VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Thị trường tiêu dùng VN sẽ có những thay đổi (9/11)

06/08/2010 - 173 Lượt xem

James L. Thorton là giám đốc một công ty cung ứng hàng tiêu dùng tại Detroit, Chicago, Mỹ. Thorton từng phục vụ tại Chu Lai 1967 -1968 thời chiến tranh Việt Nam (VN) và dự kiến sẽ có mặt trong phái đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Georgre W. Bush thăm VN sắp tới.

Mới đây, với tư cách khách mời của Hội Cựu chiến binh G-75 trong cuộc họp mặt hàng năm tổ chức tại Dallas, Texas, ông Thorton đã trả lời các câu hỏi về thị trường hàng tiêu dùng của VN. Sau đây là trích ý kiến của ông.

- Vì sao đến lần này ông mới trở lại thăm VN và ông biết gì về thị trường này?

- Chuyến thăm VN của Tổng thống Bush năm nay là sự khẳng định của một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước và cũng sẽ mở ra một cơ hội lớn cho giới DN Mỹ. VN là một thị trường mới. Tôi biết lao động VN bắt đầu có kinh nghiệm sản xuất và rất khéo tay. Từ những ví dụ cụ thể như lĩnh vực lắp ráp máy vi tính đến lắp ráp ôtô ... cũng đã nói lên được sự sẵn sàng cho các lĩnh vực sản xuất khác.

- Theo ông, loại hình công nghiệp nào sẽ được đưa vào để thúc đẩy việc nâng cao kỹ năng của lao động VN?

- Trước mắt cần tập trung vào dịch vụ đời sống gồm các mặt hàng tiêu dùng có chất lượng cao hơn.

- Hầu như các loại dịch vụ phục vụ đời sống có chất lượng, có giá phù hợp túi tiền người tiêu dùng đều có thể tìm thấy tại các thành phố, dù lớn hay nhỏ ở VN?

- Giá cả không phải là vấn đề trong thời kỳ tranh đua sản xuất, chất lượng mới là điều đáng đề cập. Chúng ta phải nhìn ra được xu hướng sắp tới và với nhà đầu tư sản xuất thì không ngại chi phí cho marketing cũng như sẵn sàng cạnh tranh về giá bán.

- Đó là chuyện kinh điển trong kinh doanh. Thực tế ở đây cho thấy người tiêu dùng, ví dụ như ở California chỉ mua toàn đồ sale (hàng giảm giá) vì những nhà bán sỉ như Mervyn, Macy's, Target, Rite-Aid... liên tục đưa ra các đợt bán giảm giá. Từ đó, ông có thấy thị trường tiêu dùng VN cũng sẽ giống như thị trường tiêu dùng ở đây...?

- Xin đừng quên rằng các nhà kinh doanh và đầu tư rất thích có thách thức, bởi thách thức sẽ tạo ra cơ hội mới.

- Thế nhưng thay đổi tâm lý mua sắm hàng tiêu dùng thật không dễ. Có người cho rằng hàng nhái là sự tiêu dùng ép buộc, hoặc hàng nhái chỉ dành cho người tiêu dùng dễ tính! Hàng nhái có giá thành rẻ, chất lượng không bằng chất lượng hàng chính gốc, nên các nhà bán sỉ tha hồ giảm giá. Khái niệm về hàng tiêu dùng hình như không phải "tiền nào của nấy" nhưng là "thời nào của nấy"

- Tôi không né tránh thực tế là có quá nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang lấn lướt trên mọi thị trường và người tiêu dùng tại các quốc gia đang phát triển là nạn nhân.

Trước mắt, trật tự trong xã hội tiêu dùng chưa được mọi người quan tâm. Có nghĩa là một hệ thống hướng dẫn tiêu dùng cho các thành phần xã hội chưa được hình thành. Do vậy, dù tiêu dùng theo kinh nghiệm, tiêu dùng theo hướng dẫn của giới truyền thông, người tiêu dùng vẫn chơi với trước hàng loạt sản phẩm mới và chưa được giới sản xuất hàng tiêu dùng đặt mục tiêu để có được sự tôn trọng đúng mực.

Xin nêu một ví dụ, theo một nghiên cứu về tâm lý tiêu dùng của UC Berkley, California, năm 2005, có đề cập tỷ lệ hư hao trong dây chuyền may quần jean nói chung chiếm đến 45%.

Đa phần những công ty liên doanh trả tiền công theo sản phẩm đều vướng vào những lỗi kỹ thuật. Nhưng tôi muốn tiết lộ một chuyện, các sản phẩm jean của AE vốn rất thông dụng với giới trẻ Mỹ, được may gia công tại VN chỉ bị lỗi kỹ thuật ở tỷ lệ 4%.

- Như vậy thị trường tiêu dùng tại VN sẽ có những thay đổi?

- Tôi biết giới đầu tư kỹ thuật Mỹ đang thiết kế các vấn đề liên quan. Theo dự đoán của tôi về thị trường mới sản phẩm mới, đây không phải là chuyện không thể thực hiện được, nhất là sau khi VN gia nhập WTO. Giới kinh doanh chân chính đang có ý muốn thay đổi mặt bằng tiêu dùng sản xuất. Và đa số rất thích điều này xảy ra tại VN...

Lê Thành Giai (từ California)

Nguồn: laodong.com.vn, ngày 9/11/2006