VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Cải thiện mạnh hơn môi trường kinh doanh

06/08/2010 - 444 Lượt xem

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động quan trọng bên cạnh Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), vừa được tổ chức ngày 13/12/2006, với sự tham dự của đại diện cộng đồng các doanh nghiệp và Chính phủ.

Năm nay, diễn đàn đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tham vấn trao đổi giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Song song với việc xây dựng khung pháp lý là yêu cầu chống tham nhũng và hạn chế các chi phí không chính thức, đồng thời tăng cường tính minh bạch về mọi mặt kinh doanh.

Diễn đàn đã chứng kiến cả hai thái độ lạc quan và e ngại được biểu hiện rõ trong phần trình bày của nhiều diễn giả. Trong khi việc gia nhập có thể đồng nghĩa với gia tăng đầu tư nước ngoài thì thách thức tiếp theo là việc Việt Nam xây dựng cơ sở vững chắc hỗ trợ đầu tư tư nhân, duy trì mức đầu tư FDI và tăng trưởng kinh tế cao.

Đa số các ý kiến đối thoại tại diễn đàn đều cho rằng cơ sở này sẽ được hỗ trợ hiệu quả nhất với một số trụ cột như phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục và tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển giáo dục.

Chúng tôi xin giới thiệu trích đoạn một số góp ý của các đại diện khối kinh tế tư nhân cho việc cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh.

Bốn vướng mắc lớn cần tháo gỡ ngay

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

“Bên cạnh nhiều điểm sáng tích cực, theo phản ánh của cộng đồng kinh doanh trong nước, qua các cuộc điều tra của VCCI triển khai mới đây thì còn nhiều vấn đề cần lưu ý.

Chi phí không chính thức trong quan hệ giao dịch của các doanh nghiệp hiện vẫn cao. Gần 70% doanh nghiệp (trong số hơn 6.000 doanh nghiệp trả lời điều tra) cho rằng việc trả các khoản chi phí không chính thức là phổ biến; 74% doanh nghiệp đánh giá rằng việc chi trả các chi phí không chính thức là rất khó khăn hoặc khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp cận đất đai vẫn rất khó khăn đối với đa số các doanh nghiệp dân doanh Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhu cầu tiếp cận đất đai của doanh nghiệp hiện rất lớn: gần 63% doanh nghiệp qua điều tra của VCCI cho rằng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình nếu dễ dàng tiếp cận đất đai hơn. 72% doanh nghiệp đánh giá tính ổn định của mặt bằng kinh doanh là thấp hoặc rất thấp. Cơ chế định giá đất hiện chưa phù hợp, thủ tục còn phiền hà và tốn kém, đặc biệt rất chậm trễ ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Các thiết chế pháp lý ở Việt Nam hiện nay chưa hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đến 89% doanh nghiệp qua điều tra lựa chọn cách đầu tiên để giải quyết khi có tranh chấp là “tự đàm phán và dàn xếp” mà không đưa ra cơ quan toà án. Khá nhiều doanh nghiệp chưa tin tưởng vào chất lượng giải quyết tranh chấp của hệ thống cơ quan tư pháp hiện nay, có đến 28% doanh nghiệp (đã từng đưa vụ việc ra toà án) đánh giá rằng toà án giải quyết không công bằng tranh chấp của mình, 26% doanh nghiệp không thi hành được bản án của mình.

Giấy phép kinh doanh và các quy định liên quan đến kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá vẫn rất phiền hà. Gần đây, VCCI đã tiến hành rà soát thử 37 loại giấy phép kinh doanh của một số ngành. Kết quả cho thấy 100% số giấy phép được đánh giá là có điều kiện cấp phép hoặc không minh bạch hoặc không có ý nghĩa; 89% số giấy phép rà soát có vấn đề về thủ tục cấp phép. Để nhận được tất cả các giấy phép cần thiết, qua khảo sát của VCCI có đến gần 18% doanh nghiệp mất từ 30 đến 90 ngày.

Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị Nhà nước thực hiện các nhóm giải pháp lớn như sau:

- Thực hiện quyết liệt hơn nữa các chương trình cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch về thủ tục, loại bỏ các giấy phép kinh doanh không cần thiết, cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp;

- Đổi mới cơ chế quản lý đất đai, áp dụng cơ chế giá thị trường cho các giao dịch về đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai một cách dễ dàng hơn;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp (toà án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án...) để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập sắp tới.”

Chính phủ cần hỗ trợ các hiệp hội

Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội

“Một nền hành chính chưa mấy phục vụ sản xuất là cảm nhận của chúng tôi trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam vào WTO. Tham gia tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này sẽ mở ra những cơ hội to lớn cho mọi tổ chức và cá nhân, nhưng “nó” không chia đều cho mọi người.

Cơ hội trước hết sẽ dành cho những ai có năng lực (tài chính, công nghệ, và thị trường) nắm vững thông tin, có khả năng phân tích các tác động của các cam kết đối với lĩnh vực hoạt động của mình, để tiến hành điều chỉnh vượt qua những thách thức, và tận dụng được cơ hội do WTO đem lại.

Lợi thế này, trước hết thuộc về các nhà doanh nghiệp FDI, lượng vốn đầu tư trực tiếp 11 tháng qua là một minh chứng.

Còn đối với doanh nghiệp trong nước, có thể nói trước mắt thách thức nhiều hơn cơ hội, vì 90% doanh nghiệp có qui mô nhỏ và vừa, tạm thời chưa đủ khả năng và kinh nghiệm khi bước vào sân chơi lớn.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, Chính phủ nên “hỗ trợ” các hiệp hội, để hiệp hội có điều kiện nghiên cứu, phân tích, đánh giá, thông báo cho các thành viên những tác động từ việc gia nhập WTO.

Tuy nhiên, Chính phủ (với vai trò là người “ký kết” người “cầm trịch” trong việc thực hiện các cam kết WTO), vẫn có vai trò to lớn trong việc phổ biến và tập huấn cho các doanh nghiệp, hiểu rõ nội dung và lộ trình thực hiện các cam kết.”

Tiếp tục cải cách hành chính công

Ông Đặng Đức Dũng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội

“Cùng với các nỗ lực về cải cách hành chính, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chúng tôi đề nghị Chính phủ kiên trì thúc đẩy việc áp dụng mô hình quản lý hành chính công hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy năng suất lao động trong cơ quan công quyền, tinh giảm biên chế, cải cách chế độ lương, bổng, thưởng phạt...

Chính phủ nên tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để rà soát các vướng mắc trong một số luật quan trọng đối với doanh nghiệp như Luật doanh nghiệp (tính pháp lý của điều lệ, đại hội cổ đông, chuyển đổi sở hữu, người điều hành...), Luật sở hữu trí tuệ (xét duyệt các đơn trước thời điểm áp dụng 1/7/2006, thẩm định, giám định).

Chính phủ nên cân nhắc tới các ngành nghề vẫn còn có điều kiện (viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, trò chơi điện tử...) để bỏ các giấy phép con hiện nay đang tiếp tục ra đời cản trở việc đăng ký hành nghề của doanh nghiệp, trong khi cạnh tranh từ quốc tế sau khi gia nhập WTO đã đến, các doanh nghiệp Việt Nam với các rào cản hành chính hay phi kỹ thuật sẽ nguy cơ mất thị trường ngay trên chính sân nhà.”

Năm khuyến nghị với Chính phủ

Ông David Knapp, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham)

“Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ gia tăng đầu tư từ phía Hoa Kỳ do thực thi đúng đắn cam kết sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp tục xây dựng nền tảng cho cơ hội và sự phát triển đã được hình thành trong vòng 15 năm qua?

Trước hết, Việt Nam cần phải nâng cao tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng mới. Tăng trưởng nhanh chóng đang gây ra sức ép đối với cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, và điều này có thể gây trở ngại đến đầu tư trực tiếp nước ngoài cho sản xuất và xuất khẩu.

Sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính và quản lý là rất cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực điện năng lượng và cảng biển nước sâu. AmCham đã trình các đóng góp và dự thảo về các dự án điện năng lượng và cảng biển.

Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ giải quyết ngay lập tức các vấn đề phát sinh về cơ sở hạ tầng bằng cách cho phép và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính.

Thứ hai, Việt Nam nên nâng cao bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ kìm nén đầu tư sáng tạo, đe doạ sức khoẻ và an ninh cộng đồng, và giảm nguồn thu của Nhà nước. Các điều luật là quan trọng nhưng nếu không được thực thi một cách mạnh mẽ, thống nhất và triệt để thì cũng không có nhiều ý nghĩa.

Thứ ba, Việt Nam phải làm tốt hơn nữa trong việc xoá bỏ tham nhũng. Đã có những tiến triển trong vòng hai năm qua. Đặc biệt, báo chí đã hoạt động rất tích cực. Chính phủ cũng đã hành động để loại bỏ các quan chức tham nhũng và xử phạt thoả đáng.

Tuy nhiên, các hệ thống quản lý hiện nay vẫn chưa đủ để ngăn cản các quan chức tham nhũng phê duyệt trái phép các nguồn vốn dành cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng. Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ định và các nhà tài trợ hỗ trợ các nhà thẩm định độc lập đối với các dự án cơ sở hạ tầng có nguồn vốn ODA để đảm bảo việc đấu thầu và dự án được thi hành trong môi trường trong sạch; chúng tôi cũng đề nghị thành lập một Tổ điều tra và xử phạt cơ sở hạ tầng công cộng để điều tra và xử phạt các trường hợp tham nhũng trong các dự án liên quan đến nguồn vốn ODA.

Thứ tư, mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ, các nhà đầu tư Hoa Kỳ mong muốn có sự đảm bảo pháp lý tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cần phải chắc chắn các hợp đồng họ ký sẽ được bảo vệ dưới pháp luật và các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách công bằng.

Cuối cùng, Việt Nam cần phải cải thiện hệ thống giáo dục. Thách thức hiện đại hoá hệ thống giáo dục là một trong những thành phần quan trọng nhất trong công cuộc toàn cầu hoá của đất nước, và trực tiếp ảnh hưởng đến các chọn lựa và tiềm năng của thế hệ tương lai.

Luật cần sát thực tế hơn nữa

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp.HCM

“Xung quanh việc ban hành, thi hành và tìm hiểu các bộ luật, Hội Doanh nhân trẻ Tp.HCM nhận thấy những năm gần đây Quốc hội đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật qua việc xem xét và thông qua số lượng đáng kể các bộ luật.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là một số luật đã được ban hành nhưng vẫn còn chờ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Kết quả là các cơ quan hành chính lúng túng khi áp dụng luật và hệ quả là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Luật Đầu tư có hiệu lực 1/7/2006, nhưng hướng dẫn đăng ký kinh doanh một số ngành nghề trong đó có nghề tư vấn có vốn đầu tư nước ngoài được ban hành khá muộn nên các doanh nghiệp xin thành lập đã phải chờ đợi, gây tâm lý thất vọng cho nhà đầu tư.

Hiện nay, hầu hết các dự án luật vẫn còn được soạn thảo và đệ trình Quốc hội bởi các bộ ngành thuộc Chính phủ nên vẫn còn mang nặng tư duy quản lý. Bên cạnh đó, việc đưa các dự án luật ra lấy ý kiến doanh nghiệp (và người dân) vẫn còn mang tính hình thức và việc tiếp thu chỉnh sửa chưa được như mong đợi.

Có một sự thật là các hội viên Hội doanh nhân trẻ Tp.HCM khi được đề nghị đóng góp cho các dự án luật thông qua các buổi hội thảo, diễn đàn,... thường từ chối tham gia hoặc e ngại, lẩn tránh. Nguyên nhân, theo các hội viên là những cuộc đóng góp ý kiến đã không được tiếp thu thấu đáo, hoặc việc tiếp thu không chuyển thành những sửa đổi khi ban hành luật.

Đáng lo ngại hơn là các hội viên có nhận xét rằng giữa việc ban hành luật và áp dụng luật còn có khoảng cách xa hoặc chậm trễ, là môi trường thuận lợi cho sự tuỳ tiện, nhũng nhiễu của một số quan chức. Vì vậy thay vì tham gia các diễn đàn, hội thảo với kết quả vẫn còn khá khiêm tốn, một số doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp “làm luật” tại chỗ, dù họ biết rằng điều đó là không hợp pháp.

Tìm hiệu luật khi tham gia WTO cũng là vấn đề lớn đang đặt ra cho các doanh nghiệp. Gia nhập WTO là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi có được những điều kiện kinh doanh bình đẳng cả trong và ngoài nước. Mặt khác, đại dương WTO cũng tiềm ẩn những rủi ro và hiểm nguy mà nếu không nắm vững các quy luật dự báo và ứng cứu, các con tàu doanh nghiệp Việt Nam sẽ lao đao, khốn đốn.

Tuy nhiên WTO có những chính sách, luật chơi khá rõ ràng. Vì lẽ đó chúng tôi hết sức hoan nghênh Bộ Thương mại đã chủ trì phối hợp cùng các hiệp hội phổ biến rộng rãi các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Nhưng chúng tôi cũng đề nghị Bộ Thương mại phối hợp với các hiệp hội, các luật sư trong và ngoài nước có kinh nghiệm, các đại diện của hiệp hội các quốc gia có mặt tại Việt Nam cùng phân tích, dự báo và truyền đạt các kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam để có chuẩn bị tốt hơn khi tham gia và hành xử các luật chơi của WTO.”

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam