VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Có th? thay đ?i "cá tính" dân t?c? (06/12)

06/08/2010 - 257 Lượt xem

Gia nhập WTO là cột mốc lớn của lịch sử dân tộc Việt

 

Thưa GS, trong thời gian vừa qua, dư luận đã nói nhiều đến thời cơ và thách thức của việc Việt Nam gia nhập WTO. Đa số đều nhận định rằng đây là động lực thúc đẩy buộc Việt Nam phải thay đổi để bay lên. Là cơ hội để chúng ta  cởi bỏ  lực cản, khơi thông ách tắc và mỗi con người được phát huy tốt nhất năng lực của mình. Và  khi đối diện với cơ hội lớn và thách thức lớn cũng là thời điểm để mỗi  người Việt Nam - chứ không phải chỉ có cơ quan Nhà nước như chúng ta thường nói -  nhìn lại những điểm yếu, là vật cản  bước tiến của mình. Có người đã nói cơ hội này có thể mở ra một trào lưu mới như thời kỳ Phục hưng ở Phương Tây cuối TK13 đầu TK15 hoặc kỷ nguyên khai sáng TK18 mà đi đầu là sự thay đổi về hình ảnh con người, về văn hoá.

Vì thế, VietNamNet mở cuộc vận động "Bay lên Việt Nam" - cái tên nghe có vẻ lãng mạn, bay bổng nhưng phản ánh được khát vọng và vận hội của đất nước - với mong muốn cùng xã hội tạo ra cuộc vận động thay đổi về cách nghĩ, về lối sống, về biểu hiện văn hoá... nói chung là tạo ra một cuộc "làm mới" con người Việt Nam để đất nước Việt Nam bay xa, bay cao, xứng đáng với truyền thống con Rồng, cháu Tiên. Với cuộc vận động đó, việc đầu tiên là mỗi người có thể tham gia bằng cách gửi ý kiến đóng góp - ví dụ như trả lời cho câu hỏi: "Chúng ta có những thói xấu gì cần  phải thay đổi, phải làm tốt điều gì nhất...?"...

-  Tôi cho rằng, sau này nhìn lại, chắc chắn sẽ có sự đánh giá việc gia nhập WTO sẽ là một cột mốc lớn của lịch sử dân tộc. 

Công cuộc đổi mới của đất nước đang tạo ra những động lực mới, cơ hội mới cho Việt Nam .Việc gia nhập WTO là thời cơ lớn cho chúng ta, nói là phục hưng cũng đúng vì đổi mới đất nước là để mở ra công cuộc phục hưng. Nhưng phục hưng của chúng ta trong bối  cảnh toàn cầu nên sẽ rộng hơn phục hưng của Ý trước đây. Vì thế, ta cần sự chủ động và những bước tiến táo bạo để có thể tận dụng được những gì mà cơ hội này đem tới. Báo chí nước ngoài cũng đã nhiều lần nhắc đến cụm từ: "Việt Nam cất cánh".

Với sự kiện trọng đại này, người ta cũng phân tích kỹ về thuận lợi và thách thức. Và trong đó, thách thức, khó khăn không phải là nhỏ.

Nhưng ngay cả trong thách thức  thì cũng đã chứa đựng cả thuận lợi bởi khó khăn sẽ thúc đẩy chúng ta phải vươn lên. Hơn nữa, trước đây chỉ có chúng ta tự nỗ lực, còn bây giờ có cả ngoại lực thúc đẩy. Và với lực đẩy đó, chúng ta không thể không vươn lên bởi cả dân tộc không thể thất bại trong một cuộc thử thách mới trong sân chơi toàn cầu.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ bay lên được bởi cả dân tộc không thể thất bại. Nếu có chăng là chỉ có sự lụn bạn đi của một số đơn vị riêng lẻ không chuẩn bị và không đủ sức cạnh tranh. Nếu ai bỏ lại trong cuộc chơi thì đó cũng là điều bình thường của quy luật đào thải trong xu thế toàn cầu hoá, không nên coi là sự thất bại...

Nhưng muốn bước tới và bay cao, bay xa thì phải hiểu rõ mình, đó cũng là tiền đề của thành công. Chúng ta phải thừa nhận mình vẫn còn là nước nghèo. Qua các bảng xếp hạng cạnh tranh kinh tế toàn cầu, về thu nhập bình quân đầu người GDP thì Việt Nam vẫn ở vị trí thấp, về chỉ số phát triển con người trong những năm gần đây có khá hơn, nhưng nói chung thì Việt Nam vẫn nằm trong số những nước nghèo hay trong số những "nước đang phát triển", và ai đó thẳng thắn nói rằng chúng ta "chậm phát triển" thì cũng không có gì là sai. Xuất phát của chúng ta còn thấp như thế, để có thể sánh vai với các siêu cường hoặc các nước phát triển ở mức cao không phải là điều dễ dàng...

Phải vượt bỏ sự chi phối của quán tính mới "bay" được!

... Vậy theo GS, muốn tạo nên sức bật  lớn thì phải bắt đầu thay đổi từ đâu?

Muốn tạo nên sự thay đổi thì cần phải giải phóng tư duy. Tư duy của nhiều tầng lớp còn hạn chế. Trước đây ta kêu gọi đổi mới tư duy kinh tế và từ đó đã tạo nên bước tiến lớn trong nông nghiệp, trong kinh tế. Bây giờ, ta cần đổi mới tư duy trên tất cả các phương diện, kể cả văn hoá, xã hội, chính trị.

Cản trở lớn nhất của chúng ta bây giờ là sức ỳ, là tư duy không phù hợp với nhu cầu phục hưng của đất nước, với nhu cầu hội nhập, vì thế nên nhiều khi ta có cố gắng thay đổi nhưng chưa bật lên được như mong muốn.

Nhìn lại quá khứ gần đây, dường như ta chịu sự chi phối của quán tính rất nặng. Chỉ khi đứng trước một thực tế cấp bách, đứng trước những vấn đề không thể không giải quyết thì ta 'tỉnh" ngay và vượt qua rất tốt đẹp. Nhưng khi mọi chuyện trở lại đều đều thì quán tính cũ lại níu kéo. Bây giờ lịch sử không cho phép ta theo sau như thế, tư duy phải đi trước để có được nhận thức toàn diện và chủ động tìm ra giải pháp hiệu quả.

Nếu học theo sẽ mãi mãi đi sau

Qua cách phân tích đó của GS càng khẳng định rằng mỗi dân tộc phải tự tìm lối đi riêng cho mình chứ không phải là cứ nhìn xung quanh rồi nghĩ là nước nào đó có điều kiện giống mình để nhìn họ và lấy đó để làm gương học tập. Không học theo, không bắt chước cũng là một cách bảo vệ bản sắc văn hoá?

- Nếu làm như thế thì chúng ta sẽ luôn luôn là kẻ đi sau, không có hi vọng đuổi kịp người ta chứ nói gì đến vượt qua hay đón đầu. Nhưng ngược  lại, trong chúng ta cũng có quan niệm mang tính biệt phái và bảo thủ cho  rằng: mình là Việt Nam nên mọi thứ đều xuất phát, suy nghĩ từ Việt Nam, không cần học nước ngoài.

Tư duy cường điệu về một cực như vậy thì không bao giờ có thể phát triển tốt được.

Dĩ nhiên mọi việc phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, nhưng đồng thời phải mở rộng cửa giao lưu với thế giới, phải biết học tập và tiếp thu  những cái hay của nước ngoài, của văn minh nhân loại.  Trong xu thế toàn cầu hóa, trong giao lưu và hội nhập của thời đại hiện nay, chúng ta phải xây dựng một nhận thức và phượng pháp tư duy mới.  Bảo vệ đa dạng văn hóa của thế giới, bảo vệ bản sắc văn hóa của từng dận tộc là rất cần thiết nhưng  quan niệm về bản sắc dân tộc như thế nào cũng phải thay đổi, không phải cứ mặc áo dài khăn đóng mới là bản sắc văn hoá. Quan niệm giản đơn kiểu đó cũng cần phải thay đổi. Theo tôi, với văn hoá lại càng cần tư duy mới.

- Nếu nói về bản sắc văn hóa thì cốt cách, nhân cách, cái hồn bên trong mới là quan trọng?

- Những biểu hiện văn hóa (cái ăn, mặc, ở, đi lại...) trong từng giai đoạn đều có biến đổi, mà phải có biến đổi thì mới phù hợp với quy luật tiến hóa, quy luật lịch sử. Điều quan trọng là trong sự biến đổi không ngừng đó ta giữ được gì là cái đặc sắc nhất của Việt Nam, mà nhìn vào là biết đây là cái chất Việt Nam, cái phong cách Việt Nam không lẫn vào đâu được. Nếu nói một cách trừu tượng thì đó là cái thần, cái hồn, cái cốt cách Việt Nam. Quan trọng nhất là giữ cái hồn, cái thần thái, cái bản lĩnh đó. Còn nếu giữ một vài biểu hiện bên ngoài thì chỉ mới là những trang sức mang tính biểu diễn thôi.

Thay đổi lớn nhất: Nghĩ trước, bước sau...

Trong cuộc vận động "Bay lên Việt Nam", chắc chắn chúng ta sẽ phải kêu gọi  thay đổi tư duy, thay đổi cả cách nghĩ cách làm. Nhưng quan trọng vẫn là sự thay đổi của các tầng lớp xã hội, của từng con người?

- Nhìn lại công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước trong  những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20, ta nhận thấy những người khởi xướng chính là những người nông dân lao động trong hợp tác xã, rồi đến các lãnh đạo địa phương. Những ràng buộc của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã đẩy họ vào bước đường cùng và buộc họ phải bứt phá, từ đó có những sáng tạo cấp tiến.

Nhưng trong giai đoạn mới này, chúng ta phải thay đổi cá tính đó, không thể cứ đến khi bị đẩy vào bước đường cùng thì mới tỉnh ra. Bây giờ yêu cầu đặt ra là tư duy phải đi trước một bước. Và các nhà lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm trước dân tộc, có tầm nhìn và dẫn dắt dân tộc đi theo đúng nguyện vọng của toàn dân, phù hợp với qui luật của thời đại.

 Để làm được điều đó thì lãnh đạo phải có tầm nhìn, có suy nghĩ, nhưng quan trọng nhất là phải qui tụ và tổng hợp được tất cả các suy nghĩ sáng tạo của dân chúng, của các tầng lớp xã hội, nghĩa là trí tuệ của nhân dân. Vai trò của giới khoa học, văn hóa sẽ rất quan trọng.

Tập hợp trí tuệ của những người tinh hoa để bay lên

Lãnh đạo sẽ phải cần thông tin từ những người hiểu sâu chuyên môn, có cái tâm tốt, trong sáng, không bị bóp méo. Như thế họ sẽ có quyết định đúng. "Thần thiêng nhờ bộ hạ"?

-  Đảng và Chính phủ phải xây dựng tư duy, hoạch định chính sách trên cơ sở trí tuệ của toàn dân, chứ không phải chỉ một vài người quyết định trên mọi lĩnh vực.Trong một xã hội biến đổi từng giờ thì không có một con người nào, dù tài năng đến đâu, có thể là trí tuệ của cả dân tộc được. Trí tuệ của toàn dân phải là tập hợp trí tuệ của những con người tinh hoa.

Đã có một thời gian chúng ta chưa phát huy hết đội ngũ trí thức - những người có kiến thức, nhân cách, tầm nhìn - chứ không phải những người xu thời, chạy theo quyền lực. Ngày hôm nay rất cần nguồn lực trí tuệ, và nhân cách. Nếu không có nhân cách thì sẽ không có chữ tín, không xác lập được niềm tin với bè bạn, và vì thế họ sẽ không hợp tác, làm ăn lâu dài. Nhân cách và hình ảnh tốt của Việt Nam là cuộc vận động văn hóa lâu dài, chứ không thể chỉ một ngày, một chính sách là ra được. VietNamNet khởi đầu phong trào này, và mong muốn nhận được sự ủng hộ của những nhà trí thức chân chính, có kiến thức, có uy tín, có tâm huyết.

- Tôi rất tâm đắc với ý tưởng này của VietNamNet. Những người tâm huyết, trong điều kiện nào đó không phát huy được tâm huyết của mình thì thường dẫn đến hai hệ quả. Hoặc là họ thu mình lại, chỉ lo làm công việc trong phạm vi chuyên môn hẹp, giữ nhân cách nhưng không thể phát huy tác dụng ra ngoài phạm vi chuyên môn hẹp đó. Nhưng lại có xu hướng bi quan, buồn chán, buông xuôi, thậm chí lao động chuyên môn cũng không còn hứng thú. Chất xám của con người không được phát huy và phục vụ cho sự phát triển của xã hội, của đất nước, đó là sự lãng phí lớn nhất và ảnh hưởng xấu nhất cho sự nghiệp phục hựng  dân tộc.  

Trước đây, chỉ có một con đường ở trong các cơ quan nhà nước. Nhưng hôm nay, nếu không làm việc này thì họ vẫn có thể làm việc khác, vẫn có ích và đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Trí thức có thể "từ quan" nhưng vẫn có thể ra xã hội và đóng góp hết sức mình.

Thứ hai là với sự thay đổi của truyền thông mà trí thức có thể có rất nhiều cách đóng góp ý tưởng , trí tuệ của mình cho đất nước. Với internet, mọi người có thể bày tỏ chính kiến riêng qua blog. Trong cuộc vận động "Bay lên Việt Nam", một trong các nội dung chúng tôi quan tâm là phát động mọi người tham gia qua blog, nhằm trao đổi ý tưởng và chia sẻ trong cộng đồng, và VietNamNet sẽ chịu trách nhiệm đưa lên. Giờ với internet, blog, email, news letter, forum..., những trí thức có nhân cách trong và ngoài nước có thể trao đổi và chia sẻ ý kiến để từ đó có tác động đến xã hội.

- Tôi sẽ đóng góp với VietNamNet hết lòng, trong những lĩnh vực chuyên môn của mình.

Đó sẽ là đóng góp lớn, bởi văn hóa là một lĩnh vực quan trọng trong việc xây dựng cốt cách của con người Việt Nam. Những đóng góp trong lĩnh vực văn hoá là vô cùng quan trọng trong cuộc vận động, và trong mạch tư tưởng này. Xin chân thành cảm ơn những ý kiến trao đổi chân tình của ông.

  • Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (thực hiện)

Nguồn: VietnamNet