VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Công bố Chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2006

06/08/2010 - 431 Lượt xem

Theo Báo cáo Phát triển con người được công bố hôm qua (10/11) tại Hà Nội, Việt Nam tiếp tục đạt được giá trị HDI cao hơn các nước giàu hơn như Ai Cập, Nam Phi, Goatemala, mặc dù chỉ tiêu về mức thu nhập bình quân đầu người dựa trên sức mua ngang bằng của Việt Nam thấp hơn những nước này…
 
Các chỉ tiêu khác như tuổi thọ trung bình xếp thứ 83/177, tỉ lệ biết chữ ở người lớn và tỷ lệ nhập học ở các cấp tiểu học, trung học và đại học của người Việt Nam đứng 123/172 quốc gia.

HDI dựa trên 3 chỉ tiêu: sức khỏe và sống lâu (đo bằng tuổi thọ), được học hành (đo bằng tỉ lệ biết chữ ở người lớn và tỷ lệ nhập học ở các cấp tiểu học, trung học và đại học) và có mức sống tốt (được đo bằng GDP theo đầu người dựa trên sức mua ngang bằng).  

Trong số 177 nước trên thế giới, Việt Nam đã tiến từ vị trí thứ 120 trong bảng xếp hạng Chỉ số về phát triển con người năm 1995 lên vị trí thứ 108 năm 2005.

Cũng theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đạt những tiến bộ đáng kể trong vấn đề nước và vệ sinh. Hiện đã có 60% người dân nông thôn Việt Nam được sử dụng nước sạch, 50% hộ gia đình Việt Nam có các điều kiện vệ sinh cơ bản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cuối năm 1998, Việt Nam mới chỉ có 23% người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch nhưng đến nay đã có 60% người dân nông thôn Việt Nam (gần 40 triệu người) đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, 50% hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn và ngày càng có nhiều tiện ích xử lý nước thải cho các trang trại gia súc và làng nghề.

“Những thành tựu của Việt Nam về vấn đề nước và vệ sinh thực sự đáng phấn khởi. Tuy nhiên, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn, nhất là cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa”, ông Jesper Morch, Đại diện của UNICEF tại Việt Nam nhận xét.

Với chủ đề “Không chỉ là sự khan hiếm: Quyền lực, nghèo và khủng hoảng toàn cầu”, Báo cáo phát triển con người năm nay đã tập trung đề cập đến vấn đề nước sạch và vệ sinh như là một quyền cơ bản của con người.

Theo báo cáo, hiện trên thế giới vẫn còn có khoảng 1,1 tỷ người dân ở các nước đang phát triển chưa được sử dụng nước sạch và 2,6 tỷ người dân chưa được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ khoảng 1,8 triệu trẻ em tử vong trong năm nay.

 

Quỳnh  Ngọc

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 11/11/2006