VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Quốc hội phê chuẩn nghị định thư gia nhập WTO: Cam kết WTO thúc đẩy đổi mới thể chế kinh tế (29/11)

06/08/2010 - 222 Lượt xem

Trước đó, các ĐB QH đã nghe tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị phê chuẩn nghị định thư, báo cáo kết quả đàm phán gia nhập WTO của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và báo cáo thẩm tra do chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão trình bày.

Cam kết hội nhập của cả dân tộc

Cam kết vào WTO “không đơn thuần chỉ là cam kết của Chính phủ, đó là cam kết hội nhập của cả dân tộc VN với thế giới” - chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc nhận định.

QH giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao rà soát các cam kết của VN với WTO; rà soát các văn bản qui phạm pháp luật để trình QH, Ủy ban Thường vụ QH sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết của VN với WTO; giao Chính phủ tiến hành các thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn nghị định thư VN gia nhập Hiệp định thành lập WTO.

Theo ĐB Lộc, về bản chất “những cam kết đó phục vụ lợi ích phát triển của chính VN”, là động lực thúc đẩy quá trình đổi mới thể chế kinh tế và phát triển bên trong của đất nước. Bởi vậy, các cam kết khi gia nhập WTO “cần được chuyển hóa thành các cam kết phát triển bên trong của chính chúng ta” - ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ. Và theo đó, việc thực hiện các cam kết WTO phải được thiết kế thành những chương trình hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng và chịu sự giám sát chặt chẽ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng thực hiện các cam kết của WTO thành công hay không chính là ở chỗ Chính phủ huy động được sự “đồng tình, tham gia hiến kế, tham gia thực hiện với đầy đủ hiểu biết và năng lực của tất cả các cơ quan bộ, ngành và nhân dân”. Theo ĐB Tôn Nữ Thị Ninh, Chính phủ cần sớm công bố chương trình hành động, trong đó tập hợp ý kiến từ các ngành nghề, hiệp hội...

Định kỳ sáu tháng và hằng năm, Chính phủ cần “báo cáo kết quả tổ chức thực hiện nghị định thư” - ĐB Lê Thị Dung (An Giang) đề nghị. Qua đó, QH có thể nắm bắt, chỉ đạo kịp thời để xây dựng, cải cách nền hành chính mang tính minh bạch, giúp đề ra những chủ trương, chính sách thích hợp nhằm tận dụng tốt những lợi thế khi gia nhập WTO.

Thực hiện cam kết: ưu tiên lĩnh vực nào?

Không dừng lại ở những nhận xét chung, các ĐB QH đã phân tích và đề xuất, gợi ý cho Chính phủ một số ưu tiên trước mắt và cơ bản khi thực hiện các cam kết WTO. ĐB Vũ Tiến Lộc chỉ rõ: “Một khi cơ hội bùng lên thì các điểm yếu bất cập của nền kinh tế cũng sẽ bộc lộ rõ hơn bao giờ hết”. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Lộc đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết bốn yếu tố: cải thiện cơ sở hạ tầng vốn đang yếu kém; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân; đẩy nhanh cải cách hành chính, nâng cao năng lực bộ máy và hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Đồng tình, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đề nghị chương trình hành động phải thể hiện rõ đòi hỏi về nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện minh bạch hóa; hoàn chỉnh thể chế thị trường và hệ thống thị trường trong nước.

Tự nhận “ở góc độ nhận thức một người dân” chứ không phải một ĐB QH, ông Đỗ Trọng Ngoạn (ĐB Bắc Giang) gợi ý bốn ưu tiên khi thực hiện các cam kết WTO, đó là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; xóa bỏ bao cấp, nhất là bao cấp về vốn cho doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò của các doanh nghiệp dân doanh; phát triển mạnh các loại thị trường và thúc đẩy hai lĩnh vực “quốc sách hàng đầu” là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Chính phủ cần “sớm đề ra cơ chế, chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với những nhóm người, những lĩnh vực sẽ phải gánh chịu thiệt thòi” khi tham gia WTO, ĐB Lê Thị Dung lên tiếng. Bà Dung đề nghị “tăng mức trợ cấp trực tiếp cho nông nghiệp từ 8-10%, bởi người nông dân là đối tượng bị tổn thương và chịu rất nhiều thiệt thòi”. Không hoàn toàn đồng tình, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh (ĐB An Giang) cảnh báo: qua nghiên cứu nhiều nước, “nước nào thực hiện chính sách trợ cấp trực tiếp cho nông dân thì ngành nông nghiệp nước đó hầu như khó phát triển”.

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, đối với việc gia nhập WTO, Chính phủ “không xem cơ hội và thách thức là hai tuyến riêng biệt”. “Chúng tôi đang được Ban cán sự Đảng Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển kinh tế sau khi VN gia nhập WTO để trình Hội nghị Trung ương 4 vào tháng mười hai” - Bộ trưởng Tuyển cho biết.              

N.V.HẢi

Nguồn: tuoitre.com.vn, ngày 29/11/2006