VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Thu nhập của người lao động sau cổ phần hóa tăng 12% (23/10)

06/08/2010 - 220 Lượt xem

Bên cạnh đó, hàng năm, người lao động là cổ đông trong các công ty cổ phần còn được nhận cổ tức từ phần vốn cổ phần mà họ có trong công ty. Mức cổ tức bình quân ở các công ty cổ phần cao gấp 2-3 lần so với lãi suất ngân hàng từ 12% đến 20%/năm.

Cổ đông hoá người lao động

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Duy Đồng cho biết phần lớn số lao động dôi dư sau cổ phần hóa đã được đào tạo lại, chuyển việc làm mới hoặc tự tìm được việc ngay với thu nhập ít nhất 600.000 đồng/tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy cổ phần hoá vẫn tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Điển hình như Công ty cổ phần giấy Hapaco Hải Phòng, trước cổ phần hoá có 524 lao động, nay tăng lên gần 1.000 người; số lao động ở Công ty cổ phần đại lý liên hiệp vận chuyển tăng 430%; và Công ty cổ phần may Hồ Gươm tăng 280%. Phần lớn lao động được tuyển dụng mới đều đã qua đào tạo. Cơ chế quản lý đổi mới, bộ máy gọn nhẹ, việc thu chi được giám sát chặt chẽ, công khai được coi là những nguyên nhân khiến cho thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp cổ phần hoá tăng lên.

Cũng theo kết quả khảo sát của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển đối với khoảng 500 doanh nghiệp đã cổ phần hoá trong hơn một năm qua cho thấy thu nhập của người lao động tăng 54%, cổ tức bình quân được chia 15,5%/năm.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được tiến hành thí điểm từ tháng 6/1992, đến tháng 8/2006, cả nước đã cổ phần hóa được 3.060 doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng chiếm 66%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 27,6%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 6,4%.

Còn theo báo cáo của cán bộ, ngành, địa phương về hiệu quả sản xuất kinh doanh của 850 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá đã hoạt động trên 1 năm cho thấy: vốn điều lệ bình quân tăng 44%, doanh thu bình quân tăng 23,6%, trong đó 71,4% số doanh nghiệp có doanh thu tăng; lợi nhuận thực hiện bình quân tăng 139,76%, trên 90% doanh nghiệp sau cổ phần đều hoạt động kinh doanh có lãi; nộp ngân sách bình quân tăng 24,9%; số lao động bình quân tăng 6,6%.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo luật gia Cao Bá Khoát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì: nhìn chung các mục tiêu cổ phần hoá đều đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu. Nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ từ nhiều doanh nghiệp không thuộc diện cần giữ cổ phần chi phối, phổ biến nhất là trong các công ty nhà nước thuộc các ngành xây dựng giao thông.

Người lao động trong nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng mua thêm cổ phần ngoài số cổ phần mua với giá ưu đãi: trong khi đó, không ít người lưu động không những không mua cổ phần lại bán cổ phần ngay sau khi mua. Việc thu hút cổ đông ngoài doanh nghiệp mới đạt 15,4% vốn điều lệ, các cổ đông chiến lược vì thế cũng không có nhiều cơ hội để trở thành những người chủ có vai trò nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá “khép kín” trong nội bộ, có tới 38% số doanh nghiệp không có cổ phần bán ra ngoài. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện triệt để theo đúng tinh thần Nghị quyết trung ương 3, chương trình hành động của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Ở nhiều bộ ngành địa phương nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá trong các năm 2003 – 2004 nhưng chưa được tiến hành lộ trình cổ phần hoá.

Tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước có vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn còn rất cao (gần 40%). Tài chính doanh nghiệp còn nhiều tồn tại và lao động dôi dư vẫn đang tiếp tục là trở ngại không nhỏ đối với việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước.

 

Phong Lan

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 23/10/2006