VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi lớn” (11/12)

06/08/2010 - 199 Lượt xem

Phỏng vấn ông Walter Blocker, chủ tịch phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại TP.HCM:

Phản ứng của ông và các doanh nghiệp Mỹ tại VN khi nghe tin Quốc hội Mỹ thông qua Qui chế PNTR với VN?

- Tôi nhận được tin vui đúng vào dịp AmCham tổ chức đêm gala kết thúc năm 2006 vào tối 9-12. Khi tôi thông báo qui trình thông qua PNTR với VN đã hoàn tất, cả gian phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Ai nấy đều vui mừng vì những nỗ lực không mệt mỏi của AmCham và các thành viên trong việc gây ảnh hưởng nhằm đem lại một kết quả tích cực, nhanh chóng cho PNTR với VN đã được đền đáp xứng đáng.

* Xét về góc độ kinh tế, dự luật PNTR có ý nghĩa gì?

- Việc thông qua PNTR và VN trở thành thành viên của WTO sẽ giúp đem lại nhiều đầu tư hơn từ Mỹ vào VN. Dù Mỹ đã là một nước đóng góp đáng kể cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN thông qua đầu tư trực tiếp từ Mỹ hoặc thông qua các nước thứ ba, nhưng những gì tốt đẹp nhất vẫn chưa đến. Tôi cho rằng sẽ có những thay đổi kinh tế lớn hơn trong thập kỷ tới so với những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong thời kỳ đổi mới.

* Ông dự báo như thế nào về giao dịch thương mại Mỹ - Việt sau sự kiện này?

- Hẳn các bạn cũng biết VN đã tiếp cận thị trường Mỹ hết sức thuận lợi kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ được phê chuẩn vào đúng ngày này năm năm trước, 11-12-2001. Từ đó đến nay xuất khẩu từ VN vào thị trường Mỹ đã tăng vọt lên gần 8 tỉ USD/năm. Nhưng xuất khẩu từ Mỹ vào VN tăng với tốc độ chậm hơn. Từ nay các công ty Mỹ sẽ có thể cạnh tranh trong những lĩnh vực kinh tế trước đây từng được VN bảo hộ.

* Các doanh nghiệp VN cần làm gì để tận dụng tối đa lợi thế có được từ sau sự kiện này?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn kể câu chuyện của một trong những doanh nghiệp hiện nay của AmCham như một ví dụ. Chúng tôi có một nhà máy ở Đồng Nai chuyên sản xuất thức uống tiệt trùng như sữa, nước ép trái cây và trà. Khi VN sắp ký kết các thỏa thuận thương mại như AFTA và gia nhập WTO, chúng tôi lúc nào cũng canh cánh lo sợ mình không đủ khả năng, sợ sức cạnh tranh mới sẽ đe dọa kế hoạch kinh doanh của công ty.

 Lúc ấy tôi chỉ dồn mọi lo lắng vào những đe dọa chứ không nghĩ đến những lợi thế mà tự do thương mại sẽ đem lại. Nhưng thực tế cho thấy nhờ kết quả của WTO và các thỏa thuận thương mại, chúng tôi đã có thể cạnh tranh trong khu vực và xuất khẩu sản phẩm của mình đến nhiều đối tượng tiêu dùng hơn. Tự tin vào năng lực và biết nắm bắt cơ hội, đó sẽ là chiếc chìa khóa giúp các doanh nghiệp VN thành công trong tương lai.

THANH TRÚC thực hiện

*“PNTR đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với VN và sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Quyết định này sẽ đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ với VN, đồng thời đảm bảo rằng Mỹ được chia sẻ những lợi ích có được từ việc VN mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Người Mỹ hoan nghênh quá trình chuyển đổi rõ rệt cùng tiến trình phát triển kinh tế ở VN, và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hai nước”. (Phát biểu của Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 9-12 sau khi Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với VN)

* “Việc thông qua PNTR không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là một cam kết hợp tác giữa Mỹ với VN để hàn gắn những vết thương chiến tranh”. (Rob Simmons, đại biểu Đảng Cộng hòa bang Connecticut, đồng thời là cựu binh tham chiến ở VN) 

 

Vì sao có Qui chế PNTR?

PNTR là viết tắt của Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Qui chế thương mại bình thường (NTR) Mỹ sử dụng chính là Qui chế tối huệ quốc (MFN) mà WTO và nhiều nước trên thế giới hiện vẫn còn sử dụng. Năm 1948, Mỹ tham gia Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) - tổ chức tiền thân của WTO. Vào thời điểm đó, Mỹ đồng ý trao MFN cho tất cả các quốc gia thành viên khác. Qui chế này cũng được trao cho một số quốc gia không phải là thành viên của GATT. Năm 1951, Quốc hội Mỹ yêu cầu tổng thống Harry Truman thu hồi MFN đã được trao cho Liên bang Xô viết cũ và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là không được trao MFN, hoặc là phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để được trao qui chế này.

Tính đến tháng 5-1997, VN, Afghanistan, Cuba, Lào, CHDCND Triều Tiên, Serbia & Montenegro là những nước nằm ngoài danh sách NTR/MFN. Năm 2001, VN được trao NTR nhưng trên cơ sở xem xét theo từng năm.

Các nước muốn có NTR vĩnh viễn (PNTR) phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản: tuân thủ các điều khoản Jackson - Vanik của Bộ luật thương mại năm 1974 (qui định tổng thống Mỹ công nhận một quốc gia không từ chối hoặc cản trở quyền hay cơ hội di cư của công dân nước mình) và đã ký kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ.

Khi VN ký hiệp định thương mại với Mỹ, hai nước đã thống nhất sẽ dành cho nhau NTR. Để VN có thể hưởng NTR từ Mỹ trong khi điều khoản Jackson - Vanik vẫn còn hiệu lực đối với VN, những năm trước đây hằng năm tổng thống Mỹ vẫn phải gia hạn việc miễn áp dụng điều khoản này đối với VN. Nhưng khi VN gia nhập WTO, luật của tổ chức này qui định tất cả thành viên của WTO phải dành cho nhau NTR/MFN vô điều kiện và ngay lập tức. Do đó việc Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với VN là cần thiết và đáp ứng đúng qui định của WTO.

(Theo Wikipedia, AmCham

Nguồn: tuoitre.com.vn, ngày 11/12/2006