VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard: “Tôi quan tâm đến Việt Nam ở thì tương lai” (1/12)

06/08/2010 - 228 Lượt xem

* Chứng kiến sự đổi thay của VN, ông nhận xét rằng nước Pháp chẳng còn mấy dấu vết ở VN. Điều này có gì mâu thuẫn với con người vốn theo đuổi chính sách phi thực dân của ông?

- Rõ ràng VN đã đổi thay đáng kinh ngạc. Khi tôi đến đây lần đầu tiên năm 1994, đường phố toàn là xe đạp. Nay thì xe đạp đã nhường chỗ cho xe gắn máy và ôtô. Đó chính là một câu chuyện kinh tế thú vị. Nó gây ấn tượng với tôi mạnh nhất.  Đại sứ Pháp cho tôi biết thu nhập đầu người của VN hiện giờ khoảng 600 USD và dự kiến đến năm 2010 là khoảng 1.000 USD. Nhưng ông đại sứ cũng nói ông tin vào năm 2010 VN sẽ không chỉ dừng lại ở đó mà còn có thể đi xa hơn nữa. Quả là tôi đã cố tìm nhưng cảm nhận rằng sự hiện diện của Pháp ở VN dường như ít ỏi (hơn mong đợi của tôi).

Tuy vậy, tôi không  có ý phàn nàn. Tôi mừng vì sự phát triển của VN. Tôi quan tâm đến VN ở thì tương lai chứ không phải ở quá khứ. Với tốc độ phát triển như hiện giờ, chẳng mấy chốc mà đường sá cũng không đủ để đi lại nữa. Vấn đề năng lượng cũng đang trở thành nan giải đối với VN. Pháp có thể tăng cường sự hiện diện ở VN thông qua các công trình như nhà máy nhiệt điện, thủy điện, hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... Sự phát triển của VN đồng thời mang lại nhiều cơ hội cho chúng tôi. Tôi cũng xin lưu ý một điều. Tôi biết nhiều người đang phấn khởi bởi sự tăng trưởng của VN mà chưa nghĩ đến các hậu quả như chất thải công nghiệp, ô nhiễm mạch nước ngầm… Rõ ràng VN còn nhiều việc phải làm và tôi hi vọng VN sớm phát hiện những vấn đề này.

* Cùng với công cuộc cải cách kinh tế, VN cũng đang nỗ lực tăng tốc cải cách xã hội và chính trị. Tốc độ của cuộc cải cách này đang được tranh cãi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi chỉ xin bình luận thôi mà không dám đưa ra lời khuyên. VN luôn chứng tỏ là quốc gia có đầy đủ năng lực tự quyết định vận mệnh của mình. Tất cả đều biết phát triển nhanh bao giờ cũng kéo theo phân biệt giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, là nguyên nhân bùng nổ các xung đột. Ở Mỹ Latin, trải qua một thời kỳ tăng trưởng nhanh, giờ đây người ta đang tìm cách kéo chậm nhịp lại bởi tăng trưởng nhanh đã đẻ ra ngổn ngang bao vấn đề xã hội phải giải quyết. VN phải tính toán theo thực tế của mình. Tôi chỉ xin lưu ý các bạn VN, đi theo tốc độ nào cũng cần nhìn lại những gì đã diễn ra trong lịch sử.

VN đang phải đối phó với nạn tham nhũng. Tham nhũng nảy sinh do năng lực quản trị kém. Nền kinh tế ngày càng phình to, hoặc qui mô doanh nghiệp ngày càng lớn nhưng thiếu năng lực quản lý dẫn tới nhiều góc khuất, nhiều khâu thiếu minh bạch đã nuôi dưỡng tham nhũng. VN cần nỗ lực tăng cường năng lực quản trị.

* VN vừa gia nhập WTO và điều này khiến nhiều người hồ hởi. Ông có bình luận gì?

- Đó là một bước tiến có tính tự nhiên và bắt buộc của VN. Xu thế chung bây giờ là thị trường được nhất thể hóa. VN buộc phải mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của các nước. Đổi lại, hàng hóa và dịch vụ của VN sẽ có cơ hội ngang bằng ở các thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, điều cần thiết là phải tìm ra thế mạnh của mình để cạnh tranh. Cũng cần phải nói thêm, VN tiến hành hội nhập đúng lúc thế giới đầy biến động và cả tổ chức WTO cũng đang đứng trước sự chuyển động phức tạp.

Từ năm 1945 đến 1990, một quốc gia đổ vỡ không gây thiệt hại mạnh tới khu vực và toàn cầu. Nay thì tình hình đã khác. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 là một ví dụ. Hoặc sự xuống dốc của các công ty dot com (các công ty tin học) vào năm 2001. Thế giới đã khác. Mỗi quốc gia phải có sự lựa chọn của riêng mình. VN cần tìm đồng minh, cần sát cánh với các nước công nghiệp phát triển, tạo cho mình cơ hội và tạo cơ hội cho người khác.

* Nếu được hỏi về kinh nghiệm làm thủ tướng, ông sẽ nói gì?

- Tôi luôn theo đuổi chính sách: “Đất nước phát triển hài hòa. Mọi người có cơ hội ngang nhau”. Cải cách không phải chỉ có một mô hình. Không phải tư nhân hóa triệt để là hay hoặc cố gắng níu giữ quốc hữu hóa là tốt. Công ty nhà nước mà kinh doanh hiệu quả, làm ra nhiều lợi nhuận cũng có quyền tồn tại. Theo tôi, có ba công cụ chính là chìa khóa để tạo ra phát triển.

Thứ nhất là hệ thống thuế khóa phải linh hoạt, phải hiệu quả. Người ra chính sách thuế phải nắm được nghĩa vụ nộp thuế có giúp đất nước tăng trưởng không, có kích thích sản xuất kinh doanh không hay chỉ làm người dân và doanh nghiệp chán nản.

Thứ hai là giáo dục. Các bậc giáo dục từ tiểu học đến đại học phải được chú ý đồng đều như nhau.

Thứ ba là phát triển khoa học kỹ thuật. Nhưng không phải theo hướng sao chép. Những gì các nước đã làm tốt rồi, như công nghiệp xe hơi chẳng hạn thì VN không cần phải cố gắng theo kịp họ. VN nên đi vào những ngành mới như phần mềm hoặc tạo ra những sản phẩm mà chỉ có người VN mới có bí quyết để làm.VN quả là đang có nhiều cơ hội.

* Xin cảm ơn ông.

CẨM HÀ thực hiện

 Ông Michel Rocard tới VN du lịch lần này cùng với một nhóm bạn bè Pháp. “Trưởng đoàn” là cựu đại sứ EU tại GATT/WTO Paul Trần Văn Thình (một người Pháp gốc Việt), bạn đồng môn với ông Rocard tại Viện hàn lâm Khoa học chính trị Paris.

Ông giải thích lý do trở lại VN một cách giản dị: “Tôi thích đất nước này”. Nhưng vợ ông “bật mí” thêm: cha mẹ bà từng sống ở vùng Nam bộ VN từ 1950-1955. Suốt thời thơ ấu, hình ảnh Đông Dương luôn được khắc họa đẹp đẽ trong gia đình bà với những địa danh Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn. Bà luôn nuôi ước mơ được tới VN. Rất may ông Rocard cùng chung tâm ý với bà.

Trong lịch trình bận rộn của mình, ông Rocard vẫn tìm cách để đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Được hỏi cảm tưởng về người anh hùng của VN, ông Rocard cười nói: “Tướng Giáp như một pháo đài cổ. Nhưng ông ấy vẫn toát lên khí phách của một vị tướng xông pha nơi chiến trường. Tôi trọng cách suy nghĩ của ông ấy: không bao giờ coi thường kẻ địch”.

Ông Michel Rocard năm nay 76 tuổi. Giữ chức thủ tướng Pháp từ 1988-1991, ông Rocard được nhiều người nhắc tới bởi ba thành tựu lớn trong sự nghiệp chính trị: ngăn chặn cuộc nội chiến ở New Caledonia (lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp); giảm tỉ lệ thất nghiệp; cải cách hệ thống phúc lợi xã hội cho người nghèo và hệ thống thuế khóa. 

Nguồn: tuoitre.com.vn, ngày 1/12/2006