VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Sức ép lớn lên doanh nghiệp dệt may (24/11)

06/08/2010 - 223 Lượt xem

Vải VN thu hẹp thị phần

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc Công ty TNHH dệt may Como, cam kết giảm thuế của VN với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Khu vực tự do mậu dịch ASEAN (AFTA) đối với các mặt hàng vải và sợi đã tạo thêm sức ép lên doanh nghiệp (DN).

Một mặt, thuế các sản phẩm sợi polyester để dệt vải được nhập khẩu từ các nước ASEAN đã tăng từ 0 lên 5%. Mặt khác vải nhập khẩu từ các nước bên ngoài ASEAN sẽ giảm từ 40% xuống còn 12%. Với mức thuế này, tới đây vải nhập khẩu đã có thể cạnh tranh được với vải trong nước. Thị phần vải dệt trong nước sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Mặc dù chưa giảm thuế, chủ yếu phải nhập qua đường không chính thức nhưng hiện nay vải Trung Quốc (TQ) đã chiếm tới 60% thị phần trong nước. Theo một người kinh doanh tại chợ vải Soái Kình Lâm (TP.HCM), do được giảm thuế, tới đây vải TQ sẽ được nhập vào VN qua đường chính thức với giá rẻ... đến không ngờ.

Vừa khảo sát thị trường vải tại Thượng Hải (TQ), ông này cho biết giá vải đang bán tại TP.HCM không chênh lệch bao nhiêu so với giá mà các nhà sản xuất TQ chào. “Nếu sau này tính luôn thuế nhập khẩu, vải TQ cũng chỉ nhỉnh hơn vải trong nước khoảng vài ngàn đồng/mét, trong khi mẫu mã lại đa dạng hơn rất nhiều” - ông này nói.

Thuế giảm cũng kéo giá vải nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN giảm. Tuy nhiên, tính ra giá vải từ các nước này vẫn cao hơn cả chục lần so với vải Trung Quốc và cao hơn 5-6 lần so với vải từ các nước ASEAN. Với các sản phẩm này, có thể sức mua không tăng mạnh nhưng cũng mang lại cho người tiêu dùng thêm sự lựa chọn.

Theo ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), bỏ hạn ngạch là một thuận lợi,  nhưng “chiếc bánh” thị trường dệt may Hoa Kỳ cũng không phải dễ nuốt. Theo ông Ân, trước khi  VN gia nhập WTO, hầu  hết các nước xuất khẩu dệt may khác vào Hoa Kỳ đã được bãi bỏ hạn ngạch kể từ năm 2005. Điều này cũng có nghĩa các nước này đã có hai năm để chia thị phần cho  từng mã hàng cụ thể. Đi sau các nước khác, lại “yếu” hơn, do vậy các DN VN phải cố gắng rất nhiều mới lấy được thị phần của DN các nước đi trước.

Bà Phạm Minh Hương, trưởng phòng xuất khẩu Công ty cổ phần dệt Phong Phú, thừa nhận “thuế nhập khẩu giảm mạnh, chỉ còn 12% là một thách thức với các DN trong nước do năng lực sản xuất lẫn chất lượng còn thua xa các nước có nền công nghiệp dệt phát triển như TQ, Ấn Độ, Hàn Quốc”. Theo một lãnh đạo của Công ty dệt may Thái Tuấn, để tồn tại, DN phải chọn cho mình một sản phẩm mang tính khác biệt, tránh đối đầu với thị phần hàng giá rẻ.

May mặc: cơ hội xen lẫn thách thức

Cơ hội đó là hạn ngạch hàng may mặc xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được bãi bỏ, mức thuế xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới sẽ được giảm xuống. Cơ hội lớn nhưng vẫn xen lẫn thách thức vì nếu không điều chỉnh, ngành may VN vẫn chưa thể hưởng lợi từ việc tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, phần giá trị gia tăng mà ngành may đem lại chỉ chiếm 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của ngành may đạt khoảng 4,8 tỉ USD nhưng các DN đã phải bỏ ra đến 3,6 tỉ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu, cả ngành may VN chỉ được hưởng khoảng 1,2 tỉ USD. Nguyên nhân là do các DN trong nước vẫn chưa chủ động được khâu nguyên phụ liệu.

Có thể thấy được thiệt thòi của ngành may qua trường hợp khách hàng nước ngoài đặt hàng, DN may tự lo nguyên phụ liệu và giao hàng tại cảng VN. Đơn giá may một áo sơmi theo trường hợp này trung bình khoảng 4 USD/áo.

Trong 4 USD này, số tiền DN được hưởng khoảng 1,4 USD, gồm tiền công may, chi phí quản lý, giá quota và một số rất ít nguyên phụ liệu trong nước sản xuất được. Còn 2,6 USD thuộc về các nhà cung cấp vải và nguyên phụ liệu, hầu hết là của nước ngoài, do phía mua hàng nước ngoài chỉ định các DN trong nước phải mua.

Khi đến tay người tiêu dùng tại thị trường của Mỹ, một áo sơmi này với các hiệu GAP, J.C. Penney, Target, Sears... có giá không dưới 19-20 USD/áo. Không có thương hiệu riêng, chưa tự thiết kế mẫu, không có kênh phân phối hàng riêng là những trở ngại đã được nhận diện cả chục năm qua nhưng vẫn chưa được DN ngành may khắc phục.

Cũng có dự báo tỉ trọng kim ngạch thực hưởng của các DN trong nước tới đây sẽ thấp hơn mức 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu do các DN không còn được tính phí quota như trước. Chưa kể khi không còn chiêu giữ khách bằng hạn ngạch, các DN sẽ phải tính chào giá thấp hơn đối thủ để giành khách hàng...

Trần Vũ Nghi

Nguồn: tuoitre.com.vn, ngày 24/11/2006