biểu đồ tích nước cho mùa khô kế tiếp do các NM nhiệt điện đua nhau chào giá cao, các NM thuỷ điện chào giá thấp và phát cao trong mùa lẽ ra phải trữ nước.

Theo tính toán của Ban Thị trường điện - EVN, qua hạch toán chi phí mua điện của tuần thí điểm, chi phí mua điện hiện tại là 27,21 triệu đồng.

Ông Đặng Hùng - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực kiến nghị, để thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm nội bộ của EVN trở thành một bước thử nghiệm có kết quả, trước mắt Cục Điều tiết điện lực kiến nghị Bộ Công nghiệp yêu cầu EVN sửa đổi và hoàn thiện quy định thị trường điện thí điểm để đảm bảo an ninh cung cấp điện trên cơ sở tối thiểu hoá nhiệm vụ, chức năng của Cty mua bán điện nhằm tối ưu hoá phương thức vận hành TTĐ cạnh tranh.

2005-2014: Thị trường phát điện cạnh tranh phát triển theo 2 bước: Thí điểm (mua-bán nội bộ giữa các NMĐ thuộc EVN) và hoàn chỉnh (tất cả các Cty phát điện tham gia thị trường theo mô hình một người mua duy nhất).

Lượng điện năng được thực hiện theo phương thức mua bán điện thông qua hợp đồng có thời hạn sẽ chiếm khoảng 95% tổng sản lượng điện năng sản xuất của đơn vị điện lực, 5% còn lại sẽ được thực hiện theo phương thức mua bán điện giao ngay.

Cty mua bán điện là đơn vị được thành lập mới trực thuộc EVN, tồn tại cho đến khi thị trường điện hoạt động đến giai đoạn cạnh tranh hoàn chỉnh, Cty này sẽ chuyển đổi thành nhà bán lẻ điện trên thị trường cạnh tranh bán buôn.

Nguồn: Lao Động