VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Bảo hiểm sau khi vào WTO: “Chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng”

06/08/2010 - 482 Lượt xem

Theo ông, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có bị “sốc” trước những cam kết mở cửa thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO?

Theo tôi, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã làm quen với luồng gió bên ngoài vào khi Việt Nam từng bước mở cửa thị trường bảo hiểm. Ngay từ khi thành lập, do tính đặc thù của bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã buộc phải tiếp cận và hội nhập với thị trường bảo hiểm quốc tế hông qua nghiệp vụ tái bảo hiểm.

Đối với những sản phẩm bắt buộc phải tái bảo hiểm ra nước ngoài thì hầu như có sự thống nhất giữa các đơn bảo hiểm (quy tắc điều khoản) và biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm quốc tế.

Từ năm 1993 đến nay, sau gần 14 năm mở cửa, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã học tập được nhiều kinh nghiệm và tự nâng cao năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang họat động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang từng bước chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.

Lộ trình mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là tương đối mạnh. Số lượng doanh nghiệp chính thức kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay là 27, trong đó có tới 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gồm 5 doanh nghiệp liên doanh, 11 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Trong 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì có tới 7 doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Các doanh nghịêp bảo hiểm Việt Nam vẫn phát triển mạnh và luôn dẫn đầu thị trường như Bảo Việt Việt Nam, Bảo Minh, Pjico, PV Insurance, Bảo Việt nhân thọ. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã thích nghi với mở cửa hội nhập, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Quá trình cạnh tranh càng làm cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trưởng thành và phát triển toàn diện hơn.

Theo ông, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ phải đối mặt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là gì?

Dự báo khi Việt Nam gia nhập WTO, chính phủ các nước cùng với doanh nghiệp bảo hiểm của họ sẽ gây sức ép với Việt Nam để được hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đáp ứng được đầy đủ điều kiện ghi trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Điều này thật dễ hiểu vì thị trường bảo hiểm Việt Nam đầy hứa hẹn khi nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010 rất sáng sủa và hấp dẫn.

Thách thức thứ hai là các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ không còn nhận được sự bảo hộ của Nhà nước. Trong kinh doanh bảo hiểm, cũng sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Một số doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa, trong đó sức ép chia lãi cho cổ đông không phải là nhỏ nếu kinh doanh bảo hiểm và đầu tư không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề “chảy máu chất xám” từ doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sang doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có thu nhập cao hơn cũng là điều đáng quan tâm. Với khả năng tài chính rất mạnh, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sẽ tìm mọi cách trong đó có tuyên truyền, quảng cáo, khuyến mại, khuếch trương sản phẩm, hạ phí bảo hiểm để gây uy tín và chiếm lĩnh thị trường.

Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ phải làm gì để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh?

Theo tôi, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam phải tiếp tục trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu khai thác, quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là ứng dụng được thương mại điện tử.

Người có nhu cầu về bảo hiểm có thể lựa chọn sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm trên mạng và khi chấp nhận sẽ được cấp đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm ngay lập tức. Từ đó, việc quản lý đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, khách hàng tham gia bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm, giải quyết tổn thất và bồi thường bảo hiểm được dễ dàng và thuận tiện nhanh chóng.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục sắp xếp lại bộ máy tổ chức hoạt động kinh doanh thật gọn nhẹ, tính chuyên nghiệp cao, có sự liên kết và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Đồng thời phát triển mạnh việc bán bảo hiểm qua khâu trung gian như: môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại...

Tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ cán bộ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm trong đó có trang bị kiến thức bảo hiểm cho các cán bộ bảo hiểm đã tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư từ các chuyên ngành khác. Nâng cao trình độ quản lý rủi ro, giám định tổn thất, tính phí bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp.

 

Hoàng Xuân thực hiện

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 29/11/2006