VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nông dân lo WTO? (2/12)

06/08/2010 - 206 Lượt xem

Liệu các công ty Mỹ, Nhật... có đổ xô vào Việt Nam, thu mua và chế biến tôm bán trở về nước, cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam? Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), nói rằng không loại trừ điều đó xảy ra. Nhưng ông tin chắc, riêng Minh Phú sẽ không ngán ngại việc cạnh tranh này.

“Phương cách chế biến, tập quán kinh doanh và “môi trường” quen thuộc của Minh Phú sẽ không ngán khi đối mặt với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Thậm chí, vào WTO chúng tôi còn có lợi khi thuế xuất khẩu sang một số thị trường sẽ giảm, rồi thuế nhập khẩu các vật liệu, hóa chất phục vụ chế biến như hạt nhựa, bao bì... cũng sẽ giảm dần”, ông nói. 

Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu và kinh doanh lúa gạo cũng có nhận định tương tự. Còn bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông hậu (Cần Thơ), khẳng định: “Nhiều nông sản phẩm của nông trường đã có giá thành thấp, sản lượng cao, nhà máy chế biến lại ở tại chỗ nên tiết kiệm rất nhiều chi phí. Như các mặt hàng dưa, cà... hiện chỉ mất khoảng bốn giờ từ khâu thu hoạch đến chế biến”.

Theo bà, mặt khác, nông trường đã được công nhận nhiều tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm... nên chuyện hội nhập, “sống chung” với các cam kết hoàn toàn không đáng ngại. 

Tuy nhiên, ông Quang nói rằng, điều ông lo nhất là nhiều nước sẽ dùng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước họ khi mà hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ sau ngày Việt Nam gia nhập WTO. Những lô hàng thủy sản sẽ bị kiểm tra dư lượng kháng sinh... ngày một gắt gao. “Thậm chí, các vụ kiện chống bán phá giá như ở Mỹ vừa qua cũng có thể gia tăng”, ông đoán. 

Sau sự kiện nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về vì phát hiện dư lượng kháng sinh, nhất là khi Nhật tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thủy sản đã yêu cầu các doanh nghiệp phải “sửa” lại mình. Cụ thể, Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản sẽ phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng có vấn đề, rồi phải tập trung kiểm tra ngay từ đầu vào ở nơi thu mua, cảng cá... để tránh tái diễn. Những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tạm thời đình chỉ xuất khẩu...

Tất nhiên, đây như là chuyện đã rồi bởi vào WTO, nếu các doanh nghiệp vẫn để tái diễn tình trạng hàng hóa có vấn đề về chất lượng thì quy luật thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt cũng sẽ đào thải họ.  

Suy cho cùng, khâu quyết định vẫn là ở người nông dân. Nếu nông dân không chấm dứt tình trạng sử dụng hóa chất trong nuôi thủy sản thì các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu “trôi nổi” cũng sẽ vạ lây một khi hàng hóa có vấn đề về an toàn thực phẩm. Do vậy, chính doanh nghiệp cũng phải tự lo bằng cách hỗ trợ nông dân hoặc tự tổ chức vùng nguyên liệu an toàn cho mình.

“Nhà nước cũng cần hỗ trợ nông dân giảm giá thành sản xuất. Không thể duy trì giá thành một ki lô gam tôm bình quân là 70.000 đồng, trong khi nhiều nước chỉ có giá 50.000 đồng”, và ông Quang nói đó cũng là lý do một số doanh nghiệp nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Thái Lan về chế biến vẫn rẻ hơn mua tôm nội địa. 

Còn ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong (Cần Thơ), lo rằng chuyện thời gian qua bắp nhập khẩu rẻ hơn bắp nguyên liệu trong nước khoảng 20% chính là điều nông dân phải lo khi mà hàng nông sản các nước sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất nhập khẩu hạ dần. “Phải tính toán để thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngay cả canh tác lúa cũng phải thay đổi tập quán. Nếu chúng ta cứ trồng lúa chất lượng thấp thì đừng nói sao gạo có giá rẻ”, ông nói. 

Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, ví von: ở các nước có nền nông nghiệp tiên tiến  thì 100 tấn phân chỉ cần một người đi mua về, trong khi tại Việt Nam phải 100 người đi mua vì diện tích canh tác quá nhỏ, lẻ. “Như vậy phải tốn giờ công cho một trăm người, chi phí sản xuất sẽ tăng!”, ông nói. 

Vào WTO, nhiều doanh nghiệp có thể thích ứng với nguyên tắc kinh doanh mới, cải tiến cung cách quản lý, còn nông dân sẽ phải chịu thiệt nếu không thay đổi tư duy và phương pháp sản xuất.

 

Theo TBKTSG

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 2/12/2006