VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Giảm thuế nhập khẩu, không giảm thu ngân sách

06/08/2010 - 491 Lượt xem

Vào WTO, thu thuế nhập khẩu giảm bình quân 1.000 đến 1.500 tỷ/năm. Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng con số giảm này không đáng kể, và không làm giảm thu ngân sách.

Bà Mai Thu Vân, Trưởng phòng thuế suất xuất nhập khẩu của Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết: con số giảm thu thuế nhập khẩu này tính bình quân trong 5 năm với 3.800 dòng thuế cắt giảm theo cam kết.

Việc cắt giảm này, theo bà Vân, sẽ có tác động lớn đến nền sản xuất trong nước. Những ngành chịu tác động đầu tiên chính là những ngành hàng đang áp dụng thuế suất xuất nhập khẩu cao từ trên 20%.

Trong đó, dệt may, thủy sản, gỗ, giấy, máy móc thiết bị điện, điện tử… sẽ chịu những ảnh hưởng lớn. Đây là những ngành hàng phải thực hiện cắt giảm ngay từ khi gia nhập. Ngành dệt may được coi là chịu tác động nhiều nhất: tính chung mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân các sản phẩm và nguyên liệu sẽ thực hiện giảm ngay từ 37,3% xuống còn 13,7%. Cụ thể, dự kiến mặt hàng vải giảm từ 40% xuống còn 12%, mặt hàng sợi từ 20% xuống còn 5%, áo quần từ 50% còn 20%...

Vì vậy, theo bà Vân, dự kiến thời gian tới các mặt hàng quần áo, vải vóc từ nước ngoài sẽ có cơ hội thâm nhập do thuế suất nhập khẩu giảm đáng kể. Đặc biệt là quần áo từ các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông… là những sản phẩm vốn phù hợp với sở thích của người Việt Nam và giá cả cũng vừa phải. Tuy nhiên, do thuế nhập khẩu nguyên liệu vải và sợi cũng giảm, nên lại mở ra cơ hội cho các DN dệt may trong nước nâng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

Tương tự như vậy, các lĩnh vực khác cũng sẽ phải đối diện với việc hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa, và phải tận dụng việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để tăng cường sức cạnh tranh. Nhìn vào lĩnh vực hàng điện tử sẽ thấy rõ điều này. Đa số các nhà máy điện tử trong nước nhập linh kiện về lắp ráp. Trong khi đó thời gian tới, hàng nhập khẩu nguyên chiếc vốn được ưa chuộng hơn, sẽ được nhập về ồ ạt. Điều đó bắt buộc các DN trong nước phải nâng cao chất lượng, vì thuế suất lúc này gần như ngang nhau.

Về thu ngân sách, bà Vân cho biết, ước đoán lộ trình 5 năm đầu, mỗi năm sẽ giảm thu thuế nhập khẩu từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng. Theo bà Vân, mức giảm này không gây ra ảnh hưởng lớn đến ngân sách hoặc đến nền kinh tế. Nếu so với trong năm nay, tổng thu ngân sách là 258 nghìn tỷ, thì số giảm thu 1.500 tỷ chỉ bằng 0,58%.

Bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế của Bộ Tài chính, người tham gia trong đoàn đàm phán gia nhập WTO, cho biết: Mặc dù thuế nhập khẩu có cắt giảm, nhưng nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên, do nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và xuất khẩu cũng tăng. WTO không quy định các nước gia nhập phải giảm thuế xuất khẩu, nhưng về lâu về dài dần dần sẽ xóa bỏ. Trước mắt, thuế suất xuất khẩu Việt Nam đang ở mức cao, từ 35 đến 45%. Đây sẽ là nguồn bổ sung đáng kể. Dự kiến năm 2007, GDP tăng từ 0,8% đến 1%. Vì vậy, sự giảm thu này sẽ không khiến cho ngân sách giảm đi so với năm trước.

Nguồn: VietnamNet