VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

79% nhà nhập khẩu Mỹ sẵn sàng mua hàng Việt Nam (14/11)

06/08/2010 - 230 Lượt xem

Ngày 13-11, tại TPHCM, Tổng Giám đốc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ (AIA), ông Phillip W. Byrd, đã gặp gỡ, nói chuyện với gần 300 doanh nghiệp (DN) về chuyên đề “Làm thế nào để tìm kiếm và bán hàng thành công đến các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ”. AIA gồm có 13.000 nhà nhập khẩu đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đây là chương trình khởi động chào mừng Việt Nam chính thức gia nhập WTO do Công ty VietAsia phối hợp với AIA tổ chức.

  • Đối tác nhập khẩu thứ 37

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của VN vào Mỹ đã đạt 5,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2005. Dự báo kim ngạch xuất khẩu VN sang Mỹ năm 2006 lần đầu tiên đạt 8 tỷ USD. Mức độ tín nhiệm của các nhà nhập khẩu Mỹ đối với hàng VN đang tăng khá cao.

Khảo sát mới nhất của AIA cho thấy, có tới 79% trong tổng số 1.000 nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá lạc quan và sẵn sàng nhập khẩu hàng VN, tương đương với Mexico nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc. Ông Phillip cho biết, VN là đối tác nhập khẩu hàng hóa thứ 37 của Mỹ. Riêng mặt hàng dệt may của VN đã đứng thứ 5 với kim ngạch 9 tháng đầu năm 2006 là 3,3 tỷ USD. Đến năm 2010, dự kiến sẽ đạt 17,5 tỷ USD.

  • Những nhóm hàng có lợi thế

Ông Phillip cho biết, các DNVN hiện đang có 5 cơ hội, đồng nghĩa với 5 nhóm hàng có lợi thế để tăng lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ. Đó là, đồ gỗ - thủ công mỹ nghệ, giày da, quần áo, dệt vải và thực phẩm. Nếu xét theo thứ tự và theo tìm hiểu của AIA thì hàng thực phẩm của VN đang có nhiều thế mạnh. Với tôi, thực phẩm của VN là ngon nhất trên thế giới nên mỗi lần sang VN tôi đều ăn rất nhiều các món ăn VN.” - ông Phillip nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một thực tế đã được ông Vũ Văn Bình, Vụ phó Vụ Chính sách thị trường Hoa Kỳ cảnh báo, hàng thực phẩm của VN tuy ngon, nhưng lại không có giấy chứng nhận kiểm dịch (GSP) nên không thể cạnh tranh với hàng của Thái Lan tại Mỹ. Ví dụ, mặt hàng dứa đóng hộp, dù có nhiều đối tác đặt vấn đề xuất khẩu sang Mỹ nhưng vì không có GSP nên không xuất khẩu vào thị trường này được. Bên cạnh đó, có 17 loại trái cây tươi như thanh long, vải, xoài, nhãn…cũng chưa thể vào Mỹ.

  • Bán hàng vào Mỹ - cách nào?

Con số 79% trong tổng số 1.000 nhà nhập khẩu của Mỹ cho rằng họ sẵn sàng mua hàng VN là điều kiện khởi đầu hết sức thuận lợi cho các DNVN. Tuy nhiên, làm gì để bán hàng thành công vào Mỹ? Theo ông Phillip, điều đầu tiên là các DN cần phải tìm hiểu về nước Mỹ dưới 2 góc độ chính trị và kinh tế. Riêng lĩnh vực kinh tế, phải đọc cho được biểu đồ chỉ số tin tưởng người tiêu dùng (CCI) và doanh số bán lẻ hàng năm.

Để bán hàng thành công, chính DNVN phải chủ động tìm đến các nhà nhập khẩu để chào hàng hoặc thông qua thư bảo đảm. Thống kê cho thấy, có tới 97% thư chào hàng bị…vứt vào sọt rác vì DN Mỹ chỉ có 7 giây để đọc thư, do vậy trong một lá thư phải đạt được cấu trúc 4 phần rõ ràng: giới thiệu bạn là ai, sản phẩm của công ty là gì, giá cả, tiếp xúc bằng cách nào… Tuyệt đối không nên dùng fax để bán sản phẩm, cũng không sử dụng mail miễn phí từ yahoo, gmail hay hotmail để bán hàng.Trên website, DN không nên đưa ra mức giá tốt nhất vì như vậy sẽ không có điều kiện để cho đối tác bàn bạc thêm bớt giá…

Tham dự các hội chợ thương mại cũng là cách làm hiệu quả vì đây là cơ hội để bán hàng trực tiếp, tìm hiểu cơ hội, quan sát thị hiếu tiêu dùng là gì. DN cũng có thể gửi những thông tin sản phẩm kèm theo những lời chúc tốt đẹp, tạo sự thân thiện vào 100.000 địa chỉ email của các hội viên AIA. Khi có phản hồi, có nghĩa là DN đã bắt đầu tìm được đối tác. Trong kinh doanh, ngoài chất lượng sản phẩm, giá bán cạnh tranh thì cần phải giữ “chữ tín”.

“VN đã bước vào cuộc cạnh tranh toàn cầu và ngày càng gay gắt. Bí quyết của sự thành công đó là DN phải tạo được sự khác biệt giữa các sản phẩm cùng loại, bởi thị trường rất rộng lớn và nhu cầu tiêu dùng thì vô hạn” – ông Phillip kết luận.

THÚY HẢI

Bình luận về sự kiện VN gia nhập WTO, ông Phillip nói rằng, cơ hội là 50%-50% nhưng điều chắc chắn là kim ngạch xuất khẩu của VN sẽ tiếp tục tăng cao bởi các yếu tố hiệu ứng về tâm lý, tinh thần của các DN sẽ phấn khởi hơn và đã có một chỗ chung để giải quyết các vụ tranh chấp thương mại…. “Ngay sau khi về nước, tôi sẽ làm một báo cáo dài về những mặt mạnh vượt trội cùng với những sản phẩm và thức ăn của VN để gửi đến 13.000 nhà nhập khẩu thành viên, đồng thời sẽ chuyển tải những thông tin tốt đẹp về VN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó, tôi sẽ kêu gọi các nhà nhập khẩu Mỹ tổ chức cuộc điều tra về thị trường và sản phẩm VN” - ông Phillip nói.


Nguồn trích: Sài Gòn giải phóng