VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

APEC 2006, cơ hội vàng

06/08/2010 - 505 Lượt xem

“Việc Việt Nam vào WTO và chuyến thăm Việt Nam của ông Bush là cơ hội vàng cho hai nước tăng cường quan hệ và củng cố quan hệ đối tác mới...

Ông Bush sẽ ấn tượng với cảnh trí ở Hà Nội khi tới dự hội nghị APEC vì sau thời gian dài tách biệt với nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang lặng lẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương… trong khi chỉ có diện tích bằng nửa bang Texas quê hương của ông Bush...

Nguồn lực lớn nhất của nước này là con người vì Việt Nam không chỉ có một trong những lực lượng lao động đông đảo nhất châu Á, đây còn là một lực lượng có tỉ lệ có học cao... Xây dựng mối quan hệ đối tác mới với Việt Nam sẽ đem lại những lợi ích quan trọng cho Hoa Kỳ”. (“Việt Nam là đối tác thương mại xứng đáng của Hoa Kỳ” - Mercury News)

“APEC là sự kiện ngoại giao lớn nhất mà Việt Nam từng tổ chức với sự tham gia của 21 thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để chứng tỏ họ đã gia nhập cùng với cộng đồng quốc tế, cũng như sự sẵn sàng cho việc trở thành thành viên đầy đủ của WTO trong tháng tới”. (Korea Times)

“Cuối tuần này, Việt Nam là tâm điểm ngoại giao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Bằng quyết tâm, người Việt Nam đang ngày càng trở nên sung túc hơn… Hội nghị APEC tại Hà Nội là đỉnh cao của chặng đường sau tám năm Việt Nam gia nhập diễn đàn này”. (Kênh ABC, Úc)

“Các nước châu Á - Thái Bình Dương ngày càng có vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế khi chiếm tới một nửa thương mại toàn cầu và 60% GDP của toàn thế giới… Hội nghị APEC đã đặt ra những mục tiêu tham vọng như khởi động lại vòng đàm phán Doha và giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên”. (Kênh DW-TV, Đức)

Hội nghị APEC “thể hiện trục quyền lực thế giới đang dịch chuyển về khu vực châu Á - Thái Bình Dương... và cam kết đối với tự do thương mại là chất keo kết dính APEC. Sự tiếp tục hiện diện của Mỹ là cần thiết cho các giải pháp toàn cầu”. (The Australian)

“Có thể khẳng định chắc chắn rằng trong tuần này, thủ đô Hà Nội của Việt Nam là danh từ riêng được nhắc đến nhiều nhất trong dòng chảy thông tin của các phương tiện truyền thông toàn thế giới. Chuyến thăm Việt Nam của ông Putin diễn ra trong điều kiện phải cạnh tranh với các đối tác khổng lồ khác trong APEC để giành được quan hệ thân hữu của Hà Nội.

Việt Nam hiện đang giữ vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới về gạo, cà phê, chè, hồ tiêu. Các nền kinh tế phát triển đang chú ý đến tiềm năng dầu mỏ, cao su, than đá, quặng kim loại của Việt Nam. Và xét về sức hấp dẫn của thị trường nhân công thì lực lượng lao động Việt Nam có kỷ luật, được đào tạo và không đòi hỏi mức lương cao.

Nhiều thành viên APEC mong muốn có được mối quan hệ đặc biệt với Hà Nội nên lãnh đạo của những nền kinh tế này đã quyết định đến thăm chính thức Việt Nam trong dịp này”. (Nhật báo Tin tức Moskva)

“Nhiều công ty phương Tây sau khi bỏ qua Việt Nam trong thời điểm trước đây đã nhìn nhận tiềm năng của thị trường này đang thực tế hơn bao giờ hết. Có nhiều dự đoán rằng Việt Nam sẽ còn nỗ lực nhiều hơn nữa để trở thành miền đất hứa cho những nhà đầu tư và điều đó đang diễn ra. “Khi áp lực phát triển lên đến mức cao nhất, Việt Nam sẽ vượt qua tất cả” - một doanh nghiệp cho biết”. (“Các nhà đầu tư quay trở lại Việt Nam” - Financial Times)

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 20/11/2006