VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Thị trường điện cạnh tranh: “Phải mất 30 năm nữa” (24/10)

06/08/2010 - 257 Lượt xem

Chỉ xuất khẩu than trong khoảng 10 triệu tấn/năm

Chính phủ vừa chủ trương hạn chế xuất khẩu than. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu điện. Có bù được cho nhau trong hai lĩnh vực này không thưa Bộ trưởng?

Về các nhà máy than điện, hiện nay chúng ta đã làm và muốn đầu tư nữa nhưng đang hạn chế về vốn. Cho nên, khi chúng ta tăng đầu tư các nhà máy điện than thì tiến tới cấm xuất khẩu than, tức là than trước hết phải đáp ứng nhu cầu trong nước, nhu cầu trong nước chưa dùng hết thì anh mới được xuất.

Thứ hai nữa là các loại than mà trong nước không dùng thì vẫn xuất khẩu. Còn những loại than khác thì bắt buộc phải đáp ứng nhu cầu trong nước, bao giờ thừa thì mới được bán, mà bán cũng phải hạn chế.

Chiến lược cho phép là anh chỉ xuất khẩu trong khoảng 10 triệu tấn trở lại thôi, 10 triệu tấn đó là bình quân, có thể năm xuất cao hơn, có năm thấp hơn, bởi vì tồn đọng than thì liên quan đến chi phí sản xuất, tức là phải năng động.

Ngoài ra, theo chiến lược của mình, anh có thể xuất Bắc, nhập Nam, linh hoạt thôi.

Khó huy động vốn phát triển ngành điện

Bộ trưởng có nói đến vấn đề cần vốn để đầu tư cho các nhà máy than điện. Vừa qua, Tổng công ty Điện lực (EVN) cũng đã triển khai phát hành trái phiếu huy động vốn khá thành công. Vậy có thể đẩy mạnh hướng này?

EVN vừa mới phát hành khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn đó chưa ăn thua gì so với nhu cầu, vì nhu cầu của mình lên đến 3 – 4 tỷ USD mà.

Vậy chúng ta có thể phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế?

Hướng đi này khó khăn hơn, chưa có khả năng huy động được như vậy, bởi vì bản thân tài chính của EVN hiện còn chưa tốt, như thế thì khi ra thị trường quốc tế không huy động nổi.

Vậy có thể nhờ Chính phủ bảo lãnh?

Nếu Chính phủ bảo lãnh thì lại chuyển rủi ro sang Chính phủ. Mà tỷ lệ nợ của Chính phủ là có giới hạn. Cho nên tốt nhất là để các doanh nghiệp tự đảm bảo năng lực tài chính của mình. Chính phủ cũng không thể bao hết được cho các doanh nghiệp.

Vậy thì chúng ta đẩy mạnh việc bán cổ phần điện ra cho công chúng đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong doanh nghiệp để có thêm vốn?

Việc bán cố phần ra bên ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong doanh nghiệp cũng không thể nào đáp ứng được. Vấn đề ở đây là nó không bị hạn chế ở tỷ lệ đấy, nhưng vì hiện nay ngành điện của chúng ta đang trong quá trình sắp xếp lại để hình thành thị trường cạnh tranh.

Các nhà máy điện, các công ty phân phối điện, truyền tải điện đang trong quá trình sắp xếp nên không thể bán, hạ tỷ lệ xuống một cách đột ngột. Vì như thế nó sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành sản xuất trên toàn hệ thống, mà ngành điện là một ngành hệ thống, nếu sự liên kết đó mất đi thì sẽ dẫn đến khủng hoảng trong việc bảo đảm cung cấp điện.

Hiện nay EVN vẫn là doanh nghiệp nhà nước, và khi là doanh nghiệp nhà nước thì nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện là nhiệm vụ chính trị lớn, phải đáp ứng kể cả trong điều kiện lỗ.

Nếu chúng ta giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống thì người ta có thể sẽ hành động vì lợi ích cổ đông là chính, như vậy người ta sẵn sàng bỏ nhiệm vụ cung cấp điện. Chính vì vậy mà phải cho cho việc sắp xếp theo hướng thị trường ổn định thì mới có thể làm được điều đó.

Như tôi vẫn nói, anh kêu gọi đầu tư trong nước, nước ngoài vào ngành điện thì anh phải chứng minh được ngành đó hoạt động có hiệu quả và thu được lời, còn không thì kêu gọi mãi người ta cũng không vào. Anh muốn thu được 3 – 4 tỷ USD mỗi năm thì anh phải chứng minh được là họ vào đây thì tôi sẵn sàng dành cho anh lợi ích, và vì anh có lợi ích thì anh cũng phải mang lại lợi ích cho đất nước, không thể nào một chiều được.

Bộ trưởng nói rằng tình hình tài chính của EVN xấu. Mới đây, có thông tin cho biết EVN đang có quan hệ tín dụng với trên 10 tổ chức tín dụng. Bộ trưởng bình luận thế nào về con số này?

EVN là một cơ quan sử dụng vốn rất lớn. Như tôi nói là 3 - 4 tỷ USD mỗi năm. Đó là một khách hàng rất lớn đối với bất kỳ tổ chức tín dụng nào.

Tuy vậy, mối quan hệ khách hàng đó có giữ được hay không là ngày nào khả năng thanh toán của EVN còn; ngày nào khả năng thanh toán đó kém đi thì các ngân hàng sẽ đóng băng ngay. Cho nên hàng năm, bản cân đối tài chính của EVN khi mà quyết toán xong thì các tổ chức tín dụng đều có, mà về nguyên tắc là anh phải công khai.

Ngày nào anh còn khả năng thanh toán nợ, còn hoạt động hiệu quả thì người ta còn quan tâm tới anh, nếu không thì rất rủi ro.

Giá điện: Không lãi quá cũng không bao cấp quá

Về giá điện, được biết Bộ Công nghiệp đã có báo cáo trình lên Chính phủ. Nội dung chính của báo cáo này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Hiện Tổ công tác đã hoàn thành báo cáo này và trình lên Chính phủ. Phương án cuối cùng còn phải chờ thẩm định xong, có bốn phương án đã được công bố công khai rồi. Hiện Bộ Tư pháp đã thẩm định rồi, Bộ Tài chính đang thẩm định chưa xong. Khi thẩm định xong thì mới trình Chính phủ để Chính phủ quyết phương án nào, sau đó mới công bố.

Chúng ta định hướng xoá bỏ bù chéo giữa các hộ mua điện chủ lực. Vậy thì áp lực tăng giá điện sẽ rất lớn?

Bước xóa bỏ bù chéo đã được đề cập trong Nghị quyết của Đảng cũng như của Quốc hội nhưng phải đi từng bước, không thể giảm một năm mà hết được. Cho nên đề án mà Bộ Công nghiệp xây dựng cũng chỉ điều chỉnh là tăng 8% thôi, tức là đi theo hướng từng bước, bởi vì nó bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không thể điều chỉnh ngay một lúc được.

Đó là một hướng bắt buộc phải làm còn không anh sẽ không đạt được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh điện. Mà muốn giá điện ở mức cạnh tranh thì thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh phải hiệu quả.

Với giá điện, nnếu mà anh sản xuất có lãi quá mức thì người tiêu dùng sẽ phản ứng, mà nếu người tiêu dùng được bao cấp quá mức thì người sản xuất sẽ không làm. Nếu không giữ được cái cân bằng ấy thì kinh tế của ngành ấy hỏng.

Có thông tin cho rằng EVN mua giá điện trong nước thấp, mua giá điện Trung Quốc cao. Bộ trưởng đánh giá thông tin này như thế nào?

Thông tin đó là không đúng.

Vậy đến bao giờ thì chúng ta sẽ có thị trường điện cạnh tranh?

Chúng ta muốn có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo, tức là thị trường đến tận người bán lẻ, thì phải mất tới 30 năm. Nghe thì rất dài nhưng với nước ta thì đó đã là nhanh hơn so với rất nhiều nước khác, vì đấy là một quá trình hết sức khó khăn.

Vì ngành điện là ngành có độc quyền tự nhiên rất lớn. Để xoá bỏ độc quyền tự nhiên ấy đi, anh phải thiết kế hệ thống luật pháp của anh rất là phù hợp. Ngành điện không thể phát triển riêng được mà phải theo hệ thống luật pháp, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhận thức của người dân.

Thủ tướng cũng đã phê duyệt rồi và quá trình đó là 24 năm. Và nếu chúng ta làm tốt như lộ trình Thủ tướng phê duyệt thì sẽ rất tốt cho đất nước.

Tách viễn thông ta khỏi điện lực

EVN nói rằng vốn đầu tư cho viễn thông thì họ phải vay. Nhưng họ lại có những cuộc họp, họp các giám đốc chi nhánh để bàn về vấn đề viễn thông. Vậy đó có phải là sự can thiệp chéo không?

Đó không phải là can thiệp chéo. EVN theo đề án Tập đoàn mà Thủ tướng phê duyệt thì phải tách dần hoạt động viễn thông ra khỏi điện lực. Thực tế mà nói, về vốn thì không được phép, họ vẫn phải đi vay như hiện nay.

Còn về kinh doanh, trước đây EVN tính đến việc sử dụng người ở bên điện để kinh doanh viễn thông luôn, muốn làm như thế để tiết kiệm lao động, nhưng thực tế cho thấy làm như thế không ổn. Bản thân người làm bên điện cũng đã nhiều việc, bận rộn rồi cho nên dần dần phải tách ra thôi để cho minh bạch.

Và để cho mỗi lĩnh vực hoạt động hiệu quả thì cán bộ phải tập trung sức lực vào lĩnh vực đó, đó là chưa nói đến môi trường hoạt động trong lĩnh vực viễn thông là rất cạnh tranh. Bộ cũng đã có yêu cầu tách bạch rõ hai lĩnh vực này.

 

Minh Đức thực hiện

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 24/10/2006