VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tìm biện pháp tăng FDI từ Mỹ

06/08/2010 - 504 Lượt xem

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến này 20/11, các nhà đầu tư Mỹ đã có 305 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với số vốn đăng ký khoảng 2,112 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 730 triệu USD.

Như vậy, các nhà đầu tư Mỹ đã chiếm 36,2% số vốn đăng ký và đứng thứ 9/75 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Riêng 9 tháng đầu năm 2006, nếu tính cả dự án Intel đầu tư 605 triệu USD đầu tư qua chi nhánh Hồng Kông thì vốn đầu tư Mỹ tại Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, đứng đầu trong 37 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2006.

Đã nhìn thấy nguồn đầu tư tiềm năng

Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo xây dựng báo cáo về kết quả 5 năm thực hiện BTA mới đây, các chuyên gia thuộc dự án Star- Hỗ trợ Việt Nam thực hiện BTA và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều thống nhất, nếu nhìn đơn thuần thì đầu tư trực tiếp Mỹ vào Việt Nam thực sự tăng khá chậm.

Nhưng cách nhìn này sẽ không phản ánh hết hoạt động đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong thời gian qua. Lý do để lý giải điều này là trong luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam có rất nhiều tập đoàn như: Coca Cola, Procter & Gamble, Unocol, Conoco... lại đầu tư qua nước thứ ba, nơi họ đặt các chi nhánh khu vực hoặc thông qua công ty con của mình tại Hồng Công, Singapore, British Virgin Island...

Hầu hết các tập đoàn này đều có đầu tư khá lớn tại Việt Nam, nhưng lại chưa được thể hiện trong con số thống kê về đầu tư của Mỹ.

Theo số liệu thống kê, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam qua nước thứ ba vào khoảng 74 dự án có tổng số vốn đầu tư 2,4 tỷ USD. Như vậy, nếu tính cả đầu tư qua nước thứ ba thì Mỹ đầu tư vào Việt Nam 372 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 4,4 tỷ USD, đứng thứ 5/75 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Trong nhiều tháng của năm 2006, lũy kế đầu tư của Mỹ tại Việt Nam đã vươn lên đứng đầu. Điều này cho thấy rõ tiềm năng của các nhà đầu tư nước này.

Qua khảo sát, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư của Mỹ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với tổng số vốn 1,077 tỷ USD. Trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp nặng thu hút nhiều dự án nhất trong lĩnh vực công nghiệp.

Dầu khí là ngành có quy mô đầu tư lớn nhất khoảng 20,6 triệu USD/dự án với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như Unocal và Conoco... Đứng tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ có 69 dự án và tổng vốn đầu tư 791 triệu USD; còn lại là các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.

Các nhà đầu tư Mỹ chủ yếu lựa chọn hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Các dự án theo hình thức này chiếm khoảng 78,2% và 69% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó còn có các hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh được thực hiện nhiều trong các dự án thăm dò và khai thác dầu khí...

Đặc biệt, Mỹ đã có một dự án được cổ phần hóa là Công ty Công nghiệp Cổ phần Tungkwang có vốn đầu tư 35 triệu USD chuyên sản xuất thanh nhôm. Các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 33/64 tỉnh thành cả nước nhưng tập trung một số đại phương có điều kiện thuận lợi như: Tp.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương.

Trong đó, Tp. HCM thu hút được nhiều dự án nhất với số vốn đạt 455 triệu USD, Bà Rịa- Vũng Tàu đứng thứ hai với 332 triệu USD và Đồng Nai với 284 triệu USD.

Giới quan sát có nhận định chung là đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng. BTA đã được thực hiện nhưng đầu tư Mỹ vào Việt Nam vẫn còn tăng chậm và cần có những biện pháp để thúc đẩy nguồn đầu tư lớn này.

Khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường nâng cao hiệu lực thực hiện BTA nhằm khai thác tối đa những lợi ích từ việc triển khai hiệp định này, giảm những tác động tiêu cực đồng thời tăng cường thu hút đầy tư của Mỹ trên cơ sở đảm bảo sự quản lý của Nhà nước. BTA được xem là nền tảng cho hợp tác kinh tế giữa hai bên mà thành công của thương mại được xem là mẫu hình mang lại hy vọng cho lĩnh vực đầu tư.

Về phía Việt Nam, trên cơ sở chung là hoàn thiện môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho kinh doanh, Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư Mỹ đã được cấp phép và cả trong quá trình đàm phán chuẩn bị đầu tư.

Phía Việt Nam sẽ thành lập một tổ công tác liên ngành đề thúc đẩy đàm phán và chuẩn bị một số dự án đầu tư quan trọng. Đồng thời bằng mọi cách giải quyết những vướng mắc trong hoạt động của các nhà đầu tư Mỹ.

Trước mắt, Việt Nam sẽ tập trung vận động đầu tư đối với từng lĩnh vực, dự án trọng điểm với các đối tác tiềm năng, mở rộng công tác xúc tiến đầu tư. Cụ thể hai bên sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trao đổi cơ hội nhằm thúc đẩy và hợp tác đầu tư một cách trực tiếp.

Mặt khác, hiện có khoảng 1,5 triệu Việt kiều đang làm ăn tại Mỹ, nhiều người Việt đã thành đạt, có số vốn lớn, nắm giữ tri thức và trình độ kỹ thuật cao, thông hiểu tập quán kinh doanh... Vì vậy, cần khuyến khích nguồn đầu tư này, nhất là trong các ngành công nghệ thông tin, giáo dục, y học, kinh doanh bất động sản... thông qua việc tạo điều kiện cho Việt kiều thuận tiện trong xuất nhập cảnh, cư trú cũng như sở hữu tài sản theo quy định.

Giữa hai nước đã có một cầu nối thương mại đầu tư là Hội đồng Tư vấn cấp cao Việt- Mỹ. Trong thời gian qua hội đồng này đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cũng như đề xuất những cơ chế thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư hai bên, thu hút các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là đầu mối để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư- kinh doanh.

Thực tế, trong thời gian qua, hoạt động của Hội đồng đã góp phần thúc đẩy nhiều dự án lớn đầu tư vào Việt Nam cũng như giới thiệu doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Mỹ. Đây thực sự là một cầu nối góp phần đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.

Lê Phong

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 29/11/2006