VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thứ trưởng Lương Văn Tự: Vào WTO, bàn giao lại “trận địa” cho doanh nhân (30/11)

06/08/2010 - 219 Lượt xem

Các nhà đàm phán từ nay đã bàn giao lại “trận địa” cho doanh nhân. Cơ hội đã mở ra hết cỡ, thắng thua phụ thuộc vào mức độ thiện chiến của doanh nhân. Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO trong cuộc trao đổi với báo giới hôm nay (30/11) đã nói như vậy.

Cơ hội nhiều nhưng tranh chấp thương mại không giảm

Người ta nói nhiều đến cơ hội khi gia nhập WTO, theo ông đâu là cơ hội căn bản nhất?

Thứ nhất, đó là chúng ta có một không gian mới về thị trường, WTO là sân chơi lớn toàn cầu. Chúng ta cần thị trường toàn cầu để phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư.

Những năm qua, dù xuất khẩu của Việt Nam tăng khá, có năm 23%, có năm 19%, năm 2005 kim ngạch đạt 32,5 tỷ USD nhưng so với các nước khu vực thì vẫn rất nhỏ. Thái Lan có 63 triệu dân nhưng kim ngạch đạt hơn 100 tỷ USD. Chúng ta chỉ bằng 1/3 trong khi dân số là 83 triệu người; nếu so với Philippines, chúng ta bằng 2/3.

Sự tụt hậu này một phần là do hàng hóa, dịch vụ Việt Nam còn bị phân biệt đối xử và điều này sẽ bị dỡ bỏ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ví dụ cụ thể đối với xuất khẩu nông sản. Do không được hưởng ưu đãi thuế quan với nông sản, nên Việt Nam đã không bán được gạo vào châu Âu. Hàn Quốc bảo hộ gạo, có hạn ngạch nên gia nhập WTO, chúng ta mới được chia hạn ngạch. Với Hoa Kỳ, chúng ta chỉ được dỡ bỏ hạn ngạch dệt may khi đã gia nhập WTO.

Thứ hai là nhờ sức ép cam kết đa phương sẽ sửa và xây mới 25 luật và pháp lệnh khi đàm phán nên Việt Nam hiện đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để gia nhập WTO.

Gia nhập WTO, chúng ta buộc phải có hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng, dễ dự đoán. Trong đàm phán WTO với đa phương, yêu cầu đầu tiên là phải minh bạch hóa chính sách. Chúng ta cũng phải có các văn bản pháp luật liên quan các hiệp định, các quy định của WTO.

Ðể tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, cải cách hành chính Việt Nam phải xây mới và sửa đổi 100 luật. Như vậy, số văn bản phục vụ đàm phán, gia nhập WTO chỉ bằng 1/4 số văn bản luật pháp phục vụ cải cách hành chính, và đổi mới kinh tế.

Chúng ta thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam, họ cho rằng nếu Việt Nam gia nhập WTO thì hệ thống pháp luật sẽ phù hợp sân chơi của thế giới và nó sẽ ổn định.

Chính vì điều đó mà đầu tư nước ngoài năm 2006 tăng hơn rất nhiều so với 2005. Các dự án đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, đặc biệt là dự án lớn của các công ty đa quốc gia bắt đầu vào Việt Nam.

Thứ ba là gia nhập WTO, chúng ta sẽ có điều kiện chủ động tham gia chính sách thương mại toàn cầu. Gia nhập WTO, những tranh chấp được giải quyết tốt hơn: Xu hướng các nước là dùng WTO để giải quyết tranh chấp. Giải quyết tranh chấp trong WTO là dễ thực thi hơn.

Thí dụ, nước A áp thuế chống bán phá giá với một nước thành viên WTO mà tổng thuế đó tương đương với 100 triệu USD, khi WTO giải quyết tranh chấp, đi đến quyết định là kiện chống bán phá giá không đúng, yêu cầu nước kiện kia bỏ đi. Nếu không bỏ, thì nước bị kiện có quyền nâng thuế nhập khẩu các mặt hàng của nước kia lên tương đương mức 100 triệu USD.

Do vậy, cơ chế đó thực thi trong cuộc sống nhiều hơn, dễ thực hiện hơn là cơ chế giải quyết tranh chấp qua trọng tài quốc tế và tòa án.

Tuy nhiên, gia nhập WTO không có nghĩa các vụ kiện chống bán phá giá sẽ giảm đi. Chúng ta càng tăng xuất khẩu, thì tranh chấp thương mại sẽ càng tăng. Chỉ có điều mức độ chúng ta được giải quyết sẽ công bằng hơn. Gia nhập WTO không có nghĩa là hết tranh chấp quốc tế về thương mại. Chỉ có điều chúng ta không bị phân biệt đối xử nữa.

Nông dân có thể đầu tư trang trại ở Newzealand!

Ông vừa nói đến cơ hội mở rộng không gian thị trường cho các doanh nhân, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những doanh nhân giàu lên nhanh chóng, còn nông dân thì sao, họ có cơ hội nào không?

Việt Nam là nước rất đặc biệt, đất chật, người đông. Khi đàm phán với Australia thì thấy một hộ của họ có đến 200 ha. Còn bình quân đất canh tác Việt Nam chỉ có 0,3 ha/hộ. Nhưng, Việt Nam lại có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu được xếp hạng trên thế giới. Đó là gạo, cà phê, tiêu, điều, chè... Ðây là trường hợp rất đặc biệt của thế giới và chứng tỏ khả năng cạnh tranh vượt trội của nông dân Việt Nam.

Mở rộng thị trường sẽ giúp nông sản Việt Nam được tiêu thụ tốt hơn, đây là cơ hội quan trọng để nông dân tăng thêm thu nhập. Không những thế, cùng với chính sách bảo hộ đầu tư, với sự cần cù và kinh nghiệm của mình, nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia đầu tư ra nước ngoài. Không chỉ có Australia mà còn nhiều nước khác như Mỹ, Newsealand... đất canh tác của họ rất rộng mà không có người làm.

Phải chăng, nông dân Việt Nam có thể đầu tư trang trại ở New Zealand?

Hoàn toàn có thể. Theo thông tin mà tôi biết, bình quân mỗi hộ nông dân của nước này hiện có 250 ha đất canh tác, giá cả rẻ hơn đất ở Việt Nam rất nhiều.

Trận địa chính dành cho doanh nhân

Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư là thủ tục cuối cùng để gia nhập WTO, vậy theo ông đâu là sự thay đổi quan trọng trong lộ trình này?

Trong gần 12 năm đàm phán, trận địa chính là của các nhà đàm phán. Họ luôn như thể no bụng đói con mắt, thường đòi những điều kiện cam kết ở mức cao nhất có thể, với mục đích duy nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia sân chơi này.

Kết thúc đàm phán có người nói chưa hài lòng, có người nói được nhiều, có người nói được ít. Chúng tôi thống nhất đây là đàm phán mà hai bên đều giành thắng lợi. Vai trò của các nhà đàm phán đã kết thúc, giờ đây, trận địa chính là của doanh nghiệp, doanh nhân.

Nói mở thị trường nhưng doanh nghiệp không sản xuất hàng xuất khẩu thì cũng vô nghĩa. Bây giờ nói mở ra để thu hút đầu tư nhưng doanh nghiệp, các địa phương, không thu hút đầu tư thì chúng ta cũng không đạt.

Gia nhập WTO để chúng ta phát triển, nhưng không có nghĩa bản thân việc gia nhập WTO là chúng ta giàu có lên, hay chúng ta nghèo đi, mà đó là một cơ hội. Chúng ta tranh thủ được cơ hội đó, thì chúng ta giàu có. Chúng ta vượt qua được thách thức thì chúng ta tạo được cơ hội mới.

Nhà nước quản lý doanh nghiệp thông qua Hiệp hội

Vậy nhà nước sẽ đóng vai trò thế nào trong quá trình phát triển kinh tế?

Để tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp, chúng ta phải chuyển cách quản lý theo phong cách mới.

Ngày xưa quản bằng các lệnh, chỉ thị, can thiệp trực tiếp vào doanh nghiệp, thì nay không còn hoặc còn rất ít, chỉ những doanh nghiệp có vốn lớn của Nhà nước. Tuy nhiên cách quản lý tốt hơn là thông qua biện pháp gián tiếp như xây dựng pháp luật, chính sách và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đó.

Việc nắm từng ngành, hàng, không giống như trước, nhưng vẫn phải nắm. Khi chúng ta bỏ quản lý xuất khẩu gạo, lúc đầu mọi người rất ngại, sợ có thể xuất vượt sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đến khi quyết định làm thì làm rất tốt. Mọi thành phần có thể xuất khẩu gạo, nhưng vẫn quản lý được vì mọi công việc giao cho hiệp hội. Hiệp hội đóng vai trò chính.

Hiện nay, Nhà nước chuyển những vai trò mà Nhà nước không làm sang hiệp hội ngành hàng để bảo vệ ngành hàng, hợp tác liên kết để phát triển. Cách làm cũ giành khách hàng bằng hạ giá không còn giá trị, làm ta yếu đi.

Vai trò của hiệp hội, ngành hàng rất quan trọng: liên kết để phát triển để xây dựng hệ thống phân phối trong nước. Các doanh nghiệp liên kết để ra thị trường thế giới, có như thế mới tạo được sức mạnh và chiến thắng trong cạnh tranh.

 

Theo Vietnamnet

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 30/11/2006