VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Ưu tiên ODA cho hạ tầng kinh tế quy mô lớn

06/08/2010 - 487 Lượt xem

Trong giai đoạn từ nay đến 2010, Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5-8%, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 1.050-1.100 USD, với mục tiêu đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Trong số 140 tỷ USD vốn đầu tư kể trên, Việt Nam kỳ vọng mức giải ngân vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đạt 11 tỷ USD.

"Chúng tôi chủ trương ưu tiên vốn ODA cho các công trình hạ tầng kinh tế có quy mô lớn, nhằm tạo bước đột phá và tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục tăng trưởng cao trong thời kỳ sau 2010. Việt Nam phấn đấu đến 2020, sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng quy mô lớn ở Hà Nội, TP HCM, các tuyến giao thông liên vùng (tuyến Bắc Nam), hai hành lang một vành đai kinh tế, trục giao thông Đông - Tây, giao thông ĐBSCL... Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết tiếp tục thúc đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, lành mạnh hoá các ngân hàng thương mại, đẩy nhanh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng.

Vụ tiêu cực tại Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18) cũng được phía Việt Nam chủ động nêu ra tại hội nghị sáng nay. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, vụ việc này có liên quan đến trách nhiệm, sai phạm của một số đơn vị, cá nhân, song không ảnh hưởng tới chất lượng các công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA.

Hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ Việt Nam cùng đại diện 50 nhà tài trợ đã tham dự phiên khai mạc sáng nay và sẽ cùng nhau đối thoại về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, hội nhập quốc tế, khu vực và các vấn đề liên quan tới thủ tục, giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng ODA.

Đại diện các nhà tài trợ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là sự kiện Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tổ chức thành công APEC 2006... Trao đổi với báo chí trước khi diễn ra phiên họp chính thức hôm nay, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland cho biết, năm 2007 Việt Nam có thể hy vọng mức tài trợ ODA tương đương, thậm chí cao hơn năm nay.

Tuy nhiên, cũng còn không ít băn khoăn về thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

"Thách thức lớn nhất vẫn là làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và đảm bảo tăng trưởng có chất lượng. Chính phủ đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình. Song vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có đủ nguồn lực để đạt được điều này mà vẫn đảm bảo kiểm soát nợ nần ở mức an toàn?", đại diện phái đoàn Thuỵ Sĩ băn khoăn.

Hàng loạt vấn đề còn tồn tại đã được các nhà tài trợ nêu ra khi bàn về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 như lạm phát, an ninh năng lượng, đầu tư, tín dụng, đổi mới khu vực kinh tế Nhà nước và đặc biệt là cải cách hệ thống ngân hàng.

Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu nêu lên những quan ngại của các doanh nghiệp khu vực EU về tiến trình cổ phần hoá, việc thực thi các quy định liên quan tới Luật Đầu tư chung cũng như cải cách hệ thống ngân hàng. Theo đại diện EU, những khúc mắc này, nếu không được quan tâm giải quyết triệt để, sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của giới kinh doanh. "Chúng tôi đánh giá cao những bước tiến của Việt Nam trong công cuộc hiện đại hoá kinh tế, đổi mới hệ thống pháp luật. Song việc thực thi các cam kết WTO đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc đẩy nhanh tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát triển nền tài chính công".

Quan tâm nhiều hơn tới vấn đề xoá đói giảm nghèo, đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế khuyến nghị các chính sách tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nên có trọng tâm hướng về người nghèo và các vùng nông thôn nhiều hơn. Trong đó, nên tăng cường các loại hình sản xuất để tạo ra sản phẩm có tiềm năng cao, mang lại lợi ích về thu nhập và việc làm cho người nghèo. Theo khuyến cáo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, Việt Nam nên tận dụng tính mềm dẻo trong việc sắp xếp thứ tự và đặt ưu tiên khi thực hiện cam kết WTO, để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một vấn đề rất quan trọng khi đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Hôm qua, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam bên thềm hội nghị CG đã diễn ra tại Hà Nội với hơn 500 đại biểu tham dự, trong đó có hơn 200 đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp và các công ty và 100 quan chức cấp cao của các cơ quan chính phủ. Các bên tham dự đã đối thoại và đề xuất những đóng góp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại việt Nam.

Song Linh

Nguồn: vnexpress.net, ngày 14/12/2006