VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm: “Đã có kịch bản hậu WTO”

06/08/2010 - 438 Lượt xem

Phó thủ tướng nói:

- Vừa qua Bộ Thương mại đã được giao chủ trì đề án “hậu WTO” để trình lên Chính phủ, dự kiến trong vài ngày tới Chính phủ sẽ họp bàn triển khai. Để thực hiện kế hoạch này phải căn cứ vào những tác động tích cực cũng như những tác động tiêu cực sau khi VN gia nhập WTO.

Trong đó sẽ có một số giải pháp chính là làm sao nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Giải pháp này sẽ được thực hiện thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn lại bộ máy, giảm tối đa những chi phí không đáng có trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đây chính là cách nâng cao sức cạnh tranh của VN trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao cho mọi người dân có thể nắm rõ được những thông tin trong lĩnh vực của mình mà VN vừa cam kết thực hiện với WTO. Trong vài ngày tới Chính phủ sẽ cho công bố toàn bộ nội dung cam kết, từ đây mọi người dân có thể tìm hiểu để có bước đi phù hợp trong giai đoạn mới.

* Là thành viên của WTO, VN phải cắt bỏ trợ cấp cũng như các biện pháp hỗ trợ  trực tiếp. Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để vẫn có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh mà không vi phạm các qui định của WTO?

- Nếu theo những cam kết về việc giảm thuế đối với hàng hóa, mở cửa thị trường trong dịch vụ... vẫn có nhiều lĩnh vực chúng ta được bảo lưu, có lĩnh vực chúng ta phải làm ngay, tất cả Chính phủ đã lường tính được. Đối với việc cắt giảm trợ cấp, hiện nay trợ cấp xuất khẩu thì chúng ta đã cắt rồi, còn lại những dạng trợ cấp trực tiếp khác thì không đáng kể.

Trong kế hoạch hậu WTO, chúng ta sẽ tập trung giúp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước bằng các biện pháp hỗ trợ gián tiếp mà WTO cho phép. Trong đó, Chính phủ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào năng lượng, đường, cảng biển…

Nếu những việc này chúng ta làm tốt cũng có nghĩa giúp cộng đồng kinh doanh giảm bớt được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; và đây chính là vấn đề sống còn khi chúng ta gia nhập WTO. Môi trường kinh doanh được cải thiện hơn nữa, tôi tin rằng sẽ giúp chúng ta đạt được hai mục tiêu lớn trong thời gian tới là VN sẽ ra khỏi những nước chậm phát triển vào năm 2010 và đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp phát triển.

Cam kết của VN gia nhập WTO

Để bạn đọc cập nhật thông tin về việc VN gia nhập WTO. Tuổi Trẻ tóm lược từ bản tiếng Anh những cam kết của VN với WTO được nhiều người quan tâm.

Lĩnh vực dịch vụ

- Doanh nghiệp nước ngoài được hoạt động thương mại ở VN dưới hình thức hợp đồng hợp tác, liên doanh, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài.

- Sau một năm gia nhập, tỉ lệ 30% về nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài được dỡ bỏ, trừ trường hợp mua cổ phần của ngân hàng cổ phần và những lĩnh vực không qui định trong biểu cam kết dịch vụ.  

- Ít nhất 20% số giám đốc, nhân viên và chuyên gia trong công ty nước ngoài phải mang quốc tịch VN.

- Kiến trúc, thiết kế công trình: trong thời gian hai năm kể từ ngày gia nhập, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài ở VN.

- Quảng cáo, nghiên cứu thị trường: công ty nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác với đối tác VN, trong đó bên nước ngoài không được góp quá 51% vốn. Từ ngày 1-1-2009, dỡ bỏ giới hạn về tỉ lệ vốn góp của bên nước ngoài.

- Tư vấn quản lý: sau ba năm kể từ ngày gia nhập, công ty nước ngoài được phép thành lập chi nhánh đại diện.

_______________________________

Kỳ tới : Tài chính - ngân hàng

Xuân Toàn thực hiện

Nguồn: tuoitre.com.vn, ngày 9/11/2006