VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Giải ngân ODA phải đạt 2,2 tỷ USD/năm (04/12)

06/08/2010 - 230 Lượt xem

Theo ông Hồ Quang Minh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại - Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đây là một mục tiêu khó khăn nếu không có những giải pháp mang tính đột phá cả về chính sách và thực thi. Điều này là một thực tế nếu như chúng ta biết rằng những năm trước đây, mức giải ngân ODA chỉ đạt khoảng 70-80% so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên tình hình giải ngân vốn ODA đã bắt đầu được cải thiện trong năm 2005-2006. Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, tổng mức giải ngân năm 2006 có thể sẽ đạt 1,78 tỷ USD, cao hơn kế hoạch đề ra ban đầu là 1,75 tỷ USD. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giải ngân ODA vượt kế hoạch đề ra.

Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2006, Việt Nam có thể sẽ ký kết khoảng 3,066 tỷ USD vốn ODA trong đó vốn vay đạt 2,543 tỷ USD và vốn viện trợ không hoàn lại 522,4 triệu USD. Đây cũng là mức ký kết ODA cao nhất từ 1993 đến nay tăng 20% so với năm ngoái.

Năm 2006, cũng là năm có nhiều sự kiện đối với việc quản lý và sử dụng vốn ODA. Trước hết, vụ án xảy ra tại PMU 18 đã gây ra nhiều tác động không thuận lợi cho thu hút và sử dụng vốn ODA. Đồng thời qua đó thể hiện rõ nhiều bất cập trong cơ chế quản lý và sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, trong năm 2006, cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách thu hút và sử dụng vốn ODA với sự ra đời của Nghị định 131/2006/ND-CP về quản lý và sử dụng ODA. Sự ra đời của Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã khiến năm 2006 được xem là năm hoàn thiện chính sách về quản lý ODA.

Ông Minh cho biết, Nghị định mới này đã thể hiện sự đột phá trên nhiều mặt như: phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm, tăng cường tính công khai minh bạch cũng như tăng cường công tác giám sát, kiểm tra.

Điểm đáng chú ý nhất là Nghị định mới đã thay đổi hẳn quan điểm về xác định đối tượng là chủ đầu tư các dự án sử dụng ODA. Theo đó, chủ dự án đầu tư phải là người trực tiếp quản lý, khai thác sử dụng kết quả đầu tư của dự án, khai thác sử dụng công trình và hoàn trả vốn vay ODA. Tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước như cơ quan Bộ và UBND làm chủ đầu tư như hiện nay sẽ chấm dứt. Các cơ quan này quay về thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về đầu tư, không được làm chủ đầu tư các dự án từ nguồn vốn ODA. Trong những trường hợp đặc thù khác cơ quan chủ quản phải trình Thủ tướng quyết định.

Đi cùng với sự thay đổi trên đây thì việc thành lập ban quản lý dự án cũng có sự thay đổi về nguyên tắc. Thay vì cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án như hiện nay, trong dự thảo chủ đầu tư các dự án là người ra quyết định thành lập ban quản lý dự án. Theo các chuyên gia, điều này đảm bảo yêu cầu ban quản lý dự án là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của chủ dự án hay chủ đầu tư, được chủ dự án giao quản lý và thực hiện dự án với những quyền hạn và trách nhiệm cụ thể.

Nghị định cũng quy định rõ, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư đối với các chương trình dự án quan trọng quốc gia, cho phép đầu tư và cho phép thực hiện đối với các dự án nhóm A, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng và các chương trình chính sách gắn với khung chính sách mà Chính phủ cam kết với nhà tài trợ. Cơ quan chủ quản như Bộ ngành và địa phương được giao quyền thẩm tra, thẩm định và quyết định đầu tư đối với các chương trình, dự án ODA còn lại.

  • Phước Hà

Nguồn: VietnamNet