VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

“Doanh nghiệp có thể kiện nếu hải quan làm sai” (5/12)

06/08/2010 - 281 Lượt xem

Thưa ông, hải quan cũng là một trong những ngành chịu tác động trước hết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sẽ có những thay đổi hay thách thức nào trong công tác của ngành trong thời gian tới?

Thay đổi và cũng là thử thách lớn nhất đối với ngành hải quan trong bối cảnh hội nhập là kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng lên nhanh chóng, đối tác thương mại mở rộng và phức tạp hơn. Trong khi nguồn nhân lực có hạn thì bài toán làm sao để tạo thông thoáng, thuận lợi cho thương mại, vừa kiểm soát được buôn lậu và gian lận thương mại.

Một điểm mới là hải quan sẽ có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Các cam kết tạo thuận lợi nhiều cho thương mại, nên hải quan sẽ phải tăng cường kiểm soát không chỉ hàng nhập mà cả hàng xuất. Nếu không, hàng Việt Nam sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến chống bán phá giá hoặc biện pháp tự vệ trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Còn về các cam kết trong WTO liên quan đến công tác hải quan có 10 nhóm chính, nhưng tập trung chủ yếu vào các yêu cầu tạo thuận lợi cho thương mại, áp dụng các chuẩn mực quốc tế như trị giá GATT, phân loại hàng hóa H/S, tiêu chuẩn quốc tế về phí, lệ phí hải quan, giới hạn các dịch vụ cung cấp,...; chống buôn lậu, gian lận thương mại và đặc biệt là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Vậy đâu sẽ là điểm mới trong thủ tục xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp sẽ thấy ngành hải quan thực hiện trong thời gian tới?

Thực ra, về cơ bản phần lớn các cam kết về thủ tục hải quan đều đã được vào các văn bản chính sách của Việt Nam từ thời điểm 1995, khi ta tham gia ASEAN.

Ta đã thực hiện một số chuẩn mực Công ước Kyoto, áp dụng đơn giản hóa và thống nhất hóa thủ tục hải quan, quy định cụ thể các bước thủ tục hải quan, hồ sơ mà doanh nghiệp cần nộp, ban hành biểu thuế, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo hệ thống hài hòa và mô tả mã hóa hàng hóa, thành lập các trung tâm phân tích phân loại hàng hóa.

Tuy nhiên, vào WTO, yêu cầu mới là hải quan phải hiện đại hóa phương pháp quản lý, thiết lập hệ thống kiểm tra, kiểm soát thích hợp.

Chẳng hạn, hải quan có thể phải ban hành các hình thức nộp một khoản bảo đảm khi chưa có thông tin xác định trị giá, hoặc phải xem xét lại việc sử dụng bảng giá kiểm tra, khẳng định việc sử dụng dữ liệu giá chỉ để kiểm tra trị giá khai báo của doanh nghiệp. WTO có quy định cấm việc áp dụng bảng giá kiểm tra như bảng giá tối thiểu hoặc Hiệp định GATT không thừa nhận việc sử dụng trị giá bằng 90% giá của hàng hóa cùng loại dẫn đến giá khai báo thấp dần.

Một vấn đề mới mà không mới, đó là kiểm tra trước hàng hóa. WTO khuyến nghị tăng cường áp dụng hình thức này?

Đó là yêu cầu hải quan khi kiểm tra phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, mức độ rủi ro vi phạm liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu để loại trừ các đối tượng không cần thiết phải kiểm tra thực tế. Hải quan sẽ phải xem lại việc phân luồng hàng hóa thời gian qua đã “chuẩn” chưa, để đưa ra tỷ lệ kiểm tra chỉ dưới 20%, hoặc được như Hàn Quốc chỉ có 5-8%.

Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào vấn đề nhân lực, trình độ quản lý của ngành hải quan hiện tại có đủ đáp ứng hay không.

Thời gian trước mắt, chúng tôi sẽ lập cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về danh bạ doanh nghiệp, những loại hàng, những tuyến đường xuất nhập khẩu khác nhau để làm sao loại ra 70 - 80% số hồ sơ sẽ không phải kiểm tra khi hàng về tới cửa khẩu.

Mới đây, ông có khẳng định vào WTO, doanh nghiệp có thể dễ dàng khởi kiện nếu như hải quan làm sai các quy định đã cam kết?

Đúng như vậy, trong các cam kết tạo thuận lợi cho thương mại khi vào WTO có các quy định “cứng” và mềm. Hải quan hoàn toàn có thể bị doanh nghiệp sử dụng các quy định và thiết chế mà WTO quy định để kiện hoặc đòi bồi thường khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các cam kết “cứng”.

Tôi lấy ví dụ: lệ phí mà WTO đã quy định là chỉ được thu tương ứng với dịch vụ, không được dựa vào tải trọng vận tải hoặc khối lượng hàng hóa. Nếu hải quan không thực hiện điều này thì có thể bị kiện.

Hoặc trường hợp khác, thu thuế không dựa theo trị giá giao dịch, là giá thực tế người mua trả cho người bán được trừ đi một số khoản mà nếu hải quan áp dụng bảng giá tối thiểu thì cũng có thể kiện, hoặc thậm chí kiện khi hải quan áp dụng sai mã hàng hóa (H/S).

Ở các nước, cơ chế kiện được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trước hết, doanh nghiệp phải khiếu nại ở cấp xử lý hành chính, còn nếu không có thể kiện ra Tòa hành chính.

Tuy nhiên, một số nước có mô hình rất hay, ví dụ Pháp có Hội đồng xử lý có đại diện hải quan, thuế, giới luật sư, gần giống với mô hình trọng tài thương mại, có phương pháp xử lý nhanh chóng và khá hiệu quả.

Nguyên Linh thực hiện

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 5/12/2006