VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

“Năm 2007, vốn FDI sẽ đạt trên 10 tỷ USD” (22/12)

06/08/2010 - 237 Lượt xem

Năm 2006 được xem như là một năm rất thành công của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xin ông vui lòng cho biết những kết quả cụ thể của hoạt động FDI trong năm 2006?

Có thể khẳng định rằng, năm 2006, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả cao cả về nguồn vốn đầu tư mới, vốn thực hiện, cũng như kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Năm 2006, cả nước đã thu hút được trên 9,9 tỷ USD vốn FDI, tăng 45,1% cùng kỳ năm trước, vượt 31,7% kế hoạch ban đầu cả năm. Đây là mức thu hút FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến nay. Vốn FDI thực hiện trong 2006 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2005.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh về FDI ở nước ta trong năm 2006 là đã xuất hiện sự gia tăng đầu tư của các tập đoàn, công ty Nhật Bản và Hoa Kỳ và một số đối tác truyền thống khác như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan... Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam.

Theo ông, những nhân tố nào đã thúc đẩy FDI vào Việt Nam trong năm 2006?

Có thể nói, trong năm 2006, nước ta đứng trước nhiều cơ hội mới và những thuận lợi để có thể thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn FDI, đó là:

Thứ nhất, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu và kinh doanh dịch vụ ra thế giới.

Thứ hai, cùng với tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trong suốt năm 2006 tại Việt Nam đã làm gia tăng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đặc biệt là từ các tập đoàn, doanh nghiệp tiềm năng của 21 nền kinh tế APEC.

Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện do việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường và thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, thông qua việc ban hành và áp dụng hàng loạt các đạo luật quan trọng mới (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu...) cũng như việc thực hiện phân cấp triệt để việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh cho các cơ quan quản lý FDI ở địa phương.

Thứ tư, hệ thống kết cấu hạ tầng do được đầu tư trong các năm qua tiếp tục được cải thiện.

Thứ năm, trên thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng đổ vào các nước đang phát triển, nhất là các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có môi trường đầu tư thuận lợi. Việt Nam với chính sách đối ngoại rộng mở và môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện đang được nhiều tập đoàn quốc tế quan tâm.

Với một kết quả khả quan của năm 2006, ông dự đoán thế nào về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2007, đặc biệt sau khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO và Quốc hội Mỹ đã thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam?

Với kết quả đạt được trong năm 2006, cộng với những thuận lợi và cơ hội mới cùng quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thì chắc chắn năm 2007 sẽ duy trì được đà tăng trưởng cao, sẽ có nhiều dự án quy mô lớn đến từ các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số đối tác đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... sẽ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Dự báo vốn đầu tư nước ngoài năm 2007 sẽ đạt trên 10 tỷ USD, đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông, môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam có những điểm nào cần phải cải thiện hơn nữa để đón nhận dòng đầu tư mới?

Bên cạnh các kết quả đạt được và những nhân tố thuận lợi mới, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn tồn tại một số thách thức cần phải khắc phục để có thể thúc đẩy hơn nữa dòng vốn FDI vào nước ta.

Đó là:

Một, chi phí sản xuất gia tăng do giá cả một số mặt hàng, nhất là giá nhiên liệu (giá điện, than) tăng đáng kể sẽ ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh của một số sản phẩm.

Hai, hệ thống kết cấu hạ tầng của nước ta tuy đã được nâng cấp, nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, tình trạng thiếu điện nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và gây tâm lý lo ngại đối với các nhà đầu tư mới. Tương tự, sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế cũng đang dẫn tới nguy cơ quá tải của hệ thống giao thông, cảng biển, thông tin viễn thông và cấp thoát nước...

Ba, cải cách thủ tục hành chính tuy đã tiến hành tích cực nhưng còn rất nhiều vấn đề cần được xử lý để đáp ứng yêu cầu đề ra.

Bốn, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, làm giảm khả năng cạnh tranh và lợi thế của nước ta về mặt lao động.

Về lĩnh vực đầu tư, Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; các dự án nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng; dự án quan trọng có quy mô lớn; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; phát triển ngành nghề truyền thống và những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác cần khuyến khích.

Nguồn: VNECONOMY