VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Thị trường bất động sản đang ở ngưỡng phát triển (30/11)

06/08/2010 - 221 Lượt xem

Bà nhận định thế nào về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới?

Thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Trước hết là cơ cấu dân số: Việt Nam hiện có 72% dân số dưới 35 tuổi, là nước có dân số trẻ nhất trên thế giới. Trong một thời gian nữa, những người này bước vào giai đoạn ổn định, nhu cầu về nhà ở sẽ lớn hơn nhiều so với hiện tại.

Thứ nữa là mức sống của người dân: ở nước ngoài, người trưởng thành thường tách ra sống riêng nhưng ở Việt Nam, vẫn có đến 2-3 thế hệ, thậm chí 2-3 gia đình cùng sống chung trong một mái nhà. Khi đời sống vật chất được cải thiện, người dân có xu hướng chọn lựa cách sống tự lập giống như người nước ngoài. Xét về vốn đầu tư: từ năm 2004 đến nay, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là khá lớn và tăng nhanh hàng năm (năm 2005 là 6,5 tỉ USD, dự kiến năm 2006 đạt trên 8 tỉ USD).

Ngoài ra, tiền gửi về nước của các Việt kiều cũng không nhỏ (2,932 tỉ USD/năm). Trước đây, họ dùng số tiền này để sắm sửa tiện nghi gia đình nhưng đến nay, khi không còn thiếu thốn về vật chất, họ lại có nhu cầu mua đất hoặc nhà ở. Theo thống kê, hiện có khoảng 100.000 người trong số 3 triệu kiều bào ta ở nước ngoài có nhu cầu mua và sở hữu nhà ở trong nước.

Theo điều tra xã hội do công ty Vietnam Land thực hiện thì trên 20% người được hỏi cho biết họ muốn được sở hữu nhà ở, 15% muốn sở hữu xe ô tô, 12% muốn sở hữu xe máy và 5% muốn đi du lịch... Thêm vào đó, tỉ lệ người dân sống ở thành thị tại Việt Nam hiện chiếm 26%, trong thời gian tới, có thể sẽ tăng thêm 10%. Như vậy sẽ có thêm 8,3 triệu dân sống ở thành phố, cùng với số lượng lớn người nhập cư từ các địa phương khác đến đây học tập, làm việc và sinh sống, nhu cầu về chỗ ở sẽ rất lớn. Do đó, theo tôi, thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, ngoài vấn đề về nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân, còn những yếu tố nào ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, thưa bà?

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty hiện đã có mặt tại Việt Nam cần thêm diện tích làm việc để mở rộng hoạt động kinh doanh, các công ty mới đến cũng cần văn phòng, nhà ở để ổn định hoạt động. Do đó nhu cầu về văn phòng cao ốc loại A, B hiện tại đã rất lớn, tương lai sẽ còn lớn hơn.

Hơn nữa, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch quốc tế và cả khách nội địa khi mức sống của người dân tăng lên. Như vậy nhu cầu về chỗ ở lưu trú như phòng khách sạn, các khu resort cũng sẽ tăng cao. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến thị trường bất động sản. Sự ổn định cao của đồng Việt Nam tạo được sự phát triển bền vững của nền kinh tế sẽ là cơ sở để cho thị trường bất động sản nước ta phát triển.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, sẽ có nhiều nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, các quỹ đầu tư bất động sản (hiện Việt Nam đã có quỹ đầu tư bất động sản của Vinacapital, Indochinaland, VKMD Real Estate Fund)... đổ vào thị trường bất động sản nước ta, giúp thị trường này phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam chưa thực sự phát triển, ý kiến của bà về vấn đề này?

Thị trường bất động sản luôn đồng hành và có tác động rất lớn đến kinh tế xã hội của mọi quốc gia: thị trường bất động sản phát triển có nghĩa là nền kinh tế đang đi lên. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, điều đó khiến cho thị trường bất động sản sẽ trở nên sôi động.

Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam, giá đất tại các thành phố lớn rất đắt (so với thu nhập chung của người dân) nhưng giá đất ở ngoại thành và nông thôn lại thấp hơn nhiều so với ở thành phố. Như vậy, thị trường bất động sản của Việt Nam mới phát triển trong lõi mà chưa phát triển hết.

Trong tương lai, thị trường này sẽ phát triển ở những vị trí không thuộc trung tâm thành phố. Hơn nữa 80% doanh số môi giới bất động sản của Việt Nam thuộc về dân cư, trong khi tại Mỹ có xấp xỉ 50.000 doanh nghiệp chuyên môi giới trong lĩnh vực này. Điều đó cho thấy Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của thị trường bất động sản phát triển và được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng.

Vậy theo bà, đối tượng mà thị trường bất động sản trong nước hướng tới là ai?

Người Việt cho rằng: có 3 việc lớn trong đời cần hoàn thành là tậu trâu - lấy vợ - làm nhà. Do đó, chỗ ở rất quan trọng đối với người Việt. Hiện nay, người dân ít có cơ hội sở hữu một ngôi nhà hoặc một căn hộ vì phần lớn khách mua nhà dùng 100% tiền của mình, không sử dụng vốn vay của ngân hàng (ở các nước phát triển như Mỹ, Australia..., người mua nhà thường vay đến 90% tiền từ ngân hàng).

Trong nước, nhiều ngân hàng cũng đã mở rộng dịch vụ cho vay tiền mua nhà. Như vậy, sắp tới, người dân Việt Nam chỉ cần 10% vốn trở lên là có thể được sở hữu nhà hoặc căn hộ. Nhìn về lâu dài thì đối tượng chủ yếu của thị trường bất động sản chính là những người dân hiện chưa đủ tiền mua nhà ở.

Đó có phải là lý do mà Vietnam Land cùng với Công ty xây dựng dân dụng thực hiện dự án Chealsea Park tại Cầu Giấy - Hà Nội, thưa bà?

Chúng tôi nhận định: với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, giá bất động sản cao sẽ tập trung tại những khu vực có cơ sở hạ tầng tốt nhất và mật độ dân cư đông nhất. Trước đây, khu vực Cầu Giấy chưa phát triển nhưng đến giờ đã là một trong những khu vực phát triển nóng về bất động sản.

Nơi đây đã có cơ sở hạ tầng khá hiện đại và đồng bộ với nhiều công trình lớn, bao gồm: Trung tâm Hội nghị quốc gia, các khu đô thị hiện đại, các siêu thị của các tập đoàn thương mại nổi tiếng thế giới như BigC, Metro và sau này sẽ là nơi tập trung các văn phòng làm việc của các hiệp hội, cơ quan hành chính Nhà nước của thành phố...

Đó cũng là nguyên nhân mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu, đầu tư thực hiện dự án khu căn hộ cao cấp Chealsea Park gồm 240 căn hộ và 10 biệt thự song lập tại Yên Hoà, Cầu Giấy.

 

Phan Dương thực hiện

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 29/11/2006