VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Doanh nghiệp tư nhân “chưa lớn”

06/08/2010 - 478 Lượt xem

Quá trình tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước cùng với sự hình thành của hàng loạt tập đoàn kinh tế, với nòng cốt là các tổng công ty nhà nước lớn, dường như đang kích thích các doanh nghiệp tư nhân quan tâm tới các chiến lược phát triển, mở rộng quy mô của mình.

Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát về thực tiễn quản trị trong các doanh nghiệp vừa và lớn ở miền Bắc, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng Công ty tư vấn quản lý MCG tiến hành từ tháng 8 tới tháng 11 năm 2006 cho thấy, chìa khoá để mở rộng tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp tư nhân vào thời điểm này là các vấn đề thuộc về nội lực của doanh nghiệp.

Có thể nói, "bài toán" tái cơ cấu tổ chức quản lý, quản lý chiến lược, quản trị doanh nghiệp và nghiên cứu phát triển không chỉ khó với các doanh nghiệp nhà nước.

Cũng cần phải nói rằng, các doanh nghiệp tư nhân trong cuộc khảo sát này chủ yếu đang ở giai đoạn tăng trưởng và mở rộng, với 42% trong tổng số 91 doanh nghiệp có phản hồi hợp lệ và được xem xét. Có nghĩa là, các doanh nghiệp đã vượt qua được những khó khăn ban đầu để tự khẳng định mình cũng như để giảm thiểu những lực cản từ bên ngoài.

Theo phân tích của ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc Công ty tư vấn quản lý MCG, việc vượt qua được giai đoạn đầu đã giảm đáng kể những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận tài chính và đất đai. Cụ thể, chỉ còn 42% số doanh nghiệp ở giai đoạn II cho rằng khó tiếp cận các nguồn vốn, 32% cho rằng khó khăn trong vấn đề tiếp cận mặt bằng. Tỷ lệ này với các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu là 62% và 53%.

Như vậy, cùng với cơ hội từ bên ngoài do những thay đổi về cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh và đặc biệt là cơ hội của Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Thịnh cho rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi hay không, có thay đổi thực chất hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, trình độ và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp cùng bộ máy quản lý.

Song mấu chốt vấn đề dường như lại đang nằm ở chính bộ máy quản lý. Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với 63.000 doanh nghiệp trên cả nước, có một kết quả là 43% chủ doanh nghiệp có trình độ từ phổ thông trung học trở xuống.

Đương nhiên, ở trình độ này, việc tiếp cận và hiểu các công cụ quản lý hiện đại mới được du nhập là một thách thức lớn và đòi hỏi thời gian dài cho chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, một thực tế không mấy thuận lợi cho các doanh nghiệp là thị trường nguồn nhân lực quản lý và tư vấn quản lý vẫn chưa phát triển.

Hơn thế, không nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để sử dụng các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, bước chuyển từ quản trị thuận tiện sang quản trị khoa học có thể sẽ là lời giải để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn hơn. Song, theo kết quả khảo sát, có tới 63% doanh nghiệp trong giai đoạn này vướng phải những khó khăn trong tuyển dụng người tài, 55% khó khăn trong sử dụng và giữ chân nguồn nhân lực giỏi...

Tỷ lệ này tuy đã giảm tương ứng là 13% và 16% so với các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu, song vẫn lớn so với những khó khăn nội tại được các doanh nghiệp nhìn nhận (ví dụ như khó khăn trong mở rộng thị trường mới là 55%, trong huy động thêm vốn chủ sở hữu là 39%, trong quản lý sản xuất quy mô lớn là 42%...).

Thêm một điểm đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua là, vẫn có thể phát triển được với tốc độ tăng trưởng cao trong khi không cần áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, một phần vì yếu tố "quan hệ" trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Thêm vào đó, việc nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Cùng với sự bảo hộ của nhiều ngành, lĩnh vực, bức tranh hoạt động của doanh nghiệp càng trở nên phức tạp hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa trải qua một cuộc khủng hoảng suy thoái thực sự, nên chưa phải đối mặt gay gắt với vấn đề năng suất và hiệu quả, thay vì đầu tư mở rộng.

Tuy nhiên, cách thức quản trị này sẽ không thể tiếp tục khi bối cảnh đã thay đổi và quy mô doanh nghiệp cũng đã lớn lên. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn III với các kế hoạch phát triển thành tập đoàn hoặc công ty mẹ - công ty con.

Hiện nay, số doanh nghiệp này trong khảo sát chiếm khoảng 21%, một con số không nhỏ trong mối tương quan chung. Tuy vậy, các doanh nghiệp giai đoạn này lại đang trăn trở về cơ chế phân quyền và kiểm soát, sử dụng sức mạnh tổng hợp, chiến lược đầu tư mới cũng như vấn đề hợp nhất thương hiệu, tài chính, việc sáp nhập với các công ty độc lập có cùng dòng sản phẩm.

Một lần nữa, tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp lại có thể được coi là chìa khoá...

Nguồn: Đầu tư