VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Những lý do khiến TTCK bùng nổ vào cuối năm (15/12)

06/08/2010 - 241 Lượt xem

Không chỉ dừng lại ở ngưỡng 740 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm 14/12 tiếp tục tăng tốc và đưa chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 750 điểm lên một “tầm cao mới”, mức 757,17 điểm.

Sàn HN hiện cũng đã có 35 cổ phiếu với tổng giá trị niêm yết lên đến 8.180 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, chỉ số HASTC-Index của Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng tăng 7,89 điểm lên mức 240,23 điểm - cao nhất trong 1 tháng qua.

Với những biến động mãnh liệt đó, câu hỏi chung được đặt ra là nhờ đâu và liệu sẽ tới đâu?

Một vài nguyên nhân

Trao đổi với một đơn vị chuyên cung cấp thông tin chứng khoán và đầu tư tại Việt Nam là
Hãng cung cấp thông tin kinh doanh ATP, chúng tôi thấy có nổi lên một số nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, một nguyên nhân có tác động lớn và lâu dài là việc VN vào WTO, và song song với đó là việc tổ chức thành công APEC. Cả hai sự kiện này đều đã và đang tiếp tục tạo được ấn tượng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và đó là tín hiệu của những dòng đầu tư. Làn sóng đầu tư trực tiếp (FDI) và cả gián tiếp (FII) hứa hẹn sẽ đổ vào VN.

Thứ hai, việc Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua việc trao PNTR cho VN đã gần như tháo gỡ một rào cản cuối cùng nhưng then chốt trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Dòng vốn đầu tư từ Mỹ tới bất cứ nước nào cũng được chú ý cao, bởi đó là một kênh rất quan trọng với số lượng và chất lượng thường là vượt trội. Đây là dòng vốn đầu tư mang tính chất quyết định với nhiều nước. Đại sứ Hoa Kỳ tại VN Michael Marine dự báo rằng năm tới, đầu tư của Mỹ vào VN có thể tăng gấp đôi so với con số hiện tại.

Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội làm ăn lớn với đối tác đến từ Mỹ, với những thương vụ lớn (theo các nhà máy gia công may ở Hưng Yên, một đơn hàng của đại gia may mặc JC Penny có thể đảm bảo việc làm cho hàng ngàn công nhân của các nhà máy may ở VN trong vài năm); hoặc những vụ đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD (trường hợp đầu tư tiền tỷ của Intel vừa qua là ví dụ đầu tiên).

Thứ ba, VN vừa được xếp trong top các nước có môi trường đầu tư tốt nhất 2006. Đây lại cũng là một tin cực kỳ thuận lợi nữa củng cố niềm tin rằng làn sóng đầu tư FDI và FII sẽ đổ vào VN...

Cụ thể, đánh giá của các công ty Nhật Bản trong báo cáo điều tra mới nhất của JBIC về triển vọng đầu tư tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 về mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vị trí này của Việt Nam đã tăng 1 bậc so với năm ngoái và Việt Nam đã vượt lên thế chỗ của Thái Lan trong bảng kết quả điều tra này.

Thứ tư, trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ 2006, Ngân hàng thế giới (WB) đã đánh giá cao kế hoạch 2006 - 2010 của Việt Nam, cho đó là một chiến lược đáng tin cậy và bền vững về mặt tài chính để khuyến khích tăng trưởng. Nhận định chung là các nhà tài trợ quốc tế sẽ cam kết tiếp tục duy trì viện trợ cho VN.

Ngoài ra, các nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp tăng tốc và đưa chỉ số VN-Index lên một “tầm cao mới” là việc Credit Suisse được cấp TK giao dịch CK ở VN, hay việc các nhà ĐTNN mua mạnh tạo "cảm hứng" cho các nhà đầu tư khác trên các sàn...

Một nguyên nhân nữa là sự tham gia vào TTCK của đông đảo các nhà đầu tư mới. Sau những khoá học ngắn hạn hay những tìm tòi của riêng mình, từng lớp, từng lớp các nhà đầu tư mới bước vào các sàn với sự háo hức và với túi tiền thực sự cũng nhiều hơn trước, theo đà tăng trưởng của cả nền kinh tế VN.

Nguy cơ, điều không thể thiếu trên sàn

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, TTCK tăng mạnh mẽ như trên một phần là do giá chào sàn của các cổ phiếu trên là khá cao do các nhà đầu tư đã quá “hưng phấn” với sự tăng trưởng ngoạn mục của TTCK Việt Nam trong vài tuần vừa qua.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư đặt niềm tin quá lớn vào các DN này với lý do đây là các DN đầu ngành. Trong khi hầu hết các chỉ số phân tích cơ bản đều kém hấp dẫn hơn mức trung bình của thị trường nhiều lần.

Bên cạnh đó, nỗi lo về việc có thực sự thu hút và giữ được chân các nhà đầu tư ở lại lâu dài với VN hay không vẫn còn đó. Như băn khoăn của Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Võ Hồng Phúc, những quan ngại về môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn đó, trong đó hạ tầng yếu kém, xây dựng pháp luật chưa theo kịp và chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, năng lực cạnh tranh của nước ta còn thấp, nhân lực cao cấp thiết hụt... là những nhân tố "day dứt" nhất.

Còn báo cáo tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam của Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy các chỉ số quan trọng trong kinh doanh của VN năm nay đều giảm. Các DN nước ngoài tham dự Diễn đàn cho biết, tham nhũng và yếu kém về thực thi luật pháp khiến họ ngần ngại trong việc mở rộng kinh doanh tại VN...

Do vậy, nói như một nhà đầu tư vui tính trên sàn Hà Nội, "TTCK càng tăng tốc thì càng phải thắt đai an toàn cho chặt!"

Nguồn: VietnamNet