VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Thu ngân sách năm 2007: Khó trông vào dầu thô (25/12)

06/08/2010 - 210 Lượt xem

Tính từ đầu năm 2005 trở lại đây, thì với Quyết định 70/2006/QĐ-Bộ Tài chính, được ban hành vào tuần trước, Bộ Tài chính đã 12 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu.

Như vậy, sau hơn 2 tháng áp thuế nhập khẩu xăng 20%, Bộ Tài chính lại phải giảm xuống 10% và đây là lần đầu tiên trong số 5 lần điều chỉnh gần đây, mặt hàng chiến lược này mới được giảm thuế.

Theo dõi công tác điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu thời gian qua có thể thấy, mỗi khi giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng, Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu và ngược lại.

Tuy nhiên, gần đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới ít biến động và được giao dịch ở mức giá thấp, thậm chí ngay trong ngày ban hành Quyết định 70/2006/QĐ-Bộ Tài chính, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Giá dầu giao tháng 1/2007 đang được giao dịch ở mức 60,84 USD/thùng, giảm 18 UScent/thùng so mức giá giao dịch bình quân vài tuần trước đó.

Như vậy, nếu điều hành theo cách cũ, thì Bộ Tài chính phải tăng thuế nhập khẩu xăng, hoặc đề nghị Bộ Thương mại giảm giá bán lẻ xăng dầu theo đúng cơ chế mà 2 bộ này từng tuyên bố: “Giá xăng dầu thế giới tăng thì sẽ tăng giá bán lẻ và ngược lại”.

Vậy vì sao Bộ Tài chính lại quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu? Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, do giá bán dầu thô có mối quan hệ mật thiết với giá bán xăng dầu trong nước và thuế nhập khẩu xăng dầu, nên Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh linh hoạt để không ảnh hưởng đến cân đối nguồn thu trong nước, không tác động xấu tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân, đồng thời sẽ chuyển dần sang cơ chế thị trường (cụ thể, sẽ chấm dứt việc bù lỗ giá dầu vào năm 2008).

Thực hiện theo nguyên tắc này, Bộ Tài chính tính toán, nếu giá bán dầu thô dao động ở mức 63 - 65 USD/thùng, sẽ áp thuế nhập khẩu xăng 5%; nếu dao động 61 - 62 USD/thùng, thuế là 10%; nếu dao động 59 - 60 USD/thùng, áp thuế 15%; nếu dao động 57 - 58 USD/thùng, áp thuế 20%; và nếu dao động 55 - 56 USD/thùng, mức thuế là 25%.

“Nếu giá bán dầu thô dao động từ 58 USD/thùng đến 63 USD/thùng, thì sẽ không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách 2007, vì thu từ xuất khẩu dầu thô giảm, nhưng thu thuế nhập khẩu xăng tăng lên”, ông Ninh cho biết.

Với mặt bằng giá bán xăng như hiện nay, giá bán dầu thô bình quân đạt 58 - 59 USD/thùng, thuế nhập khẩu xăng 20%, thì ngân sách không phải bù lỗ cho các đầu mối nhập khẩu dầu.

Giá bán dầu thô giảm và hiện thấp hơn giá tính toán trong dự toán pháp lệnh, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm, thu ngân sách năm 2007 sẽ ra sao? Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, thu từ dầu thô năm 2007 rất bấp bênh. Nếu như mọi năm, lập dự toán thu từ dầu thô, Bộ Tài chính đã nắm chắc sẽ vượt thu.

Đơn cử như năm 2006, khi xây dựng dự toán, giá bán dầu thô trên thị trường thế giới dao động 58 - 60 USD/thùng, để “chắc ăn”, Bộ Tài chính chỉ tính giá bán bình quân 52,7 USD/thùng. Mặc dù cuối cùng Quốc hội “quyết” mức giá 56,7 USD/thùng, nhưng thu từ dầu thô ước cả năm 2006 vẫn vượt 16.500 tỷ đồng (tăng 26% so với dự toán), do giá xuất khẩu bình quân đạt 65 USD/thùng.

Thu từ dầu thô còn đem lại cho ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng từ thuế nhập khẩu xăng, do từ tháng 9/2006, Bộ Tài chính tái áp thuế nhập khẩu xăng lên mức 5%, 10%, 15% và 20% sau 5 tháng áp mức thuế 0%.

Trong khi đó, năm 2007, khi Quốc hội thông qua dự toán thu từ hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu thô ở mức 62 USD/thùng, thì giá dầu thô bình quân trên thị trường thế giới giao dịch dưới mức 60 USD/thùng.

“Chưa biết thế nào khi trông mong vượt thu ngân sách năm 2007 nhờ vào giá dầu thô”, ông Tá nói.

“Trước đây, thực hiện bù lỗ giá nhiên liệu 8.000 - 10.000 tỷ đồng/năm, nên tác động của giá dầu vào sản xuất chỉ ở mức độ vừa phải, nhưng từ năm 2007, cùng với giá than, điện, xi măng, xăng dầu phải thực hiện theo giá thị trường sẽ tăng thêm chi phí sản xuất, giảm thu nhập doanh nghiệp, khiến giảm thu ngân sách. Để đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán, ngành thuế phải tích cực khai thác các nguồn thu khác, đồng thời tích cực thu hồi nợ đọng thuế, không để nợ đọng mới phát sinh”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh nói.

Nguồn: Đầu tư